Bing ra mắt tháng 5/2009, từng được đánh giá là đối trọng với Google Search, nhưng sau đó đã tụt lại khá xa. Theo thống kê của SimilarWeb trong 12 tháng qua, Google chiếm hơn 91% thị trường tìm kiếm toàn cầu, trong khi Bing chiếm 3%. Còn theo Statista, tỷ lệ tương ứng là 87% và 9%.
Vị thế tìm kiếm của Google bị đe dọa sau sự xuất hiện của ChatGPT. Ảnh: Business Today
Cuộc chiến tìm kiếm đang trở nên nóng hơn khi có sự xuất hiện của ChatGPT . Chatbot này do startup OpenAI phát triển, được Microsoft đầu tư hàng tỷ USD và đã nhanh chóng đạt 100 triệu người dùng chỉ sau hai tháng.
Trước mối đe dọa đó, ngày 6/2, Google thông báo bắt đầu cho thử nghiệm giới hạn Bard, chatbot hoạt động tương tự ChatGPT. Một ngày sau, Microsoft tổ chức sự kiện , tuyên bố tích hợp một phiên bản AI thông minh hơn ChatGPT vào Bing, giúp người dùng có thể chat để nhận câu trả lời. Trả lời Bloomberg , CEO Microsoft Satya Nadella gọi đây là “ngày đầu tiên của một cuộc đua mới”.
Tới ngày 8/2, đến lượt Google lại họp báo tại Paris, chia sẻ về các sản phẩm AI hiện có của hãng cũng như lộ trình tích hợp Bard vào công cụ tìm kiếm.
Vị thế "kỳ lạ" của Google
Trên mặt trận tìm kiếm trực tuyến, Google nhiều năm luôn ở trên đỉnh cao và giới chuyên gia tin hãng sẽ rất khó bị thay thế. Tuy nhiên, theo Business Insider , Google “đang ở một vị thế kỳ lạ”: vừa thống trị thị trường, nhưng lại vừa bị một startup vượt mặt.
Ngay sau khi ra đời, dù còn một số điểm yếu , ChatGPT được đánh giá có tiềm năng lật đổ Google. Ý kiến này liên tục được nhắc đến, khiến Sam Altman, CEO OpenAI, phải lên tiếng: “Thật sai lầm khi cho rằng một công nghệ có thể đặt dấu chấm hết cho một gã khổng lồ. Không có chuyện ChatGPT giết chết Google”. Theo ông, những công ty lớn như Google sẽ có biện pháp “phản công” thông minh.
Google cũng sớm đáp trả khi tung ra Bard , được giới thiệu là mang đến những “phản hồi mới, chất lượng cao”. Tuy nhiên, Google cũng gặp “vận đen” khi họ lại chọn một câu trả lời không chính xác của Bard để làm ví dụ trong bài giới thiệu đầu tiên về chatbot này.
“ChatGPT và sự kiện Bing của Microsoft tạo cảm giác rằng mô hình kinh doanh tìm kiếm của Google đang bị đe dọa. Quan điểm này hoàn toàn dễ hiểu”, Mark Riedl, giáo sư tại Viện Công nghệ Georgia, nói với Bloomberg .
Một ngày trước khi Bard ra mắt, CEO OpenAI Sam Altman ngầm ví Google là “công cụ tìm kiếm độc quyền và trì trệ” trên Stratechery. CTO Kevin Scott của Microsoft đồng tình, nhận định lĩnh vực tìm kiếm hiện đã rất khác so với trước và AI có thể sớm thay đổi cuộc chơi.
“Dù Bing chỉ chiếm khoảng 9% thị trường tìm kiếm, việc tích hợp thêm công cụ và thuật toán ChatGPT độc đáo có thể dẫn đến sự dịch chuyển thị phần lớn hơn khỏi Google và hướng tới Bing trong tương lai”, nhà phân tích Dan Ives của Wedbush viết trên Twitter ngày 7/2.
Trong sự kiện 8/2, Prabhakar Raghavan, đứng đầu mảng tìm kiếm Google, cũng thừa nhận AI là “cú hích lớn nhất”. Theo Bloomberg , Google đã không kịp chuẩn bị sẵn thứ gì đó đủ lớn cho sự kiện ở Paris, nhưng động thái này cho thấy họ không muốn bị lãng quên.
Khi Google cũng bị FOMO
Jana Eggers, CEO startup AI Nara Logics, cho rằng Google đang bị cuốn theo hội chứng FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ). Google đã có nhiều năm nghiên cứu AI và chính họ góp phần xây dựng một số công nghệ nền tảng cho ChatGPT. Tuy nhiên, sự hưng phấn của người dùng với ChatGPT khiến các nhà đầu tư sốt ruột, trong khi Google cũng phải gấp rút thử nghiệm công cụ tương tự.
OpenAI chỉ là một công ty khởi nghiệp, sẵn sàng cho cuộc chiến “không có gì để mất”. Trong khi đó, Google sẽ chịu nhiều rủi ro hơn về mặt danh tiếng. Theo các chuyên gia, nếu không thận trọng trong phát hành sản phẩm, Google có thể phải đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra về vi phạm quyền riêng tư, bản quyền, phân biệt chủng tộc... tiềm ẩn trong các câu trả lời của chatbot.
“Không biết có cách nào để Google tránh được các vấn đề với Bard. Có lẽ công ty đang phải chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn so với cách tiếp cận trước đây”, Max Kreminski, nhà nghiên cứu AI tại Đại học Santa Clara, nhận định.
Theo ông, nhiều năm qua, người dùng đã quen tra cứu thông tin qua Google. Vì vậy, nếu họ bắt đầu xin lời khuyên từ Bard, họ có thể hành động theo mà không hiểu rằng AI có thể đưa ra thông tin sai. “Câu chuyện có thể kết thúc ở bệnh viện hoặc tòa án”, Kreminski nói.
Đồng quan điểm, theo Emily Bender, giáo sư ngôn ngữ học máy tính tại Đại học Washington, việc đặt giao diện AI “vui vẻ, có vẻ trôi chảy” lên đầu công cụ tìm kiếm không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Các công ty công nghệ lớn nên tập trung hướng dẫn mọi người sử dụng sản phẩm AI an toàn, hiệu quả nhất thay vì chạy đua với những startup.