Thầm lặng đối diện với hiểm nguy trong những lần lấy mẫu xét nghiệm, truy vết; căng mình ngày đêm trong những labo xét nghiệm để xác định ca bệnh, những y, bác sỹ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đang cùng các lực lượng khác vượt qua bao khó khăn, nỗ lực khống chế nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Video: Giám đốc CDC Hà Tĩnh chia sẻ về quyết tâm phòng chống dịch Covid-19.
Diễn biến dịch bệnh lần thứ 4 phức tạp và khó lường hơn những lần trước, đòi hỏi cán bộ, nhân viên CDC tỉnh - cơ quan đầu não trên mặt trận chống dịch phản ứng nhanh và hết sức linh hoạt. Với cán bộ của Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, đợt dịch lần này mang dấu ấn đặc biệt khi lần đầu tiên Hà Tĩnh có ca dương tính trong cộng đồng. Khác với những cuộc truy vết trước đây, việc xác định hành trình của ca bệnh trong cộng đồng lần này khó khăn, phức tạp và căng thẳng hơn rất nhiều.
Tổ truy truy vết các trường hợp F1, F2 của các ca bệnh đang tích cực làm việc để nắm bắt triệt để số người tiếp xúc với ca bệnh.
Bác sỹ Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cho biết: “Ngay sau khi xác định được kết quả 2 ca bệnh ở Thạch Hà, chúng tôi đã huy động 2 đội cơ động phòng, chống dịch với số lượng hơn 20 người nhanh chóng xuống địa bàn để truy vết các trường hợp tiếp xúc. Không chỉ cán bộ, nhân viên mà Ban Giám đốc CDC cũng trực tiếp chỉ đạo ngay tại vùng dịch để cùng anh em thực hiện truy vết với tinh thần khẩn trương nhất”.
Là một trong những người có mặt đầu tiên tại khu vực có ca bệnh ở xã Tượng Sơn, bác sỹ Nguyễn Công Hiếu - Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm chia sẻ: Khi xác định được F0, suy nghĩ đầu tiên của anh em là làm sao có mặt một cách nhanh nhất và khẩn cấp truy vết những người tiếp xúc với ca bệnh. Sớm được giây nào, phút nào thì sẽ càng nhanh chóng khoanh vùng, truy vết được F1, F2, ngăn chặn, giảm thiểu được nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng chừng đó.
Tiến hành phun khử khuẩn tại nhà của bệnh nhân Nguyễn Thị H. (xã Tượng Sơn).
Không ai bảo ai, hàng chục cán bộ làm công tác điều tra dịch tễ thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng hộ cá nhân để bắt tay vào công việc. Tiếp xúc trực tiếp với F0 đồng nghĩa đối mặt với nhiều nguy hiểm, song với tính chất phức tạp của các ca bệnh không cho phép những người như bác sỹ Trung, bác sỹ Hiếu và các thành viên trong đội cơ động chần chừ, e ngại. “Điều tra lịch trình di chuyển, tiếp xúc của các ca bệnh như một quá trình đấu trí và nói vui là bọn mình như cán bộ công an điều tra. Để các ca bệnh thông tin một cách chính xác và nhanh nhất lịch trình tiếp xúc, đòi hỏi người cán bộ làm công tác dịch tễ phải có kỹ năng hỏi, kỹ năng khai thác và nắm bắt diễn biến tâm lý của người khai báo. Trong quá trình điều tra, nhiều khi bệnh nhân và các F1 có tâm lý lo lắng, ngại ngùng nên mình phải vừa động viên, vừa hướng dẫn để giúp họ bình tĩnh, tiếp tục cung cấp thông tin” - bác sỹ Hiếu bộc bạch.
Lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo công tác thiết lập chốt để phong tỏa khu vực có ca bệnh.
Dẫu đến nay, những F1, F2 của 2 ca bệnh tái dương tính ở Thạch Hà đã âm tính lần 1, song nhiệm vụ của những người làm công tác truy vết của CDC tỉnh vẫn còn nặng nề khi mà ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện K đang diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch xâm nhập, bùng phát từ những người có yếu tố dịch tễ liên quan là rất cao. Mỗi cán bộ làm công tác điều tra, truy vết đang nỗ lực giữ cho mình sự tỉnh táo, nhạy bén để triển khai nhanh, song không bỏ sót các tình tiết, chi tiết về dịch tễ phục vụ cho quá trình chống dịch.
Công an huyện Thạch Hà lập chốt phong tỏa tại thôn Việt Yên, xã Việt Tiến.
Bác sỹ Nguyễn Chí Trung chia sẻ: “Với tinh thần khẩn trương, truy vết thần tốc để khoanh vùng, ngăn dịch, hiện nay, không kể ngày đêm, các đội cơ động phòng, chống dịch đang tập trung xuống các địa bàn để truy vết, lập danh sách người về từ các địa điểm có dịch mà Bộ Y tế thông báo. Để công việc này được nhanh chóng, hiệu quả và giảm bớt nỗi vất vả cho các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch và cả hệ thống chính trị, mong mỏi lớn nhất của chúng tôi là người dân cần có ý thức tự giác trong việc khai báo và khai báo một cách trung thực, tuân thủ các quy định về cách ly”.
Lấy mẫu xét nghiệm tại các khu cách ly tập trung ký túc xá Mitraco, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong những tình huống khẩn cấp, rồi xuyên qua nhiều đêm trắng bên những labo xét nghiệm đang là guồng quay tất bật của những cán bộ Khoa Cận lâm sàng. Đợt dịch thứ 4 bùng phát với số lượng ca dương tính lớn nhất từ trước tới nay đã mang lại cho đội ngũ xét nghiệm CDC tỉnh những cảm xúc, kỷ niệm nghề đặc biệt.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (ảnh 2) - Trưởng khoa Cận lâm sàng CDC Hà Tĩnh cùng tập thể khoa tập trung cao để đưa ra những kết luận xét nghiệm chuẩn xác nhất 2 ca dương tính trong cộng đồng.
“Tối 29/4, sau khi mẫu xét nghiệm của 3 công dân trở về từ Thủ đô Viêng Chăn - Lào có kết quả nghi ngờ, sáng 30/4, tôi nhận nhiệm vụ khẩn vào khu cách ly ký túc xá Mitraco lấy mẫu xét nghiệm. Dù đã chuẩn bị tâm thế tốt nhất nhưng cảm giác căng thẳng, lo lắng vẫn đan xen. Tập trung cao nhất để thực hiện quy trình lấy mẫu của 3 người này và những người tiếp xúc gần, nhiều người đã ái ngại nhắc tôi phải hết sức cẩn thận. Hôm đó, mang 14 mẫu xét nghiệm về trung tâm, anh em chúng tôi không nghỉ trưa để tiến hành xét nghiệm; kết quả đã ghi nhận 3 ca dương tính đầu tiên. Kết quả này đã nhắc chúng tôi chuẩn bị bước vào một cuộc chiến mới đầy cam go, thử thách”, chị Nguyễn Thị Thu Hiền - Khoa Cận lâm sàng chia sẻ.
Những chuyến xe đi về, những cán bộ trắng đêm lẫy mẫu, xét nghiệm, truy vết nhanh nhất.
Tranh thủ chút thời gian ít ỏi, Trưởng khoa Cận lâm sàng Nguyễn Thị Hạnh trao đổi: “Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đòi hỏi phải thực hiện đúng quy trình để đáp ứng yêu cầu, đúng vị trí và đủ dung lượng bệnh phẩm, giúp cho quá trình xét nghiệm được thực hiện chính xác. Quá trình lấy mẫu xét nghiệm rất rủi ro, nguy hiểm khi cán bộ y tế đứng đối diện với đối tượng trong cự ly gần; động tác lấy mẫu dễ kích thích đối tượng ho, sặc... nên đòi hỏi cán bộ y tế phải linh hoạt trong thao tác để vừa đảm bảo kỹ thuật chuyên môn, vừa đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm”.
Trong hàng ngàn mẫu bệnh phẩm đã được CDC tỉnh tiếp nhận, xét nghiệm kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19, kể cả khi yên bình nhất, các y, bác sỹ vẫn luôn đặt ra tình huống, mỗi mẫu bệnh phẩm đều có vi-rút SARS-CoV-2, để không cho phép sơ suất, lơ là dù chỉ là từ việc bảo vệ cá nhân hay một thao tác kỹ thuật đơn giản nhất. Đợt dịch thứ 4 này, số mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính lớn nhất từ trước đến nay, càng đòi hỏi sự nỗ lực tập trung cao độ của cả tập thể. Chị Phạm Thị Thanh Ngân - Khoa Cận lâm sàng kể: “Đợt dịch này, cả 7 ca dương tính tôi đều trực tiếp tham gia quy trình xét nghiệm. Chúng tôi hiểu rằng, lần này diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn và luôn động viên, hỗ trợ nhau trau dồi kiến thức, kỹ năng, tay nghề để tự tin khi khẳng định kết quả của từng mẫu bệnh phẩm phục vụ quá trình chống dịch”.
Trong những ngày này, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt, lượng người về từ một số bệnh viện tuyến trung ương (phát hiện nhiều ca dương tính với virus SARS CoV-2) đến trưa ngày 9/5 đã lên đến con số 1.052. Số lượng người cần xét nghiệm tăng cấp số nhân, trong khi đội ngũ xét nghiệm CDC tỉnh lại mỏng. Trong cuộc chiến đầy cam go này, gia đình nhỏ luôn là điểm tựa bình yên của những chiến sỹ áo trắng sau những giờ phút “đấu trí” căng thẳng với con vi-rút nguy hiểm này.
“Con trai tôi đang du học ở Nhật Bản. Từ khi có thông tin quê nhà bước vào đợt dịch mới, tối nào cháu cũng gọi video về động viên mẹ và các đồng nghiệp làm việc. Gần như mỗi cán bộ ở đây không còn thì giờ để lo cho gia đình, nhưng bù lại, chúng tôi đều nhận được sự động viên từ gia đình, sự chia sẻ của đồng nghiệp và sự cổ vũ của cộng đồng. Đó là nguồn năng lượng rất quý giúp chúng tôi giải tỏa căng thẳng và có thêm sức mạnh để nỗ lực nhiều hơn trên trận tuyến bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, chị Nguyễn Thị Hạnh - Trưởng khoa Cận lâm sàng CDC tỉnh trải lòng.
thiết kế: huy tùng