Thi thoảng mới có người tiêu dùng đưa mẫu đến để làm test nhanh tại ki-ốt
Ki-ốt kiểm nghiệm thực phẩm bằng test nhanh tại chợ TP Hà Tĩnh chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 10/2017. Sau 3 tháng thí điểm, tháng 4/2017, Chi cục ATVSTP tỉnh đã giao cho TP Hà Tĩnh, trực tiếp là Trung tâm Y tế dự phòng thành phố quản lý. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc xét nghiệm thực phẩm tại ki-ốt lại không có gì thay đổi, người dân vẫn không mấy quan tâm.
Nhân viên ki-ốt Ái Thị Hồng Lê cho biết: “Sau khi tiếp quản, thời gian đầu, cán bộ của Trung tâm YTDP thành phố vẫn đến ki-ốt vào các buổi sáng theo giờ hành chính nhưng không nhận được sự hợp tác của người dân, rất hiếm người đem mẫu đến kiểm tra. Do vậy, trung tâm đã thay đổi thời gian phục vụ tại ki-ốt, mỗi tuần còn 2 buổi sáng theo giờ hành chính (thứ 2 và 4). Vì quá ít, thậm chí là không có mẫu của người dân mang đến nên chúng tôi đã tự đi lấy mẫu và mua mẫu thực phẩm tại chợ để đảm bảo hoạt động theo chỉ tiêu đã đề ra”.
Theo thống kê của Trung tâm YTDP thành phố Hà Tĩnh, từ ngày 1/4 - 10/12/2018, đơn vị đã xét nghiệm được 155 mẫu (hàn the: 59 mẫu; Foocmon: 48 mẫu; thuốc trừ sâu: 30 mẫu; phẩm màu: 18 mẫu). Kết quả, tất cả các mẫu đều âm tính.
Theo cán bộ Trung tâm YTDP thành phố Hà Tĩnh, người tiêu dùng quan tâm là kiểm nghiệm thuốc trừ sâu nhưng mẫu này từ khi nhận cho đến trả kết quả phải mất nhiều thời gian nên họ không kiên nhẫn chờ đợi
Từ khi ki-ốt hoạt động, việc giám sát sơ bộ mức độ an toàn của các loại thực phẩm tại chợ thành phố đã được thực hiện, qua đó nâng cao ý thức người kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, người dân còn thiếu hợp tác. Theo bác sỹ Nguyễn Minh Tâm - Trưởng Khoa An toàn thực phẩm Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Tĩnh là do: Người dân thường quan tâm đến việc kiểm nghiệm dư lượng thuốc trừ sâu trong rau, củ, quả nhưng thời gian nhận kết quả nhanh nhất là 1 giờ 30 phút nên người tiêu dùng không muốn chờ đợi.
"Hơn nữa, đa số người tiêu dùng đi chợ ngoài giờ hành chính và các ngày cuối tuần nhưng quy định của ki-ốt là làm việc trong giờ hành chính nên chưa phù hợp. Mặt khác, cán bộ Trung tâm YTDP phải kiểm nghiệm nhiều việc nên bố trí người trực tại ki-ốt còn gặp nhiều khó khăn; chế độ cho cán bộ làm việc ngoài giờ tại ki-ốt không có nên không thể bố trí người phục vụ theo thời gian hợp lý" - bác sỹ Nguyễn Minh Tâm lý giải.
Do người tiêu dùng chưa tích cực hợp tác nên ki ốt "rút" tần suất phục vụ 2 buổi/tuần và chủ yếu là cán bộ tự đi lấy mẫu trong chợ về làm kiểm nghiệm
Đánh giá về mô hình này, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Phan Văn Hùng thừa nhận là chưa đạt mục tiêu hướng đến ban đầu. Tuy nhiên, sự cần thiết về hoạt động của mô hình là không thể thiếu.
Trước mắt, tỉnh chưa nhân rộng mô hình này tới tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh như mục tiêu ban đầu nhưng sẽ nhân rộng hoạt động kiểm tra, giám sát ATVSTP với hình thức linh hoạt hơn. Định kỳ, các huyện, thị, thành phố tổ chức đi lấy mẫu tại các chợ, các điểm kinh doanh thực phẩm về kiểm nghiệm để kịp thời khuyến cáo cho người dân.
Ki-ốt kiểm nghiệm thực phẩm bằng test nhanh tại chợ TP Hà Tĩnh kiểm tra nhanh các thực phẩm thiết yếu như: hàn the trong giò, chả, bún, bánh mướt, thịt tươi…; Formol trong cá tươi, thịt tươi, bún, bánh phở, hải sản sống; dư lượng thuốc trừ sâu trong rau, củ, quả; phẩm màu trong tương, nước ngọt…; methanol trong rượu; độ ôi khét trong dầu mỡ; hóa chất trong dấm ăn… |