Mới đây, tối 10/1/2024, tại khu vực nhà dân ở quận Đống Đa (Hà Nội) đã xảy ra sự cố cháy do chập điện từ tầng 3 của ngôi nhà. Sau đó, lửa nhanh chóng lan sang khu vực để pháo hoa do các bạn sinh viên mua về để biếu bố mẹ chơi tết. May mắn vụ cháy được dập tắt không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, việc bảo quản pháo hoa không đúng quy định, để gần những nơi dễ bắt cháy khiến vụ cháy nguy hiểm hơn.
Trước đó, cũng liên quan đến pháo hoa, tháng 11/2020, vụ cháy quán Bar X5 tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) làm 3 người chết do đốt pháo điện trong tiệc sinh nhật dẫn đến hỏa hoạn; ngày 25/1/2022, 1 nam sinh lớp 11 tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An) nhập viện do bị bỏng nặng do tự ý đốt pháo hoa...
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuyệt đối không được mua bán, sử dụng pháo “lậu”, chỉ mua các sản phẩm pháo hoa có nguồn gốc từ Bộ Quốc phòng được bán thông qua hệ thống các cửa hàng, đại lý ủy quyền với giấy phép đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ do pháo hoa gây ra, trong đó tập trung vào một số nguyên nhân như: bảo quản, vận chuyển, kinh doanh trái phép pháo hoa; bảo quản, sử dụng không đúng phương pháp, không tuân thủ khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất; chủ quan, bất cẩn trong khi sử dụng pháo làm cháy các vật liệu dễ cháy gây cháy lan, cháy lớn nhất là trong môi trường kín như nhà hàng, vũ trường.
Vào dịp cuối năm, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán, nhu cầu mua bán, sử dụng pháo hoa của người dân trên địa bàn Hà Tĩnh rất lớn.
Thượng tá Nguyễn Văn Lộc - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh khuyến cáo: cơ quan, tổ chức, cá nhân tuyệt đối không được mua bán, sử dụng pháo “lậu”, chỉ mua các sản phẩm pháo hoa có nguồn gốc từ Bộ Quốc phòng được bán thông qua hệ thống các cửa hàng, đại lý ủy quyền với giấy phép đầy đủ theo quy định của pháp luật. Bảo quản pháo hoa cần phải xếp riêng từng loại, từng lô khác nhau để tránh nhầm lẫn, để ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt, không để vật nặng tì đè lên pháo hoa, không để gần nguồn lửa, nguồn nhiệt hay các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt và để xa tầm tay của trẻ em. Quá trình vận chuyển cần phải nhẹ nhàng, không để pháo va đập mạnh và tránh vận chuyển gần các nguồn sinh nhiệt và lửa, tránh ảnh hưởng của điều kiện thời tiết và môi trường.
Cũng theo Thượng tá Lộc, chỉ nên mua pháo hoa với số lượng đủ dùng theo mục đích sử dụng, không nên mua số lượng lớn để dự trữ. Sử dụng pháo hoa phải tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi sử dụng cần đặt pháo hoa ở nơi bằng phẳng, rộng, cách xa những vật liệu bắt cháy tối thiểu 4m - 5m, khoảng cách an toàn nhất là 10m.
Công an thị trấn Thạch Hà (Thạch Hà) kiểm tra cơ sở địa điểm kinh doanh pháo hoa trên địa bàn.
Tuyệt đối, người dân không sử dụng pháo hoa tại nơi gần hoặc chứa các chất, vật liệu đặc biệt dễ cháy, nổ như: xăng, cồn, dầu,... các cơ sở sản xuất, bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, nhà máy điện, trạm biến áp, kho vũ khí...
Khi đặt pháo hoa lên trên vật liệu dễ cháy cần phải lót bên dưới lớp vật liệu chống cháy. Người dân cũng có thể làm ẩm xung quanh với bán kính tối thiểu 2m từ vị trí đặt pháo. Không sử dụng ở trong nhà hoặc những không gian có mái che, trên cao phải thông thoáng, không có vật cản, đường dây điện...
Bên cạnh đó, khi pháo cháy hết cần phải để nguội trong khoảng thời gian tối thiểu 15 phút, người dân cũng có thể tưới ướt pháo để không còn tàn lửa rồi mới cho vào thùng rác. Nếu không may xảy ra tai nạn, sự cố cháy, nổ phải nhanh chóng báo ngay cho lực lượng cảnh sát PCCC&CHCN chuyên nghiệp theo số điện thoại “114” hoặc qua App “Báo cháy 114” để kịp thời xử lý.