Các mốc bảo dưỡng ô tô định kỳ cần nhớ

Ôtô cần được kiểm tra, thay thế định kỳ nhiều hạng mục để bảo đảm sự ổn định khi vận hành cũng như tăng tuổi thọ của phương tiện.

Bảo dưỡng định kỳ là việc làm quan trọng cần được thực hiện đầy đủ trong quá trình sử dụng ôtô. Ngoài mục đích đảm bảo quyền lợi đối với phương tiện khi có hư hỏng nằm trong diện bảo hành, việc kiểm tra và chăm sóc thường xuyên còn giúp xe vận hành ổn định, an toàn và tăng tuổi thọ sử dụng.

Trong sách hướng dẫn sử dụng, nhà sản xuất đề xuất các mốc bảo dưỡng tính theo tháng hoặc quãng đường di chuyển. Tuy nhiên, không phải tài xế hay chủ xe nào cũng ghi nhớ khuyến nghị này để chăm sóc phương tiện của mình đúng thời điểm và đầy đủ.

Dưới đây là danh sách các hạng mục bảo dưỡng định kỳ theo số kilomet sử dụng thường được các hãng xe khuyến cáo với người sử dụng.

1.000 km đầu tiên

Kể từ lúc lăn bánh khỏi showroom đến khi đồng hồ odo chạm mốc 1.000 km là quãng đường xe hơi chạy rô-đai. Kết thúc quá trình “khởi động” cho động cơ, người dùng được khuyến cáo nên thay dầu bôi trơn động cơ và lọc dầu. Điều này nhằm loại bỏ các mạt kim loại nhỏ sinh ra trong quá trình rô-đai, giảm mài mòn cho các chi tiết bên trong động cơ và tăng tuổi thọ cho xe.

Tùy thuộc vào dung tích nhớt của động cơ, giá loại dầu nhớt thay mới, giá của lọc dầu và giá nhân công, chi phí bảo dưỡng lần đầu có thể dao động từ vài trăm nghìn đồng đến khoảng 1 triệu đồng với các mẫu xe phổ thông.

Bên cạnh đó, khi xe đến bảo dưỡng lần đầu, đội ngũ kỹ thuật sẽ tiến hành kiểm tra tổng quan các hạng mục khác như hệ thống phanh, hệ thống treo, nước làm mát, đường dẫn nhiên liệu, hệ thống nước làm mát, ắc-quy…

5.000 km

Sau mốc chung 1.000 km đầu tiên, các nhà sản xuất có những hạng mục đề xuất bảo dưỡng định kỳ sau mỗi 5.000 km di chuyển (hoặc 6 tháng sử dụng). Ở xe Toyota hay Hyundai, các mốc định kỳ như 5.000 km, 15.000 km, 25.000 km… được gọi là bảo dưỡng nhỏ hay bảo dưỡng cấp 1. Những nhà sản xuất khác như Mazda, Kia, Ford, Honda… cũng có thời gian và quãng đường sử dụng khuyến cáo tương tự.

Ngoài việc thay mới dầu động cơ, ở mốc 5.000 km ôtô cần được làm vệ sinh lọc gió động cơ và bộ lọc của hệ thống điều hòa. Những hạng mục được khuyến cáo kiểm tra khác còn có nước làm mát, nước rửa kính, dầu phanh, dầu hộp số, tình trạng ắc-quy… tránh tình trạng thiếu hụt.

Chi phí cho mốc bảo dưỡng này tùy theo dòng xe và nhà sản xuất có dao động từ 500 nghìn đến khoảng 900 nghìn đồng với xe hạng A, và từ 800 nghìn đến hơn 1 triệu đồng cho xe 7 chỗ cỡ trung.

10.000 km

Tương ứng với mốc di chuyển 10.000, người dùng có thể chọn kiểm tra xe định kỳ sau 12 tháng sử dụng. Bên cạnh các điểm bảo dưỡng tương tự mốc 5.000 km, động cơ cần được thay lọc dầu sau mỗi một vạn km hoạt động.

Một hạng mục ít được chú ý ở mốc 10.000 km là đảo lốp. Việc đảo thứ tự lốp của xe giúp bộ lốp mòn đều và tăng thời gian sử dụng, tránh hiện tượng một phần của lốp bị mòn nhiều hơn, dẫn đến rách hoặc hư hỏng gây nguy hiểm khi vận hành. Người dùng được khuyến cáo đảo lốp sau mỗi 10.000 km di chuyển và thường xuyên kiểm tra độ mòn để thay lốp khi cần thiết.

So với đợt bảo dưỡng 5.000 km, chi phí cho lần bảo dưỡng ở mốc 10.000 km cao hơn khoảng vài trăm nghìn đồng. Toyota gọi đợt bảo dưỡng 10.000 km là cấp trung bình, trong khi Hyundai gọi là bảo dưỡng cấp 2.

20.000 km

Các mục bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ tại mốc 20.000 km nhìn chung không quá khác biệt với mốc 10.000 km, vẫn là thay dầu động cơ, thay lọc dầu, vệ sinh lọc gió, bổ sung các dung dịch ở khoang động cơ, ắc-quy, đảo lốp…

Có một số nhà sản xuất có chỉ định riêng cho mốc bảo dưỡng 20.000 km. Chẳng hạn như Toyota có thêm thay thế mỡ bôi trơn trục các-đăng, kiểm tra thước lái, kiểm tra ga máy lạnh, thay lọc gió điều hòa… Trong khi đó, xe Hyundai được yêu cầu thay lọc nhiên liệu và lọc điều hòa không khí. Các mẫu ôtô Honda được kiểm tra phanh tay và thay lọc không khí/bụi phấn nếu có trang bị.

Người dùng cần chi khoảng 1-3 triệu đồng cho đợt bảo dưỡng 20.000 km và các mốc tương đương (bảo dưỡng trung bình lớn của Toyota hay cấp 3 của Hyundai).

40.000 km

Sau một thời gian dài hoạt động, số mục kiểm tra và thay thế ở mốc 40.000 km nhiều hơn đáng kể so với các đợt bảo dưỡng trước đó. Đây là một trong những đợt chăm sóc quan trọng đối với ôtô, được gọi là bảo dưỡng lớn ở xe Toyota hay bảo dưỡng cấp 4 với ôtô Hyundai.

Những chi tiết quan trọng được thay thế lần đầu ở mốc 40.000 km có thể kể đến bugi đánh lửa (loại thường), lọc nhiên liệu, dầu phanh, dầu hộp số, dầu trợ lực hệ thống lái, dầu vi sai… Ngoài ra, một vài hãng xe có thêm hạng mục riêng biệt với mỗi 40.000 km hay 50.000 km. Đơn cử Honda có mục kiểm tra và điều chỉnh khe hở xu-páp, Hyundai khuyến cáo kiểm tra và vệ sinh hệ thống trợ lực tay lái điện.

Tùy theo số lượng hạng mục, giá vật tư cũng như tùy theo dòng xe, chi phí dành cho đợt bảo dưỡng 40.000 km có thể dao động từ khoảng 3 triệu đến hơn 8 triệu đồng.

Từ 100.000 km

Đối với phương tiện có đồng hồ odo chạm mốc 100.000 km, các hạng mục thiết yếu cần được thay mới gồm có nước làm mát động cơ, dây cu-roa động cơ, bugi bạch kim, dầu hộp số tự động…

Sau mốc 100.000 km, người dùng cần tiếp tục chăm sóc xe đều đặn với các mốc thời gian và quãng đường khuyến nghị từ nhà sản xuất.

Bên cạnh động cơ và khung gầm, người dùng cũng cần kiểm tra định kỳ những chi tiết an toàn và hỗ trợ vận hành như má phanh, đĩa phanh, hệ thống treo, đèn chiếu sáng, ắc-quy… để đảm bảo việc sử dụng xe hiệu quả, an toàn.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói