Sau Cách mạng tháng Mười vĩ đại, dân tộc Nga lại phải trải qua 2 thảm họa lớn, song đã vượt qua ngoạn mục. Phát xít Đức xâm lược làm trên 26 triệu người dân Liên Xô hy sinh, hầu hết các thành phố bị tàn phá, kinh tế kiệt quệ, quân Đức đánh vào cách Thủ đô Matxcơva 30 km… Với sức mạnh đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Liên Xô đã đánh bại phát xít Đức, giải phóng đất nước, cứu loài người khỏi thảm họa phát xít.
Lãnh tụ Vladimir Lenin diễn thuyết trước đông đảo quần chúng nhân dân Nga. Ảnh tư liệu
Rồi đến thời kỳ “cải tổ” do sai lầm về đường lối, sự phản bội của những kẻ cơ hội chính trị, tiêu biểu là M.Gorbacher và B.Xeltrin cùng với sự chống phá của kẻ thù đã khiến Liên Xô từ một cường quốc, trụ cột của phe CNXH và phong trào hòa bình, tiến bộ thế giới sụp đổ, sa vào đường hầm, tưởng không lối thoát. Phương Tây hí hửng, ngày 25/11/1999, Tổng thống Mỹ Bill Clintơn tuyên bố: “Kẻ thù số 1 của Mỹ đã bị xóa sổ. Nhiệm vụ tiếp theo của chúng ta là làm tan rã nước Nga… bằng mọi cách phải tách được các nước cộng hòa ra khỏi Liên bang Nga, duy trì một nước Nga nhỏ và yếu nằm trong quyền kiểm soát của Hoa Kỳ”.
Trước tình thế đó, dân tộc Nga, dân tộc đã làm nên Cách mạng tháng Mười, lại một lần nữa hồi sinh. Ngày 31/12/1999, Đuma quốc gia Nga lật đổ B.Xeltrin, giao Quyền Tổng thống cho Vladimia Putin. Bằng nhãn quan chính trị và lòng yêu nước nồng nàn, V.Putin đã đi nước cờ đầu tiên đập tan cuộc nổi dậy của lực lượng chống đối ở Chechnya. Ông được tín nhiệm bầu làm Tổng thống thứ hai của nước Nga mới.
Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố: “Những ai không thấy luyến tiếc về sự sụp đổ của Liên Xô, người đó không có trái tim, còn những ai muốn khôi phục Liên Xô y nguyên, người đó không có khối óc”.
Bằng các thủ đoạn bao vây kinh tế và thông qua giới chính trị phản bội, Mỹ tiếp tục âm mưu làm tan rã Liên bang Nga, đặc biệt là xóa bỏ truyền thống lịch sử và thành quả của Cách mạng tháng Mười Nga. Trước tình hình đó, V.Putin tuyên bố: “Những ai không thấy luyến tiếc về sự sụp đổ của Liên Xô, người đó không có trái tim, còn những ai muốn khôi phục Liên Xô y nguyên, người đó không có khối óc”. Nước Nga đã quyết định phục hồi một số biểu tượng thời Xô viết, như tiếp tục sử dụng lá cờ đỏ của Hồng quân Liên Xô, tiêu ngữ ngôi sao Xô viết và Quốc ca Liên bang Nga trên nền nhạc Quốc ca Liên Xô. Đặc biệt, phục hồi truyền thống lễ duyệt binh hoành tráng mừng chiến thắng vệ quốc vĩ đại đánh thắng phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ II.
Với một đất nước có nhiều sắc tộc, nhiều nước cộng hòa và hàng trăm đảng phái chính trị, Tổng thống V.Putin đã đề ra mục tiêu phải thống nhất quốc gia, giữ vững nền độc lập với bộ máy nhà nước nắm quyền lực quản lý tập trung, thống nhất từ Trung ương đến các nước cộng hòa, cho đến cơ sở.
Về KT-XH, nước Nga đã vận dụng mô hình tiến bộ của thế giới có sáng tạo đó là: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội có sự quản lý của Nhà nước”. Trong đó chính sách xã hội được quan tâm hàng đầu của nền kinh tế quốc dân. Những nội dung cơ bản của mô hình này đã được đưa vào các văn kiện chiến lược trung hạn và dài hạn của nước Nga trong những năm 2002-2010, 2010-2015, 2015-2020, đã vận hành trong thực tiễn mang lại kết quả rất khả quan.
Nga khôi phục được nền kinh tế sụp đổ do thời kỳ “cải tổ” để lại với thiệt hại gấp 2,5 lần so với thiệt hại trong đại chiến thế giới II, không những thế, nền kinh tế còn có bước phát triển vượt bậc. Xuất khẩu nông sản, vũ khí và thiết bị quân sự, quốc phòng, các sản phẩm công nghệ cao hàng đầu thế giới; phấn đấu đưa đất nước Nga đứng vào tốp 10 các nước phát triển.
Thông điệp Liên bang Nga năm 2020 nhấn mạnh: “Nước Nga là một quốc gia có chủ quyền. Đối với nhân dân Nga chủ quyền là vô điều kiện”. Đuma Quốc gia Nga đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1993, trong đó có nhiều nội dung quy định rõ việc bảo vệ chủ quyền của Liên bang Nga.
Đội quân diễu hành trên Quảng trường Đỏ nhân kỷ niệm 76 năm ngày chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945 – 9/5/2021).
Về quân sự, Nga chủ trương phát huy truyền thống quân đội Xô viết, xây dựng lý thuyết quân sự mở, đặc trưng của nước Nga. Các lực lượng vũ trang Nga thực sự tinh nhuệ, thiện chiến, được trang bị vũ khí hiện đại, hoàn toàn mới; có khả năng đánh trả mọi cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ khí thông thường, vũ khí hạt nhân, vũ khí công nghệ cao, đưa nền quốc phòng nước Nga hùng mạnh vào bậc nhất thế giới.
Nước Nga mới sau hơn 20 năm phục hưng đã phát huy sức mạnh dân tộc và kế thừa thành quả Cách mạng tháng Mười, không chỉ làm thất bại các âm mưu của Mỹ và thế lực thù địch hòng làm tan rã Liên bang Nga, mà còn phục hưng nước Nga trở lại thành một cường quốc của thế giới, có thể đánh thắng mọi kẻ thù như lời hô vang của Tổng thống V.Putin ở lễ duyệt binh trọng thể kỷ niệm 76 năm chiến thắng phát xít: “Truyền thống nước Nga bất diệt, chiến thắng và chiến thắng!”.
Với Việt Nam, Cách mạng tháng Mười Nga là ngọn đuốc soi đường đi đến thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi tìm đường cứu nước bắt gặp được Cách mạng tháng Mười và sự ra đời của Liên Xô. Người đã vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam để đề ra đường lối cách mạng, thành lập Đảng Cộng sản, tổ chức lực lượng chớp thời cơ giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (nước Pháp), tháng 12/1920. Ảnh: Tư liệu
Trong suốt hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Liên Xô hùng cường là chỗ dựa tin cậy, viện trợ vô tư góp phần quan trọng vào thắng lợi của Việt Nam. Sự sụp đổ của Liên Xô là tổn thất lớn đối với cách mạng Việt Nam, nhưng qua đó, Việt Nam cũng rút ra được bài học để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và chế độ XHCN.
Ngày nay, quan hệ Việt - Nga bước sang giai đoạn mới. Nga là đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác Nga - Việt đi vào chiều sâu trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế và quốc phòng. Dân tộc Việt Nam mãi biết ơn và đi theo con đường Cách mạng tháng Mười, tiếp tục xây đắp mối quan hệ Việt - Nga với tình nghĩa thủy chung và hiệu quả thiết thực trong quá trình phát triển của hai dân tộc.