Cải thiện Chỉ số PCI ở Hà Tĩnh: Thực chất, hiệu quả và sự đồng hành

(Baohatinh.vn) - Từ năm 2016 đến nay, thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Tĩnh có sự cải thiện khả quan. Từ nhóm trung bình ở vị trí 39 của năm 2016 đã vươn lên nhóm khá năm 2018 và đang “trụ hạng” với những bước tiến ở “top” này.

Giữ “top” khá toàn quốc

Cải thiện Chỉ số PCI ở Hà Tĩnh: Thực chất, hiệu quả và sự đồng hành

Chỉ số PCI Hà Tĩnh từ năm 2016 - 2020. Đồ họa Công Ngọc.

Qua 16 năm thực hiện, PCI không chỉ là bảng xếp hạng về chất lượng điều hành của các tỉnh, thành phố; động lực để nhiều tỉnh, thành phố đẩy nhanh quá trình cải cách; “tiếng nói” của doanh nghiệp, mà còn là biểu tượng của sự cầu thị, lắng nghe, đổi mới của hệ thống chính quyền.

Hà Tĩnh luôn ý thức được tầm quan trọng của chỉ số PCI, xem đây là một kênh thông tin để chính quyền xem xét, khắc phục, cải thiện chất lượng điều hành, môi trường kinh doanh. Với nhiều giải pháp cùng sự cố gắng của các đơn vị liên quan, chỉ số PCI hằng năm của Hà Tĩnh có những thứ hạng đáng ghi nhận

Vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và lũ lụt lịch sử, kết quả PCI năm 2020 vừa được công bố, Hà Tĩnh đã vươn lên vị trí thứ 21/63 tỉnh, thành toàn quốc với 64,56 điểm, tăng 6 bậc nhưng giảm 0,9 điểm so với năm 2019 (năm 2019 xếp vị trí 27 với 65,46 điểm).

Cải thiện Chỉ số PCI ở Hà Tĩnh: Thực chất, hiệu quả và sự đồng hành

Việc hoàn thiện các thủ tục thành lập doanh nghiệp của Hà Tĩnh hiện nay cơ bản được thực hiện trong ngày (trong khi theo quy định là 3 ngày).

Phân tích 10 chỉ số thành phần trong PCI 2020 của Hà Tĩnh cho thấy, có 6 thành phần tăng điểm (tổng điểm tăng 3,46), gồm: tiếp cận đất đai; chi phí thời gian; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý; cạnh tranh bình đẳng; 4 thành phần giảm điểm (tổng điểm giảm 3,56), gồm: gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí không chính thức và tính năng động của chính quyền.

Chi phí thời gian có sự tăng điểm khá bứt phá (2019: 6,81; 2020: 8,14) cho thấy sự ghi nhận vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp đối với nỗ lực thực hiện chỉ số này của Hà Tĩnh.

Được biết, Hà Tĩnh đã thực hiện thành công việc cắt giảm 1/3 thành phần hồ sơ, giảm ½ thời gian giải quyết các TTHC, tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng mỗi năm cho người dân, doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính tập trung chủ yếu lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tài chính, ngân hàng, khởi sự doanh nghiệp và đầu tư kinh doanh, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng.

Bên cạnh đó, chỉ số cạnh tranh bình đẳng cũng có sự cải thiện đáng kể, từ 5,36 điểm năm 2019 lên 6,03 điểm năm 2020. Với 14 chỉ tiêu, chỉ số này phản ánh cảm nhận của các doanh nghiệp tư nhân về mức độ ưu ái của chính quyền địa phương các cấp, các sở, ngành đối với: doanh nghiệp có phần vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có mối quan hệ...

Cải thiện Chỉ số PCI ở Hà Tĩnh: Thực chất, hiệu quả và sự đồng hành

Giao dịch về lĩnh vực đăng ký kinh doanh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Theo đánh giá, dù điểm số chưa cao nhưng chỉ số thành phần này của Hà Tĩnh có sự tăng đều trong 5 năm gần đây (năm 2016 đạt 3,77 điểm). Kết quả này thể hiện cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc tạo dựng sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp dân doanh trong nước với doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp FDI về các nguồn lực, tín dụng, thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt trong tiếp cận đất đai…

Trao đổi về chỉ số PCI năm 2020 của Hà Tĩnh, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh, ông Nguyễn Tiến Trình – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh bày tỏ: “Theo chúng tôi, đây là đánh giá khách quan, chính xác của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành, môi trường đầu tư của Hà Tĩnh. Chúng tôi cũng mong rằng, những đơn vị liên quan tiếp tục căn cứ vào những điểm số này để tìm ra các phương án khả thi, hiệu quả để đồng hành với doanh nghiệp trong thời gian tới”.

Đưa chỉ số PCI tăng 2 - 5 bậc trong năm tới

Cải thiện Chỉ số PCI ở Hà Tĩnh: Thực chất, hiệu quả và sự đồng hành

Hệ thống cảng biển nhiều ưu thế kết hợp với hệ thống xếp dỡ hàng hóa hiện đại Khu kinh tế Vũng Áng là điểm cộng trong thu hút đầu tư của Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Hoài.

PCI là “cuộc đua” liên tục, đòi hỏi mỗi địa phương phải nỗ lực không ngừng nếu không muốn bị lùi lại phía sau. Bởi vậy, đây thực sự là một chỉ số của hành động với liên tục những giải pháp để cải thiện chất lượng điều hành, môi trường đầu tư trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Phan Thành Biển cho biết, để có được bức tranh PCI tích cực như hiện nay, hằng năm, Hà Tĩnh đã ban hành đồng bộ các văn bản chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với những giải pháp quyết liệt, thiết thực.

Mới đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 102/KH-UBND ngày 6/4/2021 về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Theo đó, kế hoạch được triển khai nhằm hướng đến mục tiêu: xây dựng môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, thân thiện, thông thoáng; tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Khuyến khích các sáng kiến cải cách nhằm rút ngắn quy trình, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung thủ tục hành chính. Tiếp tục xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Tạo động lực để tăng cường thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài…

Kế hoạch hướng dẫn và yêu cầu sự vào cuộc của 26 sở, ngành và tất cả UBND cấp huyện với những nhiệm vụ cụ thể, sát sườn để chung sức đưa chỉ số PCI của tỉnh năm 2021 tăng từ 2 - 5 bậc so với năm 2020.

Cải thiện Chỉ số PCI ở Hà Tĩnh: Thực chất, hiệu quả và sự đồng hành

Từ những dòng vốn đầu tư phù hợp với xu hướng, đồng thời khai thác được các tiềm năng, thế mạnh đã góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế đa dạng, năng động. Ảnh: Huy Tùng.

Đặc biệt, sau quá trình nghiên cứu, xây dựng, Bộ chỉ số DDCI Hà Tĩnh (Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện) đang trong quá trình hoàn thiện và theo kế hoạch sẽ áp dụng trong năm nay. Bộ chỉ số sẽ là PCI thu nhỏ, tập hợp “tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đối với năng lực cạnh tranh của hệ thống sở, ngành, UBND cấp huyện. Việc triển khai bộ chỉ số DDCI là cơ hội để các đơn vị liên quan soi vào đó để có những giải pháp góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.

“Được giao chủ trì thực hiện DDCI trong năm nay, trung tâm sẽ tập trung triển khai kịp thời các nội dung như: xây dựng phương án để đưa nội dung khảo sát vào bộ chỉ số và tiêu chí đánh giá phù hợp; cập nhật, đăng tải các nội dung liên quan đến DDCI trên trang chuyên mục của các cơ quan trong tỉnh; thông qua kết quả, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh công bố kết quả khảo sát DDCI và phân tích, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về những tồn tại, hạn chế của các cơ quan, địa phương và đề xuất những giải pháp khắc phục; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể khi thực hiện phiếu khảo sát DDCI...” - ông Trần Nguyễn Huỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư thông tin.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.