Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại tổ để đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh chủ trì thảo luận tổ gồm ĐBQH các đoàn: Hà Tĩnh, Lai Châu, Lâm Đồng, Cà Mau.
Những bước tiến quan trọng nhưng chưa đủ để tạo đà bứt phá
Thảo luận tại tổ, các đại biểu cho rằng, năm 2024, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình quốc tế và khu vực, kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dù có sự điều chỉnh lương tối thiểu. Các cân đối lớn như nợ công, bội chi ngân sách và nợ Chính phủ đều được duy trì trong ngưỡng an toàn.
Xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, với tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 15,4%, xuất siêu gần 20,79 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 17,34 tỷ USD, mức cao nhất từ năm 2021. Cùng đó, du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ, dự kiến cả năm đón trên 18 triệu lượt khách.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được đẩy mạnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Hạ tầng giao thông, điện lực được đầu tư phát triển, đặc biệt với việc hoàn thành thêm 109km đường cao tốc. Hạ tầng viễn thông, chuyển đổi số cũng được thúc đẩy, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số.
Bên cạnh những thành tựu, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế dù cao nhưng vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI và xuất khẩu các sản phẩm gia công. Các lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo chưa phát triển mạnh mẽ, dẫn đến sự thiếu bền vững trong tăng trưởng.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm, chỉ đạt 47,29% kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án hạ tầng lớn. Điều này gây ra sự chênh lệch trong triển khai giữa các địa phương và cần có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Thị trường tài chính còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nợ xấu cao, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp hạn chế. Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn khó khăn, giá nhà ở cao khiến người dân khó tiếp cận.
Bên cạnh đó, thiên tai như bão số 3 - Yagi đã gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP và đời sống người dân.
Hướng tới một nền kinh tế tự cường, xanh và đổi mới sáng tạo
Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, 2025 là năm quan trọng, quyết định việc hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, do đó, cần những giải pháp đột phá không chỉ nhằm mục tiêu duy trì tăng trưởng trong năm mà còn hướng tới một nền kinh tế Việt Nam tự chủ, bền vững và đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số.
Các đại biểu đề nghị tập trung giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, đặc biệt là chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn để đưa ra các biện pháp phù hợp; tăng cường các biện pháp kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, duy trì các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các đại biểu cho rằng, cần đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh; chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, cần khai thác tiềm năng trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, sản xuất chip và thương mại điện tử.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vẫn là yêu cầu cần được tập trung. Các đại biểu đề nghị tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh giải ngân, tránh tình trạng chậm trễ kéo dài. Đầu tư vào các công trình hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam và các dự án năng lượng tái tạo.
Các đại biểu cũng đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, khôi phục sản xuất. Cần có các gói hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp số.
Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh triển khai các chương trình an sinh xã hội, chăm lo đời sống người nghèo, người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai; cần đặc biệt quan tâm đến việc ổn định đời sống của người dân ở các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ.
Đại biểu nhấn mạnh yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và các chương trình kỹ năng số. Điều này giúp tạo ra lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế số và các ngành công nghiệp mới.
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và cải cách hành chính; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cần có sự đồng bộ giữa các bộ, ngành trong việc triển khai các quy định mới, tránh tình trạng chồng chéo.
Các đại biểu cũng nêu vấn đề: Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê đã kéo dài nhiều năm, tiềm ẩn nguy cơ lớn về môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn người dân xung quanh. Từ đó, đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét dừng hẳn dự án này để bảo vệ nguồn nước ngầm, hệ sinh thái ven biển và an ninh sinh kế của người dân. Thay vào đó, Hà Tĩnh và vùng dự án cần được hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào phát triển du lịch sinh thái và các ngành công nghiệp sạch nhằm đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài và có trách nhiệm với môi trường.
Tham gia phát biểu, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh, chủ trì thảo luận ghi nhận những kết quả đạt được trong năm 2024. Chính phủ đã có nỗ lực lớn trong công tác điều hành và tháo gỡ các vướng mắc cho cơ sở.
Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về tâm lý, trách nhiệm ở các địa phương, dẫn đến nhiều vấn đề tồn tại chưa được giải quyết. Có một số lo ngại rằng, dù báo cáo cho thấy khả quan, nhưng thực tế hoạt động doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và lo lắng. Một số địa phương vẫn thiếu tính đồng bộ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cho rằng, công tác quản lý báo chí chưa đạt yêu cầu; một số cơ quan báo chí chưa tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích và cơ quan quản lý còn thiếu quyết liệt trong xử lý. Tình trạng thiên tai sạt lở liên tục xảy ra, cần nghiên cứu sâu hơn về nguyên nhân địa chất. Đề nghị tập trung phát triển nền kinh tế xanh và bền vững, cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành công nghiệp xe điện, đặc biệt là các thương hiệu nội địa.
Nêu thực trạng, quy định giữa Đảng và Nhà nước còn khác nhau về xử lý vi phạm chính sách kế hoạch hoá gia đình, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị kịp thời điều chỉnh chính sách dân số tránh xu hướng già hoá. Trong thực hiện Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, các địa phương có cách tiếp cận khác nhau, do đó, cần rà soát và đảm bảo nhân lực chất lượng được sử dụng hiệu quả. Đề nghị quan tâm, đưa ra giải pháp quản lý lao động ngoại nhập để duy trì an toàn lao động và an ninh địa phương.
Trong phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội các tỉnh cũng cho ý kiến về tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).