Xa nước hàng vạn dặm, Bác Hồ chúng ta buổi đi “tìm hình của nước” đã từng:
Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
(thơ Chế Lan Viên)
Mặc dầu đất nước giờ đã tự do, độc lập, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, vì muôn lẽ mưu sinh và duyên nợ đường đời, vẫn còn hàng triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Họ là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc. Và như những mạch máu chảy trong cùng một cơ thể đất nước, họ luôn hướng về trái tim nguồn cội, về huyết thống, giống nòi.
Tết luôn ở trong trái tim người Việt xa quê. Ảnh Internet
Tôi có duyên may được thường xuyên đón nhận thông tin và có những cuộc gặp gỡ với những người con Hà Tĩnh ở các nước, nhất là ở Liên bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức, Ucraina, Kirghizia, Australia v.v. Trong số họ, cũng có những người thành đạt và có những đóng góp lớn cho sự phát triển của quê hương, cũng có những người chỉ sống một cuộc sống bình dị, lại có những người gặp nhiều éo le trắc trở, ít có cơ hội trở về quê ăn tết.
Anh Nguyễn Duy Dinh (quê Thạch Bằng, Lộc Hà) là một điển hình. Vì những bất hạnh, éo le của cuộc đời, hơn 40 năm sau, năm Mậu Tuất (2018), anh mới được cùng cô con gái mang 2 dòng máu Kirghizia - Việt Nam và con rể, cháu ngoại về quê đón tết trong căn nhà xưa của cha mẹ để lại. Đã hơn một năm trôi qua nhưng với anh Dinh, những ngày xuân 2018 vẫn là những ngày vui vô bờ bến khi cả gia đình anh được sum họp trong vòng tay yêu thương của đại gia đình và trong sự quan tâm của Báo Hà Tĩnh, Đài Truyền hình Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, của bạn bè thời đi học và bà con lối xóm.
Qua Facebook, anh tâm sự với tôi: “Tết năm ngoái thật là vui vẻ, để lại ấn tượng và ý nghĩa sâu sắc với cả gia đình anh khi anh và con gái Olia, chồng con gái là Anton và cháu ngoại đã có một cái tết sum vầy với gia đình sau 40 năm xa quê. Gia đình anh vô cùng cảm ơn các cơ quan truyền thông, người thân, bạn bè, đặc biệt là anh Lưu Văn Minh - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh đã đến thăm, tặng quà, hỗ trợ các cháu tiền đi về. Anh Minh còn làm tặng Olia một bài thơ dài, hay và cảm động, đăng trên FB của anh ấy. Anh vô cùng hạnh phúc khi được sống trong tình yêu thương của mọi người”.
Cha con cô gái gốc Việt Olia Nguyễn trong vòng tay người thân
Cùng ekip làm chương trình trên Báo Hà Tĩnh điện tử vào ngày mồng 4 đến mồng 5 Tết Mậu Tuất, tôi cũng thấy mình đã có được một cái tết ý nghĩa hơn khi góp phần mang lại niềm vui cho gia đình anh Nguyễn Duy Dinh và Olia Nguyễn.
Dì ruột tôi định cư ở Cộng hòa Liên bang Đức gần 30 năm trước. Dì ra đi khi con trai thứ 3 mới 3 tuổi, con gái đầu 14 tuổi. Nay gia đình dì đã có 4 thế hệ sinh sống ở Đức. Dù cuộc sống ổn định, con cháu đề huề, thành đạt nhưng nỗi nhớ quê hương, nhất là dịp tết đến xuân về luôn thường trực, không nguôi ngoai trong lòng dì. Mỗi lần nhìn các cháu ở quê nhà quay, chụp hình ảnh tết quê hương với đào mai, bánh chưng, dưa hành, gà luộc... nước mắt dì lại dâng trào.
Cách đây 3 năm, gia đình dì có về quê ăn tết. Trong hành trang mang đi của dì có một gói hoa đào nhựa. Dì bảo tôi: “Bên đó lạnh lắm, nơi dì ở lại xa các trung tâm mua sắm nên khó mà có đào thật. Vậy nên dì đem gói hoa đào nhựa này đi, cứ mỗi năm tết đến, dì ra vườn cắt một cành cây tựa như đào, gắn các hoa lá này vào. Vậy là có không khí tết Việt rồi đó cháu. Còn bánh chưng bây giờ cũng có bán, các loại thức dùng ngày tết như nem cuốn, giả cầy... dì đều có thể làm được”.
Học sinh tại trường của người Việt ở Ventura, bang California, mặc trang phục truyền thống và biểu diễn các tiết mục nghệ thuật trong dịp vui tết cổ truyền dân tộc Ảnh: Ventura County Star
Australia là một nước có đông cộng đồng người Việt sinh sống. Vào dịp tết đến xuân về, ở các khu người Việt tại Sydney, Melbourne... rộn ràng không khí Tết với các đồ ăn thức uống không khác gì ở Việt Nam, ngoại trừ đào, mai vì bên đó khí hậu mùa này rất khó trồng. Chị Bùi Trang quê thành phố Hà Tĩnh, hiện sống ở thành phố Sydney, bang NSW. Cứ vào dịp tết, gia đình chị lại cùng bạn bè tổ chức gói bánh chưng xanh. Cũng đậu, cũng nếp, lá bánh, nhân thịt. Duy chỉ dây buộc là không có dây lạt truyền thống mà bằng dây nilon. Không khí cũng rộn ràng không kém ở Việt Nam. Với anh chị, đó là cách để làm cho quê hương Việt Nam luôn gần gũi từ một nơi xa xôi thuộc châu Đại Dương.
Cây cỏ quê hương giờ đã có thể xanh biếc ở những nơi xa có người Việt sinh sống. Quê hương luôn ở trong lòng họ, dù góc bể chân trời, như cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn từng viết: Đã hay bốn biển là nhà/Lam Hồng ta mới thật là quê hương/ Trải qua bao cuộc biến thường/ Mà lòng tưởng nhớ quê hương vẹn tròn.