Chi tiêu quân sự toàn cầu vẫn tăng bất chấp đại dịch Covid-19

Chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng lên mức gần 2.000 tỷ USD trong năm 2020, bất chấp những tác động kinh tế của đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự toàn cầu tăng 2,6 % lên mức 1.981 tỷ USD trong năm 2020 trong khi GDP toàn cầu giảm 4,4%.

Chi tiêu quân sự toàn cầu vẫn tăng bất chấp đại dịch Covid-19

Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc ước tính là khoảng 252 tỷ USD trong năm 2020. Ảnh: AFP

Diego Lopes da Silva, một trong những tác giả của bản báo cáo này nói rằng, đây là một động thái bất ngờ.

“Do đại dịch Covid-19, mọi người đều nghĩ rằng chi tiêu quân sự sẽ giảm. Tuy nhiên, có thể kết luận một cách chắc chắn rằng, dịch Covid-19 không tác động đáng kể đối với chi tiêu quân sự trên toàn cầu, ít nhất là trong năm 2020”, ông Lopes da Silva nói.

Tỷ lệ chi tiêu nói chung đã tăng từ 2,2-2,4%, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Do đó, có nhiều thành viên NATO đạt được các mục tiêu chi tiêu ít nhất 2% GDP cho quân sự. Có 12 nước đạt được mục tiêu này trong năm 2020, trong khi năm 2019 chỉ có 9 nước.

Dù vậy, đại dịch Covid-19 cũng đã tác động tới một số nước.

Chile và Hàn Quốc đã phân bổ lại một phần sách quốc phòng để đối phó với đại dịch.

“Các nước khác như Brazil và Nga, không công khai về việc tái phân bổ ngân sách sang đối phó với đại dịch, nhưng các nước này được cho là chi tiêu ít hơn đáng kể so với ngân sách đề xuất ban đầu cho năm 2020”, ông Silva nói.

Một ví dụ khác là Hungary, việc tăng chi tiêu quốc phòng lại là một phần trong gói kích thích đối phó với đại dịch.

Những nước chi tiêu nhiều nhất là Mỹ và Trung Quốc, trong đó Washington chiếm 39%, còn Bắc Kinh chiếm 13% tổng chi tiêu toàn cầu.

Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế, ước tính đạt 252 tỷ USD trong năm 2020.

Năm 2020 là năm thứ 3 liên tiếp Mỹ tăng chi tiêu quốc phòng sau 7 năm giảm. Điều này cho thấy Mỹ ngày càng quan ngại về mối đe dọa từ các đối thủ cạnh tranh chiến lược như Trung Quốc và Nga./.

Theo AFP/VOV

Đọc thêm

Các giai đoạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Các giai đoạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, gian khổ với nhiều giai đoạn lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng, kiên cường chiến đấu. Cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
Ngày 19/3/1975: Giải phóng Quảng Trị

Ngày 19/3/1975: Giải phóng Quảng Trị

Tại mặt trận Quảng Trị, đêm 18 rạng ngày 19/3/1975, các lực lượng ta đồng loạt tiến công vào tuyến phòng thủ của địch. Đến 18 giờ 30 phút cùng ngày, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng.
Chủ quyền Việt Nam là bất khả xâm phạm

Chủ quyền Việt Nam là bất khả xâm phạm

Chẳng cần đến những chiến lược phức tạp hay kế hoạch được vạch ra từ trước, người Việt Nam có một bản năng mạnh mẽ là không bao giờ chấp nhận bất cứ hành vi nào xâm phạm đến chủ quyền đất nước.