Campuchia - Thái Lan tiếp tục giao tranh trước đàm phán

Quân đội Campuchia cho biết giao tranh vẫn tiếp diễn ở khu vực biên giới sáng nay, dù lãnh đạo nước này và Thái Lan chuẩn bị hòa đàm tại Malaysia.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Maly Socheata cho biết hôm nay là "ngày thứ 5 Thái Lan xâm phạm lãnh thổ Campuchia bằng vũ khí hạng nặng và lượng lớn binh sĩ".

"Dù sắp diễn ra cuộc họp đặc biệt cấp Thủ tướng tại Malaysia nhằm chấm dứt xung đột, vào lúc 3h10, Thái Lan vẫn tiếp tục tấn công lực lượng Campuchia tại khu vực đền Ta Moan Thom và đền Ta Krabey. Giao tranh kéo dài đến 5h", bà Socheata nói.

Pháo phản lực BM-21 của Campuchia tại tỉnh Oddar Meanchey hôm 27/7. Ảnh: AFP
Pháo phản lực BM-21 của Campuchia tại tỉnh Oddar Meanchey hôm 27/7. Ảnh: AFP

Quan chức này cho biết lực lượng Thái Lan rạng sáng nay tấn công dữ dội Chub Koki, Thmor Don, Veal Intry, Samaki, Ta Thav và An Ses, nhằm "chiếm chùa Wat Kaew Seekha Kiri Svarak cũng như leo thang giao tranh tại các khu vực Chub Koki và Thmor Don".

Bà Socheata cũng cáo buộc chiến đấu cơ Thái Lan từ hôm qua tiến hành các cuộc không kích vào khu vực An Ses và Phnom Kmoach. Bà bác bỏ tuyên bố từ Bangkok rằng Phnom Penh đã phóng rocket tầm xa từ pháo phản lực PHL-03 vào lãnh thổ Thái Lan.

Trong khi đó, quân đội Thái Lan sáng 28/7 công bố những bức ảnh cho thấy binh sĩ của họ đang phá dỡ một hệ thống cáp treo tạm thời mà phía Campuchia xây dựng trên đỉnh Phu Makua tại khu vực tranh chấp.

Lực lượng này cũng cắt dây cáp và phá toàn bộ thang dẫn lên đỉnh đồi, nhằm ngăn binh sĩ Campuchia đóng quân tại điểm cao gần đó tiến hành phản kích. Quân đội Thái Lan tuyên bố đẩy lùi lực lượng Campuchia khỏi đỉnh Phu Makua vào hôm 26/7, sau một ngày tiến công.

Quân đội Campuchia triển khai lực lượng kiểm soát đỉnh Phu Makua sau xung đột vào tháng 2/2011. Ngọn đồi này được coi là điểm cao chiến lược, cho phép quan sát toàn bộ diễn biến xung quanh, trong đó có đền Preah Vihear.

Lính Thái Lan phá dỡ cầu thang thép dẫn lên đồi Phu Makua. Ảnh: Quân đội Thái Lan
Lính Thái Lan phá dỡ cầu thang thép dẫn lên đồi Phu Makua. Ảnh: Quân đội Thái Lan

Phát biểu tại sân bay ở Bangkok sáng nay trước khi lên đường sang Malaysia dự hòa đàm, quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho rằng Campuchia chưa thể hiện thiện chí trong hành động của mình.

"Họ cần phải thể hiện thiện chí và chúng tôi sẽ đánh giá điều này trong cuộc gặp", ông nói.

Quân đội Thái Lan tối 27/7 cho biết lính bắn tỉa Campuchia tiếp tục mai phục tại một trong những ngôi đền tranh chấp giữa hai nước, đồng thời cáo buộc Phnom Penh điều thêm quân đến biên giới và phóng rocket vào lãnh thổ nước này.

Theo quân đội Thái Lan, giao tranh đang tiếp diễn tại 7 khu vực dọc theo biên giới, nơi có địa hình đồi núi xen kẽ rừng rậm và đất nông nghiệp.

"Tình hình hiện vẫn hết sức căng thẳng. Có khả năng Campuchia đang chuẩn bị cho một chiến dịch quy mô lớn trước khi bước vào đàm phán", lực lượng này cho hay.

Căng thẳng giữa hai nước gia tăng từ ngày 23/7, khi Thái Lan cáo buộc Campuchia gài mìn tại khu vực tranh chấp biên giới khiến một binh sĩ Thái Lan bị thương.

Giao tranh giữa hai bên bùng phát gần đền Ta Moan Thom sáng 24/7, sau đó lan sang các khu vực khác dọc biên giới hai nước. Thái Lan cho biết đụng độ đã khiến 8 binh sĩ và 14 dân thường nước này thiệt mạng. Số liệu này với Campuchia lần lượt là 5 và 8 người, theo Phnom Penh.

Vị trí các đền tranh chấp giữa Campuchia và Thái Lan. Đồ họa: CNA
Vị trí các đền tranh chấp giữa Campuchia và Thái Lan. Đồ họa: CNA

Tuy nhiên, Thái Lan thông báo đã trao trả 12 thi thể quân nhân Campuchia thiệt mạng vào chiều 27/7.

Bắt nguồn từ nỗ lực do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng, quyền Thủ tướng Thái Lan Wechayachai và Thủ tướng Campuchia Hun Manet hôm nay sẽ đàm phán vào lúc 15h (14h giờ Hà Nội) tại Kuala Lumpur, Malaysia. Trung Quốc dự kiến cũng cử phái đoàn dự cuộc gặp.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết giới chức nước này đang có mặt ở Malaysia để hỗ trợ hòa đàm. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nói sẽ tập trung vào nỗ lực nhằm đạt được "lệnh ngừng bắn ngay lập tức".

Theo Khmer Times, AFP

vnexpress.net

Đọc thêm

Cuộc chiến tăng tỷ lệ sinh không hồi kết

Cuộc chiến tăng tỷ lệ sinh không hồi kết

Tỷ lệ sinh Việt Nam giảm xuống 1,91 con/phụ nữ, thấp nhất lịch sử. Không chỉ nước ta, ở các quốc gia giàu nhất châu Á, cuộc chiến chống lại tỷ lệ sinh thấp đã kéo dài hàng thập kỷ.
Mỹ tuyên bố rút khỏi UNESCO

Mỹ tuyên bố rút khỏi UNESCO

Mỹ thông báo rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), nhấn mạnh việc tiếp tục tham gia không phù hợp lợi ích quốc gia.