Do đặc thù công việc kinh doanh vật liệu xây dựng, anh Nguyễn Trọng Tú (SN 1972, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc) thường xuyên phải tiếp khách và việc sử dụng bia, rượu là điều khó tránh khỏi.
Mặc dù uống bia, rượu từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau có công việc cần điều khiển phương tiện, anh Tú luôn lo lắng khi trong hơi thở vẫn còn có thể có nồng độ cồn. Trao đổi băn khoăn này với một số người bạn, anh Tú được “mách nước” nên sắm máy đo nồng độ cồn để tự kiểm tra khi cần.
Sau khi tìm hiểu, anh Tú quyết định mua chiếc máy đo nồng độ cồn qua fanpage bán đồ điện tử trên mạng xã hội facebook với giá gần 500 nghìn đồng.
“Mức phạt vi phạm nồng độ cồn lên tới hàng chục triệu đồng và còn bị tạm giữ giấy phép lái xe. So với số tiền phạt, tiền mua máy không đáng là bao mà giúp mình yên tâm hơn mỗi khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Lúc cần mình tự thổi vào máy, trường hợp nằm trong ngưỡng cho phép, mình mới lái xe, còn ngược lại sẽ tìm cách khác để di chuyển” - anh Tú chia sẻ.
Tuy vậy, sự “yên tâm hơn” của anh Tú không kéo dài được lâu. Trong một lần điều khiển xe mô tô di chuyển trên đường, anh Tú gặp tổ CSGT làm nhiệm vụ xử lý vi phạm an toàn giao thông (ATGT). Kết quả kiểm tra, nồng độ cồn của anh là 0,051mg/lít khí thở và bị xử phạt số tiền 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng.
Theo lời anh Tú, lần đó nhậu từ buổi trưa, anh uống khá nhiều nên có dành thời gian nghỉ ngơi. Tới tối, do có việc cần nên đã sử dụng xe mô tô di chuyển. Trước khi cầm lái, anh có tự thổi vào máy đã mua nhưng thấy hiển thị không vấn đề gì. Nhưng sau đó, thổi vào máy đo nồng độ cồn của CSGT cho ra kết quả vi phạm.
“Ban đầu mình có cự cãi và yêu cầu được thổi lại nhưng rồi kết quả vẫn như vậy. Lực lượng CSGT có giải thích do máy đo nồng độ cồn mình mua là hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ nên kết quả không chính xác” - anh Nguyễn Trọng Tú bày tỏ.
Cũng mua máy đo kiểm tra nồng độ cồn qua “chợ mạng” với giá gần cả triệu đồng nhưng anh Nguyễn Hải An (SN 1980, trú xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) chưa được sử dụng thì máy đã “đổ bệnh”.
“Lúc đầu, kiểm tra thấy máy vẫn hoạt động nên mới nhận hàng. Thế nhưng tới ngày hôm sau lấy ra dùng, bấm mãi không thấy lên nữa. Mình có liên hệ lại với bên bán, họ hứa sẽ đổi lại nhưng chờ mãi không thấy động thái gì. Qua nhiều lần trao đổi, giờ họ chặn liên lạc với mình luôn rồi” - anh Hải An chia sẻ.
Ghi nhận cho thấy, kể từ thời điểm lực lượng CSGT tăng cường xử lý nghiêm hành vi điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng bia rượu, rất nhiều người dân Hà Tĩnh tìm mua máy đo nồng độ để “phòng thân”. Người tìm mua phần lớn là dân kinh doanh – những người thường xuyên phải sử dụng bia rượu và một bộ phận cán bộ, công chức.
Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại máy đo nồng độ cồn với xuất xứ từ nhiều nước. Chỉ cần lên mạng, gõ từ khóa “máy đo nồng độ cồn” sẽ xuất hiện hàng chục đơn vị cung cấp. Giá cả tùy thuộc vào mẫu mã, nơi sản xuất, thời gian bảo hành và tính năng nhưng dao động mỗi máy từ 250 nghìn đồng tới 2 – 3 triệu đồng, thậm chí đắt hơn.
Thậm chí, không ít đơn vị cung cấp quảng cáo với những lời có cánh “giá rẻ nhưng độ chính xác cao” để thu hút khách hàng. Tuy vậy, do xuất xứ không rõ ràng, không được đơn vị nào kiểm định chất lượng nên tính chính xác của các loại máy đo nồng độ cồn mua qua “chợ mạng” cũng không ai dám khẳng định.
“Các máy đo nồng độ cồn được trang bị cho lực lượng CSGT là phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dụng, được đơn vị chức năng của Bộ Công an kiểm định và dán tem kiểm định chất lượng nên cho ra kết quả chính xác”, Thiếu tá Nguyễn Thành Chung – Đội trưởng Đội CSGT – TT Công an huyện Đức Thọ thông tin.
Việc mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có máy đo nồng độ cồn, trên các “chợ mạng” tiềm ẩn nguy cơ “tiền mất, tật mang” cho người tiêu dùng. Để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh, trường hợp đã uống rượu, bia, người dân không nên lái xe, tuân thủ các quy định về ATGT.