Phó Thủ tướng: 10 tháng có hơn 9.000 người vĩnh viễn không thể trở về nhà

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, trong 10 tháng đầu năm, cả nước có hơn 9.000 người vĩnh viễn không thể trở về đoàn tụ với gia đình vì tai nạn giao thông.

Tối 17/11, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ Tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024.

Với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”, đây là năm thứ 13 sự kiện này được tổ chức.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cùng với lãnh đạo các bộ, ngành là cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT quốc gia tham dự sự kiện.

Theo thống kê, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi từ 15 - 27.

Tại Việt Nam, trong những năm qua tai nạn giao thông đã được kiềm chế và kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra 19.711 vụ tai nạn giao thông.

89fbfdbb-bcf8-41aa-b53a-c4bba09da192-97372.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ tưởng niệm. Ảnh: Hồng Quang

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, 10 tháng đầu năm nay, cả nước đã có hơn 9.000 người vĩnh viễn không thể trở về bên bữa cơm chiều đoàn tụ, bỏ lại những ước mơ, những dự định dang dở, cha mẹ già, con thơ không người nương tựa và cả những lời hứa chưa kịp thực hiện… vì tai nạn giao thông.

“Tai nạn giao thông là “kẻ thù” đang từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút cướp đi sinh mạng, gây ra những tổn thương trên cơ thể, để lại những vết thương lòng không bao giờ liền trong tâm khảm của những người cha, người mẹ, người vợ, người chồng, người con; sự tiếc nuối khôn nguôi trong lòng bạn bè, người thân - những người còn ở lại.

Điều đáng nói là nguyên nhân chủ yếu của tai nạn giao thông lại xuất phát từ ý thức chủ quan của mỗi người chúng ta khi tham gia giao thông.

Sau mỗi tai nạn, luôn đọng lại những câu hỏi ''giá như'' đầy ân hận, tiếc nuối: Giá như đã không sử dụng rượu bia khi lái xe? Giá như không phóng nhanh, lạng lách, vượt ẩu? Giá như đã tuân thủ đúng quy định của biển báo giao thông, đi đúng tốc độ, phần đường? Giá như đã cảnh giác hơn, quan sát kỹ hơn?...

Những câu hỏi ''giá như'' này sẽ ám ảnh người ở lại. Bởi vì nếu những điều “giá như” kia trở thành hiện thực thì tai nạn đã không xảy ra, người ở lại đã không vĩnh viễn mất đi người thân yêu của mình”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

z6042488375238-08b5bc7548f38e80f972f8e4f7316aab-97373.jpg
Các đại biểu tham dự lễ tưởng niệm. Ảnh: Hồng Quang

Áp dụng các biện pháp hình sự để răn đe

Nhằm hướng tới chiến lược giao thông an toàn, không có người tử vong vì tai nạn giao thông, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an, Bộ GTVT tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về giao thông và an toàn giao thông.

Trong đó, có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm minh, không khoan nhượng, kể cả áp dụng các biện pháp hình sự để răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, nhất là hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; lái xe vi phạm các quy định an toàn giao thông trên đường cao tốc, đua xe trái phép, phóng nhanh vượt ẩu,…

Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện các quy định về tiêu chí chấp hành pháp luật về ATGT trong công nhận gia đình văn hóa, đưa văn hóa tham gia giao thông trở thành một trong những chuẩn mực giá trị của con người Việt Nam.

Đặc biệt, tại các đô thị lớn, cần phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng, hệ thống công trình giao thông ngầm, đường sắt đô thị, giao thông xanh, làn đường riêng cho xe đạp và người đi bộ gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.

Phó Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức về an toàn giao thông, đẩy mạnh phối hợp giữa gia đình, nhà trường và đoàn thể.

“Một hành động nhỏ, một quyết định đúng đắn như không lái xe khi đã uống rượu bia, tuân thủ giới hạn tốc độ, không phóng nhanh, vượt ẩu, không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện; nhường đường cho người già, trẻ nhỏ... tưởng chừng như đơn giản nhưng có thể cứu sống một mạng người, giữ lại hạnh phúc cho một gia đình và cao hơn cả là góp phần xây dựng một xã hội an toàn hơn, nhân văn hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

vietnamnet.vn

Đọc thêm

Pháp luật không có… “giá như”

Pháp luật không có… “giá như”

Nhận ra sai lầm cũng là lúc Đặng Xuân Hùng và các bị cáo còn lại (cùng trú huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) phải đối diện với pháp luật. Mọi sự “giá như” giờ đây đều trở nên vô nghĩa.
Hành trình trở thành điểm tựa pháp lý cho Nhân dân

Hành trình trở thành điểm tựa pháp lý cho Nhân dân

5 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty Luật TNHH Hà Châu (số 02H, đường Vũ Quang, TP Hà Tĩnh) không ngừng lớn mạnh, đồng hành cùng hàng nghìn khách hàng; trở thành chỗ dựa pháp lý tin cậy cho người dân.
Buôn pháo... giá đắt!

Buôn pháo... giá đắt!

Nghe xong phần tuyên án từ TAND TP Hà Tĩnh, Nguyễn Tiến Lực (trú huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) như chết lặng. Mọi sự ăn năn giờ đây chẳng thể nào cứu nổi bị cáo khỏi chốn tù tội.
“Bảo kê” có thể bị phạt đến 20 năm tù

“Bảo kê” có thể bị phạt đến 20 năm tù

Anh Điện Văn Hưng (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) hỏi: Trong các hoạt động kinh doanh đường phố, thường xuất hiện khái niệm “bảo kê”. Vậy, người thực hiện hành vi “bảo kê” có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?