Theo Nghị định 125/2017 của Chính phủ, năm 2018, chỉ những mẫu xe dưới 9 chỗ ngồi trở xuống nào có sản lượng tối thiểu 6.000 chiếc/năm mới được hưởng mức thuế nhập khẩu linh kiện 0% để lắp ráp trong nước.
Như vậy, hiện chỉ có 11 mẫu xe của 4 doanh nghiệp đủ điều kiện này, số còn lại chủ yếu không đạt điều kiện hoặc đạt điều kiện nhưng là dòng xe nhập khẩu.
Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Việt Nam (VAMA), và số liệu của các doanh nghiệp xe hơi, trong năm 2018, các dòng xe hơi trong nước vẫn chiếm khoảng 60 - 70% thị trường và doanh số xe hơi Việt Nam.
Mazda 3 và Toyota Vios đang là các mẫu xe có sản lượng sản xuất rất tốt tại Việt Nam . |
Dựa vào tiêu chí miễn thuế nhập khẩu linh kiện mà Chính phủ đưa ra tại Nghị định 125/2017, cả nước chỉ có 4 doanh nghiệp có các mẫu xe lắp ráp bán ra vượt sản lượng tối thiểu là Toyota, Honda, Trường Hải, Hyundai.
Với Toyota, sản lượng chung của tập đoàn này 65.800 chiếc, song chỉ có gần 52.000 chiếc xe bán ra là các dòng xe lắp ráp trong nước, còn lại đều nhập khẩu.
Mẫu Vios có doanh số tốt nhất với 27.000 chiếc/năm, trong đó bản E có doanh số trên 15.000 chiếc, bản G có doanh số trên 11.000 chiếc. Innova có doanh số bán ra 14.581 chiếc, trong đó bản E có doanh số tốt nhất hơn 11.116 chiếc.
Như vậy, Toyota có 2 dòng xe Vios và Innova, đạt tỷ lệ mẫu xe được miễn thuế nhập linh kiện năm 2018 theo Nghị định 125.
Đại gia thứ 2 là Trường Hải - Thaco, theo báo cáo của VAMA, hết năm 2018, tổng doanh số bán ra của Kia là 29.000 chiếc, trong đó chỉ 2 mẫu đạt điều kiện hưởng thuế nhập khẩu 0% là Morning và Cerato. Kia Morning có doanh số bán 11.158 chiếc, Cerato bán ra được hơn 11.680 chiếc.
Một thương hiệu khác là Mazda được lắp ráp bởi Thaco, tổng doanh số năm 2018 của Mazda là hơn 32.700 chiếc, trong đó hai mẫu có doanh số đủ điều kiện hưởng thuế nhập linh kiện 0% là: Mazda 3 với 13.400 chiếc, Mazda CX5 với hơn 12.200 chiếc.
Như vậy, Thaco có bốn mẫu xe dưới 9 chỗ đủ điều kiện miễn thuế nhập khẩu linh kiện về lắp ráp tại Việt Nam.
Honda Việt Nam dù là hãng xe lớn, song doanh số tiêu thụ chủ yếu đến từ xe nhập. Năm 2018, tổng doanh số bán xe của Honda đạt hơn 27.000 chiếc, trong đó duy nhất mẫu xe đạt đủ điều kiện hưởng thuế nhập linh kiện 0% là City khi bán ra 10.800 chiếc/năm.
Ông lớn cuối cùng là Hyundai Thành Công, năm 2018 theo báo cáo mà doanh nghiệp này tự công bố, tổng lượng tiêu thụ xe dưới 9 chỗ ngồi đạt hơn 56.000 chiếc, hãng này có 4 mẫu hiện đáp ứng đầy đủ điều kiện về doanh số để hưởng thuế nhập linh kiện 0% là: i10, Accent, Elantra và Tucson.
Hyundai Grand i10 nằm trong 11 mẫu xe được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện theo Nghị định 125/2017 của Chính phủ . |
Cụ thể, mẫu Hyundai i10 được Thành Công cho biết bán ra hơn 22.000 chiếc năm 2018, doanh số chỉ đứng sau Vios. Mẫu Accent bán ra được hơn 12.500 chiếc; Elantra bán ra được hơn 6.300 chiếc và Tucson là 6.900 chiếc.
Như vậy, theo kết quả công bố năm 2018, bốn doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam có 11 thương hiệu xe lắp ráp trong nước thỏa mãn được điều kiện về doanh số bán ra, sản lượng sản xuất để được hưởng mức thuế nhập khẩu linh kiện 0% theo quy định tại Nghị định 125/2017 của Chính phủ.
Hiện quy định của Nghị định 125/2017 mới chỉ đề cập đến sản lượng tối thiểu trên từng mẫu xe nhằm đặt điều kiện, thỏa mãn các quy định về miễn thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp xe hơi đăng ký sản lượng sản xuất xe hơi có sự khác nhau với doanh số thực tế, điều này sẽ khiến một số doanh nghiệp hưởng lợi nếu doanh số bán ra thấp hơn nhiều so với sản lượng sản xuất đã đăng ký với cơ quan chức năng./.