Sự hài lòng của người dân đối với hoạt động của bộ máy nhà nước tại Hà Tĩnh ngày được nâng cao
Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh năm 2020 đạt 85,31/100 điểm, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 4 bậc so với năm 2019. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 8,92/10 điểm (tỷ lệ 89,13%) xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 13 bậc so với năm 2019. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đạt 45,005/80 điểm, xếp thứ 5/63 tỉnh thành phố trong cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2019.
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong các chỉ số cải cách hành chính (CCHC), UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế và cải thiện, nâng cao các chỉ số: Cải cách hành chính (PAR INDEX), Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tỉnh Hà Tĩnh năm 2021 và những năm tiếp theo.
Theo đó, UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế và cải thiện, nâng cao các chỉ số. Cụ thể: Tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về CCHC. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động tại các cơ quan nhà nước, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác CCHC nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao chủ trì các nội dung của CCHC chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về chỉ số thành phần và thứ hạng thuộc trách nhiệm của cơ quan mình chủ trì, theo dõi, triển khai.
Nhiều người dân TP Hà Tĩnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, chủ tịch UBND các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xác định rõ đây là một nhiệm vụ trọng tâm, tạo chuyển biến căn bản trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, nhất là các chỉ số đang có điểm số và xếp hạng thấp.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực sự chủ động, nghiên cứu hoặc tham khảo các sáng kiến, mô hình, cách làm hiệu quả của các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh để áp dụng/vận dụng có hiệu quả công tác CCHC, nhất là các giải pháp có tính đột phá nhằm giải quyết các ách tắc, “điểm nghẽn” công việc tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất để đôn đốc công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ CCHC và chịu trách trách nhiệm về nhiệm vụ đã được giao.
UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động đề ra các biện pháp, giải pháp, phân công trách nhiệm và nhiệm vụ với nguyên tắc “rõ việc - rõ người - rõ trách nhiệm - rõ thời gian - rõ hiệu quả” cho các phòng, ban, đơn vị và cho từng CB,CC,VC gắn với thường xuyên kiểm tra, đôn đốc quyết liệt để triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác CCHC hàng năm, giai đoạn theo kế hoạch này và chỉ đạo của UBND tỉnh. Trước mắt căn cứ kết quả CCHC đạt được 7 tháng đầu năm 2021 (nhất là ở các nội dung bị trừ điểm các chỉ số: PAR INDEX, PAPI, SIPAS năm 2020 của tỉnh và kết quả khắc phục của 7 tháng năm 2021) để có giải pháp khắc phục kịp thời trong những tháng còn lại của năm 2021, nhằm cải thiện và nâng cao các chỉ số năm 2021.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên theo dõi việc thực hiện rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ của các đơn vị liên quan.
Chú trọng thực hiện việc lấy ý kiến đánh giá hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Đối với UBND cấp huyện cần lấy ý kiến đối với các lĩnh vực có tần suất giao dịch/tương tác nhiều với người dân, doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, điểm nghẽn như: đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, thu hút đầu tư, lao động - thương binh và xã hội. Định kỳ hàng tháng có báo cáo kết quả tổng hợp việc triển khai lấy ý kiến đánh giá, báo cáo cơ quan cấp trên và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc, nhất là tại các trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc điều chuyển, công chức, viên chức thiếu tinh thần, trách nhiệm, có thái độ không đúng mực khi tiếp xúc, làm việc với người dân, tổ chức; đảm bảo không còn để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc, cung ứng dịch vụ hành chính công.
Có giải pháp, biện pháp tích cực để nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 và hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường trực tiếp tham gia các buổi đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp; trực tiếp chỉ đạo, phản hồi ý kiến doanh nghiệp và có cơ chế theo dõi, giám sát đảm bảo không để kéo dài tình trạng khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
TP Hà Tĩnh nhìn từ trên cao
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời phát hiện, nêu gương các điển hình tiên tiến trong công tác CCHC của tỉnh và của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là các sáng kiến CCHC có hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời phản ánh những hạn chế, tồn tại của bộ máy, của cán bộ công chức, viên chức, người lao động của cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện CCHC.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tăng cường giám sát việc triển khai công tác CCHC tại các sở, ban, ngành, địa phương, đặc biệt đối với việc giải quyết TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định; vận động các hội viên, đoàn viên tích cực và tự giác tham gia với tư cách thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân, tham gia xây dựng chính quyền.
UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về CCHC theo các nghị quyết của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC để phấn đấu Hà Tĩnh đứng trong nhóm 10 đến 15 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số PAR INDEX; nhóm các tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số SIPAS đạt tỷ lệ hài lòng trên 90%; duy trì nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất về chỉ số PAPI. |