Cặp vợ chồng Việt - Hàn lừa đảo xuất khẩu lao động

Mặc dù không có chức năng tuyển người đi lao động tại Hàn Quốc nhưng Kim Young Hwan cùng vợ là Hoàng Thị Cúc vẫn cam kết đưa người sang Hàn Quốc lao động theo hình thức thương mại, chuyển giao công nghệ để thu tiền nhưng không thực hiện được và không trả lại tiền…

cap vo chong viet han lua dao xuat khau lao dong

Đối tượng Hoàng Thị Cúc (ảnh trên) và Kim.

Kim Young Hwan, gọi tắt là Kim (quốc tịch Hàn Quốc, 53 tuổi, ở khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Mặc dù không có chức năng tuyển người đi lao động tại Hàn Quốc nhưng Kim cùng vợ là Hoàng Thị Cúc (30 tuổi, cũng trú tại địa chỉ trên) vẫn cam kết đưa người sang Hàn Quốc lao động theo hình thức thương mại, chuyển giao công nghệ để thu tiền nhưng không thực hiện được và không trả lại tiền.

Quá trình xác minh, đến ngày 11-11, Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an TP Hà Nội đã có căn cứ khởi tố 5 đối tượng về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức. Vụ án hiện đang được Cơ quan An ninh tiếp tục điều tra bổ sung...

Thành thạo về ngoại ngữ, Hoàng Thị Cúc chẳng mấy khó khăn tìm được một công việc có thu nhập cao tại một doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam. Chính trong quá trình ấy, Cúc quen Kim, đối tượng người Hàn Quốc có 2 tiền án về tội trộm cắp, 1 tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 10 tiền sự tại Hàn Quốc... Cúc và Kim sau một thời gian ngắn quen biết đã nên vợ, nên chồng, dù anh ta có một quá khứ chẳng mấy tốt đẹp.

Hai đối tượng Kim và Cúc nảy sinh ý định phạm tội bắt nguồn từ việc nắm bắt nhu cầu của người dân Việt Nam muốn đi lao động tại Hàn Quốc.

Phi vụ đầu tiên vợ chồng Kim, Cúc thực hiện vào khoảng giữa tháng 6-2013, có sự tham gia tích cực của Giang Vĩnh Thắng (40 tuổi, ở tại đường Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Trong khoảng thời gian này, Kim và Cúc trực tiếp tuyển được 5 người, Thắng tuyển được 10 người có nhu cầu đi lao động.

Trong quá trình gặp gỡ người dân, các đối tượng đều hứa hẹn sẽ tổ chức cho họ đi lao động tại Hàn Quốc trong thời gian 4 năm, ngành nghề là cơ khí lắp ráp ôtô theo hình thức chuyển giao công nghệ giữa công ty mẹ và công ty con. Công ty mẹ tại Hàn Quốc, công ty con tại Việt Nam là Công ty Tốt Nhất Tốt, với mức lương từ 1.500 đến 2.000 USD/tháng.

Để hoàn tất thủ tục, ngoài khoản tiền từ 6.500 USD đến 10.000 USD/trường hợp, những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động phải nộp hồ sơ cần thiết như sơ yếu lý lịch, giấy khám sức khỏe, hộ chiếu... Trong quá trình này, Cúc còn giới thiệu người lao động với Namgoong Kwang Soo, Tổng Giám đốc Công ty AI-INNOTECH tại Hàn Quốc (gọi tắt là Namgoong); Chang Key Yong, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tốt Nhất Tốt, có trụ sở tại Mỹ Đình, Hà Nội (gọi tắt là Chang).

Sau khi thu tiền của những người có nhu cầu lao động, Cúc và Kim thông qua Chang ký hợp đồng lao động để làm giả hồ sơ xác định họ đang làm việc tại Công ty Tốt Nhất Tốt. Sau đó, đối tượng Namgoong gửi thư mời đích danh những người này sang Hàn Quốc thăm quan để Chang và Kim làm thủ tục đề nghị xin cấp visa cho họ xuất cảnh sang Hàn Quốc bằng visa thương mại.

Ngày 7-9-2013, Chang đưa 5 người xuất cảnh sang Hàn Quốc đến ngày 11-9-2013 thì về Việt Nam; ngày 4-11-2013, đối tượng này tiếp tục đưa 4 người xuất cảnh, đến ngày 16-11-2013 thì về nước. Ngày 10-11-2013, Kim trực tiếp đưa 11 người xuất cảnh sang Hàn Quốc và ở cùng với đoàn 4 người do Chang đưa đi vào ngày 4-11-2013.

Những người này được ở trong các khách sạn; họ cũng được đưa đến nhà máy nhưng chỉ được đứng ở bên ngoài. Do không thực hiện được lời hứa hẹn nên trong lần này có 7 trường hợp đã trốn ở lại Hàn Quốc... Một số trường hợp sau đó đã làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan.

Tiếp nhận thông tin, Phòng ANĐT Công an TP Hà Nội đã tốn không ít công sức xác minh do các đối tượng đổ tội cho nhau. Trong khi đó, một trong các đối tượng chính của vụ án lại là người nước ngoài nên có sự bất đồng về ngôn ngữ; Kim lại sử dụng giấy tờ tùy thân có 2 năm sinh khác nhau khiến việc xác minh gặp không ít khó khăn. Song bằng sự nỗ lực không ngừng, các nút thắt của vụ án đã được Phòng ANĐT Công an TP Hà Nội điều tra, làm rõ.

Dù không đưa được 16 người lao động đi Hàn Quốc nhưng các đối tượng này vẫn tiếp tục thu tiền của gần 300 người lao động, hứa hẹn đưa họ sang Hàn Quốc lao động. Để thực hiện hành vi phạm tội, thủ đoạn của Kim rất tinh vi.

Đối tượng lấy danh nghĩa đại diện toàn quyền của Công ty AI-INNOTECH Hàn Quốc (Bên A) ký hợp đồng liên kết (về việc đưa cán bộ, công nhân viên đi học tập và làm việc tại Hàn Quốc) với (Bên B), Trương Thành Trung, Giám đốc Công ty Dầu khí Hải Phòng và Giang Vĩnh Thắng, Giám đốc điều hành Công ty TNT với nội dung: Kim nhận làm thủ tục đưa 110 người lao động sang Hàn Quốc học tập và chuyển giao công nghệ. Tổng số tiền Trung và Thắng phải nộp là 800 nghìn USD, chia làm 3 đợt.

Trung đã nộp cho Kim hơn 84 nghìn USD; Thắng nộp 10 nghìn USD đặt cọc, hứa hẹn đến tháng 3-2014 sẽ đưa đi lao động. Sau đó, Trung nộp tiếp hơn 52 nghìn USD cho Chang. Chang cũng chuyển toàn bộ số tiền này cho Kim để làm thủ tục đưa người đi lao động tại Hàn Quốc.

Lúc đầu, các đối tượng lấy danh nghĩa Công ty TNT để đi xin visa nhập cảnh vào Hàn Quốc cho người lao động. Nhưng do công ty này đã để 7 người trốn nên phía Hàn Quốc không cấp visa.

Vì thế, đầu tháng 2-2014, Kim và Cúc đứng ra thành lập Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển Hoàng Kim (gọi tắt là Công ty Hoàng Kim). Kim là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Cúc là Giám đốc công ty, đồng thời cũng là đại diện theo pháp luật để tiếp tục nhận tiền, hồ sơ của người dân, đây là thủ đoạn cực kỳ tinh vi của các đối tượng phạm tội.

Sau khi công ty này được thành lập, Kim và Cúc tiếp tục thông báo việc tuyển dụng người dân đi lao động tại Hàn Quốc nhưng các đối tượng vẫn không xin được visa. Trong tình huống đó, Kim và Cúc đã tự soạn thảo chương trình đưa học viên sang Hàn Quốc học tập và làm việc theo hình thức tu nghiệp sinh. Hai đối tượng đưa ra nhiều cam kết về việc học tập và việc ký kết các hợp đồng lao động với những mức lương vô cùng hấp dẫn.

Sau khi Công ty Hoàng Kim đưa ra các chương trình này đã có 12 môi giới giới thiệu lao động để Kim và Cúc thu 296 hồ sơ cùng hơn 278 nghìn USD và hơn 4 tỷ đồng. Khi nhận tiền và hồ sơ, Kim và Cúc cam kết với các môi giới sẽ tổ chức cho người dân xuất cảnh theo hình thức du học nghề như nội dung chúng đã soạn thảo. Về chi phí, Kim và Cúc thông báo sẽ thu từ 8.500 đến 8.800 USD/ người, các đầu mối thu thêm bao nhiêu của người dân thì do họ.

Quá trình điều tra, mở rộng vụ án, cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội đã có căn cứ bắt giữ 3 đối tượng khác trong đường dây về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm và làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan tổ chức gồm Giang Vĩnh Thắng, Nguyễn Ngọc Đại (51 tuổi, trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh) và Nguyễn Thị Nhung (47 tuổi, trú tại Yên Khánh, Ninh Bình).

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tổ chức người khác trốn đi nước ngoài xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác; ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Kim về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài; khởi tố bị can đối với Cúc về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.

Ngày 2-6-2015, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định chuyển vụ án hình sự Kim Young Hwan cùng đồng bọn có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tổ chức người khác trốn đi nước ngoài đến cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội để điều tra theo thẩm quyền.

Theo Xuân Mai/CAND

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Đồng tình mức phạt mới, người dân mong "đèn đỏ" đừng làm khó người đi đường

Đồng tình mức phạt mới, người dân mong "đèn đỏ" đừng làm khó người đi đường

Từ 1/1/2025, mức phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) theo quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP sẽ tăng lên gấp từ 3-6 lần so với trước. Đồng tình với mức phạt mới, người dân Hà Tĩnh cũng mong hệ thống đèn đỏ phải chuẩn chỉnh để họ không bị bất ngờ, lỡ nhịp khi tham gia giao thông.
Công an Hà Tĩnh khuyến cáo cháy liên quan đến xe điện

Công an Hà Tĩnh khuyến cáo cháy liên quan đến xe điện

Trước thực trạng các vụ cháy, nổ liên quan đến thiết bị điện, xe điện có xu hướng diễn ra phức tạp, đặc biệt là tại các hộ gia đình, khu chung cư, nơi tập trung đông dân, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã có những khuyến cáo PCCC về phương tiện sử dụng pin Li-ion (xe điện).
Đến hẹn... lại lo với “xe dù, bến cóc”!

Đến hẹn... lại lo với “xe dù, bến cóc”!

Cận tết, tình trạng xe đường dài Bắc - Nam đón, trả khách trên tuyến quốc lộ 1 và tuyến tránh TP Hà Tĩnh diễn ra thường xuyên, gây mất trật tự, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Dự án chợ Bộng huyện Vũ Quang: Dở dang đến bao giờ?

Dự án chợ Bộng huyện Vũ Quang: Dở dang đến bao giờ?

Vụ việc đã rõ, được TAND cấp cao phán quyết, nhưng những tồn đọng trong GPMB dự án xây dựng chợ Bộng (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đến nay vẫn chưa có hồi kết, ảnh hưởng đến hoạt động của nhà đầu tư cũng như tình hình giao thương của người dân.