Nội dung họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10

Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 diễn ra chiều 3/11 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

noi dung hop bao chinh phu thuong ky thang 10

Lãnh đạo các bộ, ngành chủ trì buổi họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 diễn ra cùng ngày tại Trụ sở Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Phiên họp Chính phủ tháng này diễn ra khi Quốc hội đang họp kỳ thứ 4 và vừa dành hai ngày rưỡi để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong thời gian tới; tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2017; thảo luận một số vấn đề thể chế, chính sách như đổi mới cơ chế hoạt động với các đại học công lập, nghị định về nông nghiệp hữu cơ, cơ chế chính sách thí điểm phát triển TPHCM; cắt giảm các loại phí, chi phí cho doanh nghiệp; tiếp tục khắc phục hậu quả bão, lũ vừa qua và phòng chống cơn bão số 12... Chính phủ cũng thảo luận về vấn đề đang rất được quan tâm là việc xử lý chênh lệch giữa mức lương hưu của người nghỉ hưu trước và sau 1/1/2018 do quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá: Chúng ta đã đi qua 5/6 chặng đường của năm 2017, công tác chỉ đạo điều hành có nhiều đổi mới, quyết liệt và đã phát huy hiệu quả. Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Trong 10 tháng, có thể rút ra 8 điểm nổi bật:

1) Kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2017 tăng nhẹ so với tháng trước, chỉ 0,41%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân so với cùng kỳ năm trước tiếp tục xu hướng giảm, tính chung 10 tháng đầu năm chỉ tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội (dưới 4%).

2) Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ (9 tháng năm 2017 tăng 7,6%); tháng 10, khai khoáng tăng trưởng trở lại (tăng 2,1% trong khi đó tháng 9 giảm 6%) và 10 tháng chỉ còn giảm 7,4% (9 tháng năm 2017 giảm 8,1%); ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2% (cao hơn mức tăng 7,3% cùng kỳ năm 2016). Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao như: Bắc Ninh (32%), Hải Phòng (20%), Thái Nguyên (17,9%), Hải Dương (9,7%).

3) Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt kỷ lục mới, tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trên 28,2 tỷ USD, tăng 37,4%; vốn thực hiện đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%.

4) Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,69% so với tháng 12 năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 11,81%). Chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm, chỉ số VNIndex vượt mốc 840 điểm và được dự báo hướng tới mốc 900 điểm.

5) Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7%, gần gấp 3 lần mức tăng cùng kỳ 2016 (tăng 7,2%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh như rau quả tăng 42,7%, điện tử, máy tính tăng 38,8%, điện thoại tăng 28,8%, máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 28%, thủy sản tăng 18,7%... Xuất siêu đạt 1,23 tỷ USD.

6) Có trên 105.000 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt trên 1 triệu tỷ đồng (nếu tính cả doanh nghiệp tăng vốn bổ sung đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng).

7) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 10,7% (cùng kỳ tăng 9,3%).

8) Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 10,4 triệu lượt khách, tăng 28,1% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt, trực tiếp chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả. Một điều hết sức đáng mừng là ngày 31/10 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã công bố báo cáo về môi trường kinh doanh toàn cầu (Doing Business 2018), theo đó môi trường kinh doanh của Việt Nam có bước tiến vượt bậc, tăng 14 bậc từ 82 lên 68 (năm ngoái, Việt Nam tăng 9 bậc). Cũng theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam và Indonesia là hai nước có nhiều cải cách nhất trên thế giới trong 15 năm qua, mỗi nước có 39 cải cách.

Một tin rất đáng mừng khác là mới đây, tổ chức xếp hạng Moody’s cũng nâng đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực.

Trước đó, chúng ta nhớ là cuối tháng 9, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đã công bố năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, từ 60 lên 55 trong tổng số 137 nền kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại và khó khăn thách thức:

1) Trong tháng 10, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ và sạt lở đất đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho nhiều địa phương trong cả nước.

2) Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới chỉ đạt 72,5% kế hoạch năm (cùng kỳ đạt 78,6%).

3) Sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn (Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 4,1%; giải thể tăng 5,4%. Có nhiều khoản chi phí không chính thức và chi phí chính thức còn cao, nhất là vận tải, logistics…).

4) Còn một số vấn đề xã hội bức xúc (dịch sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa dập được dịch; an toàn thực phẩm, ngộ độc rượu; ngộ độc thực phẩm trong bữa ăn đông người...).

5) Ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp (phát hiện gần 15.000 vụ vi phạm về môi trường); còn nạn chặt phá rừng (ở Đắk Nông, Điện Biên, Lâm Đồng, Quảng Nam, Bình Định); đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt bằng mìn, điện...

6) Trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ (trên 3.400 vụ cháy nổ, gây thiệt hại trên 1,5 nghìn tỷ đồng).

noi dung hop bao chinh phu thuong ky thang 10

Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10/2017. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đánh giá chung lại, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm là tích cực, tạo cơ sở vững chắc phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm. Kết quả này sẽ tạo đà thuận lợi hơn để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trong các tháng còn lại và mục tiêu phát triển bền vững của năm 2018.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tập trung chỉ đạo sâu sát và chịu trách nhiệm; tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính.

Liên quan tới tình hình kinh tế-xã hội, trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán, Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Vừa qua có nhiều vụ việc nổi cộm trong vấn đề này như xăng A92 giả, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, tình trạng hàng hóa sản xuất ở nước ngoài gắn mác sản xuất tại Việt Nam và ngược lại hàng hóa sản xuất tại Việt Nam gắn mác nước ngoài để bán, gây tổn hại đến sản xuất trong nước.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tại phiên họp này, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tiếp tục đưa ra các giải pháp cắt giảm các loại phí, chi phí cho doanh nghiệp.

Tại phiên họp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo Chính phủ tình hình triển khai thực hiện các kênh đối thoại, tiếp nhận và xử lý thông tin kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ; tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 10 tháng và kết quả kiểm tra của Tổ Công tác tháng 10/2017.

Cụ thể, cho tới nay, Tổ công tác đã tiếp nhận được tổng số 4.667 phản ánh kiến nghị của người dân và 1.094 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. VPCP đã tiến hành phân loại và chuyển các phản ánh, kiến nghị đến các bộ, ngành, địa phương để xử lý, nếu người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng thì VPCP tiếp tục mời các bộ, ngành đối thoại để giải quyết triệt để.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng trong tháng 10, từ đầu năm tới cuối tháng 10, có tổng số 16.085 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 9.695 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn: 8.243, quá hạn: 1.452); 6.390 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn: 6.108, quá hạn: 282 - chiếm 2,8%, giảm 0,4% so với tháng trước).

Hoạt động kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng đã đạt kết quả rất tích cực, tạo chuyển biến cho cơ quan được kiểm tra và có tác động lan tỏa. Các Bộ NN&PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường… đều đưa ra các phương án bãi bỏ, rút gọn nhiều điều kiện kinh doanh; đề xuất Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành…

Tổ công tác của Thủ tướng đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng hàng loạt vấn đề và đã được Chính phủ, Thủ tướng chấp nhận. Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương nghiêm túc triển khai các đề xuất, kiến nghị của Tổ công tác, qua đó bảo đảm loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan so với hiện nay. Tổ công tác tiếp tục thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Các nội dung trả lời báo chí tại Họp báo:

-Phóng viên Nghĩa Nhân (báo Pháp luật TPHCM): Hôm nay, theo chương trình Quốc hội, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo quy chế, chính sách thí điểm cho TPHCM. Đây là việc TPHCM đang rất mong chờ. Tuy nhiên sau đấy lùi lại, hiện tại thì chưa rõ sẽ thực hiện lúc nào. Trong chương trình họp Chính phủ hôm nay, có thảo luận về vấn đề này. Việc lùi này có phải do Chính phủ chưa bố trí được thời gian cho ý kiến không? Và liệu hôm nay trong chương trình làm việc của phiên họp Chính phủ có thảo luận thì có kịp trình Quốc hội thảo luận việc này không? Những nét chính về cơ chế, chính sách của Dự thảo này như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Hôm nay, Chính phủ dành thời gian thảo luận đề xuất của Chính phủ trên cơ sở đề xuất của TPHCM sau khi Thành phố đã có làm việc với các bộ về cơ chế, chính sách thí điểm để phát triển TPHCM. Chính phủ sẽ tham mưu cho Bộ Chính trị, trình Dự thảo lên Quốc hội, dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14.

Đây là một Nghị quyết được dư luận cả nước rất quan tâm, ban hành Nghị quyết này rất cần thiết với TPHCM là đầu tàu kinh tế có vị trí cực kỳ quan trọng, đóng góp GDP khoảng từ 27-28% GDP của cả nước, đóng góp Ngân sách chung của cả nước từ 25-26%.

Với một đầu tàu như thế cần có cơ chế thí điểm cho Thành phố về 4 vấn đề: Cơ chế quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai; cơ chế quản lý về đầu tư; cơ chế quản lý về tài chính-ngân sách Nhà nước; cơ chế ủy quyền, về thu nhập cán bộ công nhân viên chức thuộc quyền quản lý của Thành phố. Đây là những nội dung rất lớn.

Quan điểm tại sao đặt vấn đề thí điểm? Đó là những nội dung đã có văn bản phạm pháp luật ban hành, ngay cả luật, pháp lệnh, nhưng trong thực tiễn có thể chưa phù hợp, nên chúng ta phải thống nhất với nhau có cơ chế thí điểm đột phá, đổi mới, hiệu quả.

Thứ hai, trong thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội rất cần nhưng chưa có quy định để điều chỉnh thì chúng ta cần thí điểm.

Trên cơ sở nguyên tắc như vậy, hôm nay Chính phủ có thảo luận với TPHCM là đầu tàu như thế cần có cơ chế thí điểm, kể cả vấn đề phân quyền, phân cấp. Đặc biệt là thẩm quyền của chính quyền Thành phố, những nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, những nội dung thuộc thẩm quyền các bộ thì hôm nay Chính phủ cũng bàn rất rõ, với nguyên tắc thí điểm theo phương châm tạo cho Thành phố tính chủ động để giải quyết các công việc điều hành của Thành phố thay vì phải báo cáo các bộ, báo cáo Thủ tướng. Với đầu tàu kinh tế như thế, với sự năng động đổi mới sáng tạo của Thành phố thì cơ chế đó sẽ phù hợp, tạo điều kiện cho Thành phố phát triển nhanh, linh hoạt khi được phân cấp, phân quyền. Trên cơ sở đó, Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện để trình tại kỳ họp Quốc hội khóa 14. Đây là một nội dung được nêu trong chương trình nghị sự của Quốc hội.

-PV Văn Hùng (báo Nông nghiệp Việt Nam): Về kết quả xử lý sau thanh tra đối với ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, xin hỏi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, với tư cách Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, ông có bình luận gì về vấn đề này?

Hiện nay một số chủ tàu được hỗ trợ theo Nghị định 67 đang gặp khó khăn trong khai thác và rơi vào tình trạng nợ xấu. Một số chủ tàu mong muốn được chuyển nhượng nhưng Nghị định 67 không cho phép. Thưa Bộ trưởng, nên chăng các bộ, ngành cần thống nhất phương án cho phép các chủ tàu đóng theo Nghị định 67 được phép chuyển nhượng để bảo đảm thu hồi công nợ?

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam: Về vấn đề xử lý những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ liên quan đến kết luận thanh tra tài sản của ông Phạm Sỹ Quý đã được báo chí thông tin. Chúng tôi ghi nhận bước đầu UBND tỉnh Yên Bái đã khẩn trương tổ chức thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình. Về tiến độ xử lý thì UBND tỉnh Yên Bái phải báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/11/2017. Trên cơ sở báo cáo của tỉnh Yên Bái chúng tôi sẽ kiểm tra, đánh giá cụ thể.

Không chỉ riêng vụ việc Yên Bái mà Luật Phòng chống tham nhũng và các luật điều chỉnh liên quan đến nguồn gốc tài sản của công dân, cá nhân trong đó có cán bộ, công chức sẽ là một trong những vấn đề được trình Quốc hội để hoàn thiện Luật Phòng chống Tham nhũng và các luật khác có liên quan.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn: Nghị định 67 là chủ trương ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với những người trực tiếp đánh bắt xa bờ. Do vậy nó liên quan đến những cam kết tín dụng khi làm thủ vay cũng như hưởng các chính sách hỗ trợ nhà nước. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp các bộ ngành xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ để sửa đội Nghị định 67. Tôi xin tiếp thu ý kiến của Báo Nông nghiệp Việt Nam như một phản ánh trực tiếp để cùng các bộ, ngành xem xét kỹ lưỡng trong quá trình xem xét sửa đổi Nghị định 67.

-PV báo Đầu tư Chứng khoán: Theo báo cáo của Ban Đổi mới phát triển doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm nay mới cổ phần hoá được 20/44 doanh nghiệp nằm trong danh mục doanh nghiệp phải cổ phần hoá từ nay đến 2020. Theo đánh giá của Chính phủ, tiến độ như vậy là rất chậm. Tôi muốn hỏi từ nay đến cuối năm, Chính phủ có giải pháp nào thúc đẩy tiến độ không?

Tôi cũng muốn hỏi Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Tập đoàn Cao su sẽ cổ phần vào cuối năm nay, như vậy liệu có kịp tiến độ không?

Cũng liên quan đến vấn đề cổ phần hoá, Ban Đổi mới phát triển doanh nghiệp công bố danh mục hơn 700 doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng không lên sàn chứng khoán và đã nhiều lần đôn đốc nhưng đến thời điểm này vẫn không có doanh nghiệp bị xử phạt mặc dù đã có chế tài. Vậy làm thế nào để thúc đẩy số doanh nghiệp này lên sàn trong thời gian tới?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn: Tập đoàn Công nghiệp Cao su được Thủ tướng Chính phủ quyết định tiến hành cổ phần hoá nhưng Nhà nước vẫn nắm cổ phần chính và tiến độ phải hoàn thành trong năm 2017.

Tuy nhiên, Tập đoàn Công nghiệp Cao su là tập đoàn rất lớn. Thứ nhất là vốn rất lớn, thứ hai là quản lý một diện tích đất đai rất lớn – hàng trăm nghìn ha. Chúng ta đang xem xét, cân nhắc bảo đảm việc cổ phẩn hoá nhưng tránh những hệ luỵ phức tạp khác từ đất đai. Thứ ba, đây là tập đoàn có số lượng lao động rất lớn, hơn 130.000 lao động. Việc giải quyết chính xác, nhất là những lao động nhận khoán được hưởng đầy đủ các quyền do pháp luật quy định, là vấn đề phải làm rất kỹ. Do vậy, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng, với Phó Thủ tướng và Chính phủ đã tổ chức một số cuộc họp với các bộ, ngành để nghe Tập đoàn Công nghiệp Cao su báo cáo về việc này.

Phó Thủ tướng đã chỉ đạo ngoài việc làm chặt chẽ thì phải thực hiện kiểm toán tài chính. Do vậy, đúng là hiện nay lộ trình bị kéo dài một vài tháng. Gần đây, sau khi xem xét và lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ NN&PTNT trong tháng 9 đã quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp để đưa ra cổ phần hoá và cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần.

Theo tinh thần chung, ý kiến của các bộ, ngành được tập hợp để báo cáo Thủ tướng thì Tập đoàn này sẽ tiến hành các bước còn lại để cổ phần hoá sớm nhất. Trong đó, việc cổ phần có được hoàn thành trong năm 2017 hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là số vốn lớn như vậy có người mua hết hay không. Do vậy, bán lần thứ nhất không hết thì pháp luật quy định phải bán hai lần tiếp theo.

Mong muốn của Bộ, của các cơ quan Chính phủ là muốn bán một lần, nhưng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng sẽ thực hiện được từ nay đến quý I/2018.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương: Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện Đề án tổng thể cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020, Chính phủ đã ban hành các quyết định tạo cơ sở pháp lý, các cơ chế chính sách, lộ trình rõ ràng, minh bạch trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, quá trình cổ phần hoá, thoái vốn tại các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế tiến độ cổ phần hoá hiện nay còn chậm so với yêu cầu của Chính phủ đề ra. Doanh nghiệp nhà nước thì còn chưa thực chất, chưa nâng cao được hiệu quả hoạt động. Số doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn giảm nhưng tỉ lệ sở hữu vốn của nhà nước trong số những doanh nghiệp cổ phần hoá còn cao.

Chính vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ, ngành đang quản lý nhiều doanh nghiệp vốn nhà nước đang chiếm 100% hoặc đa số cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá này.

Tuy nhiên, để thực hiện được việc cổ phần hoá này cần phải lưu ý đến những việc cần phải làm, đặc biệt là vấn đề định giá, đánh giá tài sản của các doanh nghiệp nhà nước. Vì nếu chúng ta không có những căn cứ vững chắc, pháp lý rõ ràng để đánh giá, định giá sẽ gây ra vấn đề là đánh giá thấp giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá. Điều này sẽ gây thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước.

Chính vì vậy, một mặt chúng ta phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá, nhưng trong quá trình làm phải hết sức minh bạch, rõ ràng, không để xảy ra thất thoát tài sản của Nhà nước trong quá trình cổ phần hoá.

-PV Vũ Hân (báo CAND): Trong kỳ điều hành vừa qua, Bộ Tài chính có trễ 1 tháng không công bố thuế bình quân gia quyền so với thông thường. Xin hỏi Thứ trưởng Vũ Thị Mai, lý do vì đâu? Thứ trưởng lý giải tại sao thị trường mà chúng ta nhập khẩu, thuế thấp nhất 10% là từ Hàn Quốc nhưng thuế bình quân gia quyền tính giá như quý vừa rồi là 8,56 %. DN kêu nếu như thế thì họ bị lỗ vì nhập 1 thuế khác nhưng tính giá lại là thuế khác. Như vậy có thể dẫn đến việc đứt nguồn cung hay không?

Liên quan đến cơ chế xử lý đối với Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủ tướng có yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo hướng xử lý vào đầu tháng 10. Xin phép hỏi Bộ đã đề xuất phương án thế nào?

Đồng thời, tôi xin hỏi tiến độ của việc báo cáo Bộ Chính trị về dự án Thép Thạch Khê?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Đối với thuế bình quân gia quyền để tính giá cơ sở, trước đây chúng ta tính theo thuế nhập khẩu bình quân theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN). Tuy nhiên, khi Việt Nam tham gia hội nhập, trong các biểu thuế đặc biệt ưu đãi, có thuế xuất nhập khẩu với xăng dầu thấp hơn. Cụ thể, thuế xuất nhập khẩu đối với xăng dầu từ Hàn Quốc là 10%, ASEAN là 20%, MFN là 20%, một số nước khác thì theo lộ trình giảm dần. Bộ đã báo cáo Thủ tướng và được Thủ tướng đồng ý là để bảo đảm cân bằng lợi ích của người tiêu dùng, DN thì công thức tính giá cơ sở tính theo thuế nhập khẩu bình quân gia quyền.

Trong kỳ điều hành vừa qua, Bộ Tài chính đề nghị tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền, nhưng tính thêm lượng xăng dầu sản xuất trong nước, cụ thể là của Nhà máy Dung Quất (với thuế suất 0%) bởi trong nước không phải nộp thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu như chúng ta không tính thuế bình quân gia quyền của Dung Quất thì thuế bình quân sẽ cao hơn, như thế giá cơ sở sẽ cao hơn, người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt hại, tức phải trả giá cao hơn đối với xăng dầu. Trong khi DN kinh doanh xăng dầu trong nước có thể được lợi hơn. Trong khi đó, Dung Quất tham gia thị trường gần 40%, cụ thể trong quý này là 47% thị phần xăng dầu. Bộ đã báo cáo và được Thủ tướng đồng ý thuế nhập khẩu bình quân gia quyền thì tính thêm lượng xăng dầu của Dung Quất, như thế thì sẽ có lợi hơn cho người tiêu dùng, giá bán xăng dầu sẽ giảm hơn, người tiêu dùng hưởng lợi hơn.

Tuy nhiên, có một số ý kiến nêu trên báo chí, kỳ điều hành vừa qua, thuế bình quân gia quyền là 8,56%, thấp hơn mức thấp nhất nhập khẩu từ Hàn Quốc thì liệu có đứt nguồn cung hay không? Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương. Trong trường hợp có ảnh hưởng tới dự trữ xăng dầu, có thể tác động tới nguồn cung, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án rất lớn, vốn đầu tư nước ngoài cao, có tầm quan trọng. Chính vì vậy, từ tháng 4/2008, dự án này đã được cấp giấy phép đầu tư. Tới ngày 25/1/2013, Chính phủ Việt Nam đã cấp giấy bảo lãnh của Chính phủ cho dự án này. Việc bảo lãnh có 2 nội dung là ưu đãi về thuế và bao tiêu sản phẩm khi dự án đi vào sản xuất. Từ ngày 25/1/2013, dự án chính thức đi vào hoạt động. Đây là dự án có vốn đầu tư lớn, có tầm quan trọng rất cao, nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, từ cấp cao nhất, đặc biệt là từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, Việt Nam là nước được đánh giá đi đầu trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta đã ký, đàm phán và nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước đã có hiệu lực. Như Thứ trưởng Bộ Tài chính có nói, nhiều nước có mức thuế khác nhau, vì vậy phát sinh dự án này được bảo lãnh của Chính phủ nhưng khi so với các dự án khác có những cái so sánh có thể cao hơn hay thấp hơn. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao các bộ ngành tìm phương án hợp lý nhất trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi đã hoàn thành phương án, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ và ngày 27/10/2017, Ban Cán sự Đảng của Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Bộ Chính trị. Hiện đang chờ ý kiến Bộ Chính trị quyết đáp về phương án xử lý thế nào.

Về Dự án Thép Thạch Khê, tháng trước họp đã có ý kiến của phóng viên. Tôi xin nói lại đây là dự án kéo dài rất lâu rồi, cũng đã được các cấp, ngành cấp tạo điều kiện thực hiện các dự án. Các DN đã đầu tư khoảng gần 2.000 tỷ VND. Tuy nhiên, sau đó có sự lo ngại, quan ngại của Hà Tĩnh và một số nhà khoa học, chuyên gia mặc dù Dự án này đã có sự vào cuộc, giám định và có ý kiến của các cơ quan có chuyên môn theo chức năng, kể cả tư vấn trong và ngoài nước. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ về quan điểm từ phía Bộ Công Thương. Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu một số bộ, ngành khác, kể cả các cơ quan có chức năng, chuyên môn có ý kiến về việc này. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có ý kiến chính thức về việc này.

-Phóng viên Vietnamnet: Mới đây đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị hợp nhất một số bộ có nhiệm vụ chức năng tương đồng. Nghị quyết Trung ương 6 cũng đã có chủ trương sắp xếp lại một số ngành có nhiệm vụ chức năng tương đồng. Xin hỏi quan điểm của Chính phủ về vấn đề này thế nào và những bộ, ngành nào có nhiệm vụ chức năng tương đồng?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường: Bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng của chúng tôi đã nói cụ thể rồi. Tôi xin nói ngắn gọn: Nghị quyết 18 ngày 25/10, Hội nghị Trung ương 6 về một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nêu rõ việc thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ, có nhắc đến các ngành: Giao thông, tài chính, kế hoạch và đầu tư, tôn giáo, dân tộc...

Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao trong thời gian tới làm chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương này.

Bộ Nội vụ cũng căn cứ Nghị quyết có những nội dung làm ngay, có những nội dung cần nghiên cứu định hướng làm thí điểm, có nội dung chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII để triển khai trong thời gian tới.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast