Tại Hà Tĩnh, cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ tập trung còn hạn chế, chủ yếu là giết mổ với quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu để cấp đông số lượng lớn.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát, lây lan trên diện rộng, đe dọa đến đàn lợn tại các địa phương, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT đã đề xuất thực hiện việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn nhằm ổn định cung cầu thị trường mặt hàng thịt lợn thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Tá Nghĩa – Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Tĩnh) cho rằng: "Việc dự trữ thịt lợn sẽ là giải pháp cần tính đến trong bối cảnh dịch tả lợn vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhưng để cấp đông thịt lợn, địa phương và các bên liên quan cần phải đáp ứng được 2 yếu tố, đó là thịt lợn sạch, an toàn và có doanh nghiệp chuyên giết mổ, cấp đông lớn với kho lạnh đủ điều kiện cấp đông trong một thời gian dài.
Đối với Hà Tĩnh, vấn đề khó khăn nhất thời điểm này là toàn tỉnh chưa có một doanh nghiệp lớn nào chuyên giết mổ, cấp đông thịt và kho lạnh đảm bảo nhiệt độ dưới -40 độ C. Hơn nữa, cơ sở vật chất của các cơ sở giết mổ tập trung còn hạn chế, chủ yếu là giết mổ với quy mô nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu thịt để cho vào cấp đông. Do vậy, hiện tại, Hà Tĩnh không thể đủ điền kiện thực hiện cấp đông thịt lợn như hướng dẫn của Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT.
Đối với Hà Tĩnh, giải pháp căn cơ nhất hiện nay là đảm bảo phòng dịch, an toàn sinh học để dịch tả lợn châu Phi không tiếp tục lây lan, bùng phát diện rộng.
Đồng quan điểm này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh Trần Hùng cho rằng, cấp đông là giải pháp cần thiết nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch do virus gây bệnh có thể sống trong môi trường cấp đông đến 1.000 ngày.
Theo ông Hùng, để đảm bảo nguồn thịt sạch và an toàn cho việc cấp đông thì phải xét nghiệm huyết thanh (chỉ lợn không nhiễm bệnh mới được giết mổ để cấp đông). Vấn đề này cũng gặp phải nhiều khó khăn do Hà Tĩnh không đủ điều kiện thực hiện và chủ yếu là chăn nuôi lợn theo quy mô nhỏ lẻ.
Người dân cần tự giác, chủ động trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi, hạn chế tối đa thiệt hại trong chăn nuôi.
Theo ý kiến của các đơn vị liên quan, vì không đủ điều kiện thực hiện cấp đông thịt nên đối với Hà Tĩnh, giải pháp căn cơ nhất hiện nay là đảm bảo phòng dịch, an toàn sinh học tại chỗ để dịch bệnh không tiếp tục bùng phát diện rộng. Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân và đảm bảo nguồn cung thịt ổn định, lâu dài.
Các địa phương kiểm soát chặt khâu vận chuyển, lưu thông tại các địa phương giáp ranh với vùng dịch tại các chốt kiểm dịch; đẩy mạnh khâu tuyên truyền, hướng dẫn để người dân cần tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh như tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi hằng ngày; sử dụng các sản phẩm bổ sung nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch…
Người tiêu dùng Hà Tĩnh không nên quay lưng với thịt lợn mà cần lựa chọn nguồn thịt đảm bảo, ăn chín uống sôi...
Đồng thời, cần có biện pháp giữ ổn định số lượng, tránh lây nhiễm bệnh cho đàn nái để làm cơ sở cho việc khôi phục chăn nuôi tại chỗ ở các địa phương khi dịch cơ bản được khống chế.
Cùng với đó, tuyên truyền qua hệ thống cơ quan truyền thông khuyến khích người dân tiêu dùng thịt lợn; kiểm soát tốt việc kiểm dịch và giết mổ lợn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.