Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ trong cuộc phỏng vấn trên kênh Rossiya 1 hôm 14/6 rằng khi giữ chức thư ký Hội đồng An ninh Nga năm 1999, ông đã “bật đèn xanh” cho đại tướng Anatoly Kvashnin, tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga, thực hiện kế hoạch chiếm sân bay Pristina, một chiến dịch táo bạo vào giai đoạn cuối cuộc chiến Kosovo.
Lính Nga triển khai ở Kosovo năm 1999. Ảnh: Sputnik
Chiến dịch này của Nga đã châm ngòi cho một trong số cuộc đối đầu căng thẳng nhất giữa Nga và phương Tây thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Xung đột bùng phát ở Kosovo năm 1998 khi phe ly khai Quân giải phóng Kosovo đụng độ với lực lượng an ninh Nam Tư và người Serbia dưới quyền tổng thống Slobodan Milosevic. Từ tháng 3/1999, NATO can thiệp, ném bom các mục tiêu của chính phủ và quân đội Serbia, buộc Milosevic ký thỏa thuận hòa bình, theo đó quân đội Serbia sẽ rút khỏi Kosovo và thay bằng lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO - Nga.
Khi chiến tranh Kosovo kết thúc vào ngày 11/6/1999, Nga lên kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình độc lập với NATO tại Kosovo, nhưng vấp phải sự phản đối và cản trở của NATO. Giới chức NATO lúc đó lo ngại một khu vực do Nga kiểm soát riêng rẽ có thể dẫn tới việc Kosovo bị phân tách thành hai vùng của người Serbia và người Albania.
Quân đoàn phản ứng nhanh đồng minh (ARRC) được NATO triển khai đến Skopje ở nước cộng hòa Macedonia đầu tháng 3/1999 nhằm thiết lập hệ thống chỉ huy thống nhất, điều phối hoạt động của các tiểu đoàn Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Italy tham gia gìn giữ hòa bình tại Kosovo. Đội quân này được gọi là Lực lượng Kosovo (KFOR), do tướng Anh Mike Jackson chỉ huy.
Sáng sớm 11/6/1999, khoảng 30 xe thiết giáp với 250 binh sĩ Nga thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế ở Bosnia đã di chuyển đến Serbia. Hình ảnh được chụp cho thấy các xe thiết giáp Nga được sơn hàng chữ KFOR thay cho chữ SFOR (Lực lượng Serbia) trước đây, nhanh chóng lao đến sân bay quốc tế Pristina, chỉ một ngày trước khi lực lượng NATO triển khai đến đây.
Đến khoảng 10h35 sáng hôm đó, tướng Jackson bật TV để theo dõi tin tức, và bất ngờ khi thấy CNN đưa tin đoàn xe thiết giáp Nga mang dòng chữ KFOR đang lao nhanh về phía thủ đô Pristina của Kosovo. Jackson choáng váng, bởi KFOR không có lực lượng nào của Nga.
Trước khi Jackson kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, chuông điện thoại reo lên. Tướng Mỹ Wesley Clark, Tư lệnh tối cao Lực lượng Đồng minh tại châu Âu (SACEUR), ra lệnh cho ông bằng mọi giá phải triển khai lực lượng tới sân bay Pristina trước quân Nga.
Tướng Clark cũng gọi cho Tổng thư ký NATO Javier Solana để thông báo tình hình, sau đó ra lệnh cho một đơn vị lính dù Anh và Pháp di chuyển bằng trực thăng để chiếm lại sân bay.
Các sĩ quan tham mưu lo ngại trực thăng có thể bị lực lượng Serbia bắn hạ, trong khi việc tiến quân vào Kosovo quá sớm có thể khiến Serbia rút khỏi thỏa thuận. Hoạt động này cũng nằm ngoài thỏa thuận được các nước thành viên NATO ký kết nên Pháp đã rút tiểu đoàn của mình.
5h ngày 12/6, Lữ đoàn đổ bộ đường không số 5 của Anh bắt đầu bay đến Kosovo để bảo vệ hẻm núi Kacanik dài 16 km, bảo đảm đường tiến quân cho Lữ đoàn thiết giáp số 4 đến Pristina.
Vài giờ sau, các lực lượng NATO gồm đặc nhiệm Na Uy (FSK) và SAS Anh đã đến Pristina. Binh sĩ Na Uy là những người đầu tiên chạm mặt quân Nga ở Pristina. Họ chứng kiến đám đông ở thành phố này chào đón lực lượng Nga, rồi lặng lẽ quan sát từ xa khi lính dù Nga triển khai lực lượng kiểm soát sân bay.
Ngày hôm sau, một tùy viên quân sự Nga tới gặp tướng Jackson, đưa ra một lá thư, trong đó khẳng định Nga đã chiếm sân bay Pristina và không có ý định rời đi. Tướng Clark lúc này tin rằng sự hiện diện của quân Nga ở sân bay Pristina là mối đe dọa với toàn bộ sứ mệnh của NATO và quyết tâm hành động.
Vị trí Pristina ở Kosovo. Đồ họa: Rferl.org .
Tối hôm đó, tướng Jackson bay đến Pristina bằng trực thăng để tổ chức họp báo và gặp tướng Viktor Zavarzin, đại diện lực lượng Nga.
Tướng Clark lo ngại Nga triển khai binh sĩ bằng đường không đến sân bay Pristina và ra lệnh cho trực thăng NATO đậu trên đường băng, ngăn cản vận tải cơ Nga hạ cánh. Tuy nhiên, thời tiết xấu khiến kế hoạch này không thể triển khai.
Tướng Leonid Ivashev, sĩ quan cao cấp của Nga, sau đó tiết lộ rằng Nga đã lên kế hoạch triển khai hàng nghìn binh sĩ bằng đường không. “Chúng tôi có một số căn cứ không quân và nhiều tiểu đoàn lính đổ bộ đường không sẵn sàng xuất kích trong vòng hai giờ”, tướng Ivashev nói.
Ngày 13/6, tướng Clark đến sở chỉ huy AARC ở Skopje, được thông báo rằng quân Nga đã bị cô lập và không thể được tăng viện bằng đường không, đồng thời sự ủng hộ của Nga đóng vai trò then chốt trong việc đạt thỏa thuận hòa bình. Ông không chấp nhận điều này và tiếp tục ra lệnh phong tỏa sân bay, thậm chí ra lệnh sử dụng vũ lực để giành lại sân bay, nhưng tướng Jackson từ chối thực thi mệnh lệnh vì lo ngại điều đó sẽ châm ngòi Thế chiến III.
Lực lượng Nga triển khai ngoài sân bay Pristina ngày 12/6/1999. Ảnh: Reuters .
Tướng Jackson cho rằng triển khai lực lượng thiết giáp Anh sẽ hợp lý hơn dù biết điều này chắc chắn bị London phản đối. Bộ Quốc phòng Anh sau đó chấp nhận điều động Lữ đoàn thiết giáp số 4 để cô lập vòng ngoài sân bay nhưng không cho phép phong tỏa đường băng.
Washington cũng gây sức ép chính trị với các nước xung quanh nhằm ngăn Moskva sử dụng không phận để chuyển quân tăng viện. Nga phải dừng tăng viện sau khi Bulgaria, Hungary và Romania từ chối cho vận tải cơ của họ bay qua không phận.
Các cuộc đàm phán được tiến hành trong suốt quá trình đối đầu. Nga khẳng định binh sĩ chỉ nghe lệnh từ chỉ huy của mình và có riêng một khu vực cho lính gìn giữ hòa bình của họ. Trong khi đó, NATO từ chối nhượng bộ do lo ngại Kosovo bị chia cắt. Hai bên cuối cùng thống nhất rằng lính gìn giữ hòa bình Nga sẽ triển khai khắp Kosovo nhưng hoạt động độc lập với lực lượng NATO.
Sân bay Pristina trở thành căn cứ quân sự ngày 15/10/1999, trước khi tiếp tục chức năng vận tải hàng không quốc tế đến một số thành phố châu Âu. Trong quá trình này, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga và NATO phụ trách đảm bảo an ninh cho sân bay. Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tiếp tục đóng quân tại Kosovo tới tháng 7/2003 rồi rút về nước.