Chủ tịch Real Madrid Florentino Perez sẽ là người điều hành ESL - Ảnh: Marca
Một ngày trước khi LĐBĐ châu Âu (UEFA) tiến hành cuộc họp về việc cải cách Champions League, họ bị những CLB hàng đầu châu Âu giội một gáo nước lạnh với thông báo về việc thành lập “siêu giải đấu” European Super League (ESL).
ESL là gì?
Vài năm qua, ý tưởng về việc thành lập ESL đã được thai nghén từ nhóm 12 CLB hàng đầu của châu Âu gồm 6 đại diện của Giải ngoại hạng Anh (Premier League) là Liverpool, M.U, Chelsea, Man City, Arsenal và Tottenham; 3 đại diện La Liga (Tây Ban Nha) là Real Madrid, Barca và Atletico; cùng 3 đại diện Serie A (Ý) là Juventus, Inter Milan và AC Milan.
Trong thông báo mới nhất, họ cho biết sẽ mời thêm 3 CLB nữa (Bayern Munich và PSG chưa có động thái nào cho biết sẽ tham dự) để tạo thành nhóm 15 CLB sáng lập Super League. ESL không liên quan gì đến Champions League, Europa League, hay bất kỳ giải vô địch quốc nội nào khác. Ban tổ chức ESL sẽ tìm cách sắp lịch thi đấu sao cho không ảnh hưởng đến các giải đấu khác.
Chủ tịch của ESL chính là “ông trùm” Florentino Perez - đương kim chủ tịch CLB Real Madrid. Ngoài 15 CLB sáng lập, ESL hằng năm sẽ mời thêm 5 đội bóng tham dự giải.
Vì sao ESL ra đời?
Ý tưởng này thực sự khiến người hâm mộ “sướng tê người” bởi ESL chỉ gồm các CLB mạnh nhất thế giới. Đó là những CLB hùng mạnh nhất, nhiều ngôi sao nhất, nhiều người hâm mộ nhất, cũng như giàu truyền thống nhất.
Tất cả các trận đấu cũng đều hứa hẹn mang đến chất lượng cao, không còn tình cảnh một đại gia phải đá với một CLB mà chúng ta... chưa từng nghe tên qua như Ferencvaros hay Krasnodar nữa. Giai đoạn vòng bảng Champions League hiện tại đầy rẫy những trận đấu như vậy, khi gần một nửa số đại diện đến từ các nền bóng đá trung bình ở châu Âu.
Giàu gấp nhiều lần Champions League
Tiền bạc là cội rễ vấn đề. Ban tổ chức ESL đã ký thỏa thuận với ngân hàng Mỹ JP Morgan trị giá 6 tỉ USD. Và ngay từ năm đầu tiên, 15 CLB sáng lập sẽ nhận được gần 4 tỉ USD để “hỗ trợ cơ sở hạ tầng” cũng như “bù đắp các thiệt hại vì CĐV không thể đến sân trong thời điểm đại dịch”.
15 CLB chia nhau 4 tỉ USD, tức gần 300 triệu USD mỗi đội ngay từ khi dự giải. Số tiền này cao gấp đôi so với nguồn thu của các đội bóng vô địch Champions League. Và số tiền này vẫn chưa bao gồm các khoản tài trợ, bản quyền truyền hình, tiền thưởng... Đó đều là chuyện của tương lai, nhưng ai cũng có thể thấy, một khi ESL ra đời, Champions League khó lòng cạnh tranh nổi về yếu tố thương mại.
Một cuộc hỗn chiến
Quá nhiều lợi ích cho các CLB lớn, nhưng toàn bộ hệ thống các giải đấu châu Âu sẽ bị phá nát. Không chỉ có Champions League và Europa League, ngay cả các giải đấu quốc nội cũng bị ảnh hưởng bởi những cuộc đua “top 4”, “top 6” sẽ chẳng còn ý nghĩa gì với ESL.
UEFA và FIFA nhiều năm qua đã phản đối ý tưởng thành lập ESL. Mới nhất, UEFA thông báo sẽ cấm những CLB liên quan đến ESL tham gia mọi giải đấu quốc nội và châu lục. FIFA tuyên bố cấm các cầu thủ dự ESL khỏi mọi giải đấu do họ tổ chức (bao gồm World Cup). Ban tổ chức Premier League cũng lên tiếng phản đối.
Bóng đá châu Âu đang thực sự trải qua một cuộc hỗn chiến xoay quanh đồng tiền. Nếu ESL thực sự ra đời, các CLB đại gia cũng ngày càng hùng mạnh hơn nhưng sự phân cách giàu nghèo trong làng bóng đá sẽ càng khoét sâu.
Các nguyên thủ quốc gia cũng lên tiếng
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tiếng cảnh báo các CLB thành lập ESL “cần phải trả lời với người hâm mộ và cộng đồng bóng đá thế giới trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào” - Hãng tin AFP dẫn lời.
Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định rằng kế hoạch này có thể “đe dọa các nguyên tắc về đoàn kết và giá trị thể thao”.