Theo kế hoạch sửa chữa tuyến cáp biển AAG, sự cố vào ngày 4/2 trên tuyến cáp này sẽ được khắc phục xong trước ngày 22/4/2020. (Ảnh minh họa) |
Thông báo về kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gateway) vào ngày 2/4/2020 vừa được đối tác quốc tế thông báo tới các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam
Trước đó, thông tin từ các nhà mạng đã cho hay, vào lúc 20h20 ngày 2/4/2020, tuyến AAG xảy ra sự cố trên nhánh S1 kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong (Trung Quốc) khiến toàn bộ lưu lượng đường truyền đi qua hướng này bị mất. Sự cố trên tuyến AAG khiến các nhà cung cấp dịch vụ bị sụt giảm đáng kể băng thông đi quốc tế, trong đó VNPT bị mất 1.140Gb; FPT bị mất 550 Gb; và với Viettel là 370 Gb.
Ngay sau khi có sự cố, các doanh nghiệp viễn thông trong nước đã định tuyến lưu lượng sang các hướng cáp biển, cáp trên đất liền khác để bảo đảm chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, AAG là một trong những tuyến cáp biển được Việt Nam dùng từ lâu, hiện vẫn có nhiều nhà mạng khai thác, sử dụng nên sự cố xảy ra trên tuyến cáp biển này vẫn có ảnh hưởng nhất định đến quá trình cung cấp dịch vụ.
Các chuyên gia cũng cho biết, sự cố xảy ra ngày 2/4 trên cáp biển quốc tế AAG không ảnh hưởng tới chất lượng các trang Internet, ứng dụng trong nước như học tập từ xa, đào tạo từ xa sử dụng các nền tảng phần mềm do doanh nghiệp Việt Nam phát triển và server đặt tại Việt Nam do các ứng dụng này chạy trên mạng cáp quang trong nước, không phụ thuộc vào các đường cáp quang biển quốc tế.
Tuy nhiên, cho đến khi sự cố của tuyến cáp AAG được khắc phục xong, việc truy nhập Internet từ Việt Nam đi quốc tế có thể khó khăn hơn so với bình thường. Do vậy, trong thời gian tới, người dùng nên có những giải pháp phù hợp hơn trong sử dụng Internet như hạn chế vào các trang xem video, xem phim trực tuyến hay mạng xã hội của nước ngoài…
AAG là tuyến cáp quang biển được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á (ASEAN) với Mỹ. Tuyến cáp biển này đi qua Malaysia (Mersing), Singapore (Changi), Thái Lan (Sri Racha), Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314 km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei (Tungku), Hong Kong (South Lantau), Philippines (Currimao) và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).