"Chìa khóa" giảm nghèo bền vững tại TP Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp, đồng hành cùng người dân trong sản xuất, chăn nuôi, TP Hà Tĩnh từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.

Tháng 6/2024, gia đình chị Lê Thị Thanh Loan (thôn Liên Thanh, xã Thạch Hạ) là 1 trong 23 hộ được nhận mô hình sinh kế chăn nuôi gà do Phòng LĐ-TB&XH TP Hà Tĩnh phối hợp với UBND xã Thạch Hạ trao tặng. Đến nay, 55 con gà của chị Loan phát triển tốt, dự kiến sau khoảng 2 tháng tới sẽ được xuất bán, đem về cho gia đình mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng.

p5-2726-2341.jpg
Chị Loan phấn khởi khi lứa gà phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 100%.

Chị Loan chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng tôi làm nông nghiệp, thu nhập bấp bênh. Dù cố gắng cũng chỉ đủ nuôi 3 con ăn học, khó có cơ hội phát triển kinh tế. Khi được nhận mô hình sinh kế, tham gia lớp tập huấn chăn nuôi gà, tôi có thêm công việc trong thời gian nhàn rỗi, nâng cao thu nhập. Từ lứa gà đầu tiên, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, nỗ lực thoát nghèo trong năm tới”.

Xã Thạch Hạ là một trong những địa phương sớm triển khai dự án đa dạng hoá sinh kế thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại TP Hà Tĩnh. Đến nay, các mô hình sinh kế được trao trên địa bàn cho kết quả tích cực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2024, Thạch Hạ có 21 hộ nghèo, 49 hộ cận nghèo, xã đang phấn đấu giảm thêm 4 hộ nghèo trong năm 2025.

Chị Văn Thị Bích Phương - công chức VH-XH, phụ trách mảng chính sách xã Thạch Hạ cho biết: “Để các mô hình sinh kế thực sự phát huy hiệu quả, xã Thạch Hạ đã khảo sát nhu cầu của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình chính sách, gia đình có người khuyết tật trên địa bàn. Sau khi thống nhất mô hình sinh kế phù hợp, địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc gà. Trong quá trình thực hiện, cán bộ của đơn vị cung cấp cũng thường xuyên theo dõi, hỗ trợ người dân phòng ngừa dịch bệnh, nhờ vậy, 100% số gà giống được bàn giao đến người dân đều phát triển tốt”.

p1-7303-4893.jpg
Các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Thạch Trung phấn khởi khi được trao sinh kế.

Thôn Đức Phú (xã Thạch Trung) có tổng 226 hộ với 846 nhân khẩu, trong đó có 8 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo. Đây là đơn vị có số hộ nghèo, hộ cận nghèo nhiều nhất trên địa bàn xã Thạch Trung. Sau quá trình khảo sát, lấy ý kiến của người dân, mô hình sinh kế chăn nuôi gà được trao cho 4 hộ nghèo trong thôn, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập.

Ông Võ Công Sáng – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đức Phú cho biết: “Phần lớn các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại thôn Đức Phú đều là hộ neo đơn, có diện tích sân vườn hẹp, do vậy, việc áp dụng mô hình chăn nuôi gà được xem là phù hợp nhất. Hiện nay, 4/4 hộ tiếp nhận gà giống đều phản hồi gà phát triển tốt, không có dịch bệnh. Dự kiến trong năm 2024, thôn Đức Phú sẽ giảm được 1 hộ nghèo so với năm 2023”.

Năm 2024, xã Thạch Trung đã bàn giao mô hình sinh kế chăn nuôi gà cho 26 hộ dân trên địa bàn. Hiện nay, địa phương có 39 hộ nghèo (chiếm 1,29%), giảm 5 hộ so với năm 2023 và 68 hộ cận nghèo (chiếm 2,24%), giảm 7 hộ so với năm 2023. Những kết quả đạt được trong công tác an sinh xã hội không chỉ từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

p4-2032-2235.jpg
Dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo được nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Tĩnh triển khai hiệu quả.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý thực hiện các chương trình MTQG cấp xã đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, ban, ngành liên quan trong triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án và các nội dung hoạt động của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; kịp thời tham mưu giúp UBND thành phố và UBND cấp xã trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo theo kế hoạch.

Theo báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH TP Hà Tĩnh, trong giai đoạn 2021-2024, tổng số vốn sự nghiệp của chương trình là gần 11,833 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 10,757 tỷ đồng; ngân sách tỉnh và thành phố gần 1,077 tỷ đồng; còn lại là nguồn huy động hợp pháp khác. Trong giai đoạn này, thành phố đã triển khai 6 dự án, 9 tiểu dự án tại các địa phương. Riêng dự án "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" được đơn vị triển khai với tổng ngân sách trung ương bố trí là 4,214 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 421,39 triệu đồng. Toàn thành phố có 30 mô hình triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng số hộ thụ hưởng là 782 hộ (hộ nghèo 218, hộ cận nghèo 406, hộ thoát nghèo 158).

p3-9471-4197.jpg
Mô hình sinh kế máy ép nước mía được trao cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh).

Bà Trịnh Thị Lan - Trưởng phòng LĐ-TB&XH thành phố cho biết: "Cùng với sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, thành phố đã thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; tích cực hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu. Đặc biệt, những năm qua, ban chỉ đạo chương trình đã quan tâm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo tại cơ sở; mở các lớp tập huấn, đào tạo, tổ chức cho cán bộ làm công tác giảm nghèo đi tham quan mô hình ở một số tỉnh, thành... Bên cạnh đó, chú trọng công tác truyền thông, tuyên truyền chủ trương, chính sách giảm nghèo, phổ biến những điển hình, mô hình giảm nghèo có hiệu quả... từ đó, giúp người nghèo tiếp cận được thông tin, các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao năng lực sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống".

Song song với việc thực hiện các dự án, tiểu dự án, TP Hà Tĩnh cũng chú trọng thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội như: hỗ trợ về giáo dục đào tạo, chính sách y tế, trợ giúp pháp lý, các chính sách về tín dụng, phát triển sản xuất theo các nghị quyết của tỉnh, thành phố, hỗ trợ tiền điện... Bằng các giải pháp linh hoạt, hằng trăm người nghèo trên địa bàn đã có cơ hội nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và thụ hưởng cơ chế chính sách của Nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững trên địa bàn.

Từ năm 2021 đến nay có hơn 5.000 học sinh miễn giảm học phí; 460 lượt trẻ em được hỗ trợ chế độ ăn trưa; đảm bảo 100% người nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ tiền điện cho 25.156 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí hỗ trợ 1.402 triệu đồng; hỗ trợ thực hiện các chương trình vay vốn ưu đãi cho 5.854 lượt người vay với số tiền 397,221 triệu đồng...

Giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn thành phố duy trì mức giảm từ 0,1 - 0,3%/năm (giảm từ 1,82% năm 2021, dự kiến xuống còn 0,9% cuối năm 2025).

Chủ đề An sinh xã hội

Đọc thêm

MS2413: Tiếng khóc nhói lòng của 3 chị em mồ côi

MS2413: Tiếng khóc nhói lòng của 3 chị em mồ côi

Mẹ lấy chồng mới, bố đột ngột qua đời, trong căn nhà xây dựng dở dang, 3 đứa trẻ mồ côi ở xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đang nương tựa vào nhau sống trong chuỗi ngày buồn tủi.
Bàn giao nhà đồng đội cho quân nhân khó khăn

Bàn giao nhà đồng đội cho quân nhân khó khăn

Ngôi nhà đồng đội được trao tặng góp phần giúp quân nhân Lê Đình Trọng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) ổn định cuộc sống, an tâm công tác và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Trao tặng nhiều phần quà cho học sinh khó khăn

Trao tặng nhiều phần quà cho học sinh khó khăn

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914-20/10/2024), các tổ chức đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện hướng đến các em học sinh khó khăn.
Chung tay hỗ trợ 2 bé mồ côi ở Hương Sơn

Chung tay hỗ trợ 2 bé mồ côi ở Hương Sơn

Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thành hồ sơ công nhận hộ nghèo cho 2 cháu mồ côi ở xã Quang Diệm, giúp các cháu được hưởng chính sách của Nhà nước.