Tiếp tục cụ thể hóa đường lối đối ngoại góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới

(Baohatinh.vn) - Hoạt động đối ngoại của Hà Tĩnh trong năm 2022 diễn ra tích cực, chủ động, đạt nhiều điểm nổi bật; tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh...

Tiếp tục cụ thể hóa đường lối đối ngoại góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì hội nghị. ẢnhTTXVN

Sáng 10/1, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết ngành ngoại giao năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Phúc Sơn chủ trì hội nghị.

Tiếp tục cụ thể hóa đường lối đối ngoại góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Phúc Sơn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Tình hình quốc tế năm 2022 tiếp tục trải qua những biến động lớn, có những diễn biến nhanh, phức tạp và ngoài dự báo thông thường. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đúng đắn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ngành ngoại giao đã triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, đạt kết quả toàn diện và quan trọng, đóng góp lớn vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo đó, hoạt động đối ngoại các cấp, đặc biệt là hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tạo xung lực mới, làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và đối tác có nhiều tiềm năng. Trong năm 2022, đã có gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt cả trực tiếp và trực tuyến; trong đó có 14 đoàn ra và 19 đoàn vào; nhiều văn kiện, thỏa thuận hợp tác cụ thể, thực chất được ký kết nhân các dịp này.

Tiếp tục cụ thể hóa đường lối đối ngoại góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị. ẢnhTTXVN

Ngành ngoại giao tiếp tục cùng các ngành liên quan củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, tạo thuận lợi cho giao lưu kinh tế - xã hội; đồng thời, kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán, trong đó đã đạt những bước tiến quan trọng về phân định, giải quyết một số vấn đề biên giới lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam đã phát huy vai trò, đóng góp tích cực và có trách nhiệm tại các cơ chế, diễn đàn đa phương quan trọng, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Công.

Năm 2022, Việt Nam được quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều tổ chức quốc tế quan trọng như: Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022-2026…

Tiếp tục cụ thể hóa đường lối đối ngoại góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới

Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh theo dõi hội nghị.

Ngành ngoại giao nỗ lực phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương chủ động đẩy mạnh nội dung kinh tế trong các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tranh thủ hiệu quả các liên kết, thỏa thuận kinh tế để mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác. Kết quả của công tác ngoại giao kinh tế đã góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước ta, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút được nhiều nguồn lực bên ngoài phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước.

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, tích cực chăm lo cho kiều bào ta ổn định và phát triển.

Tiếp tục cụ thể hóa đường lối đối ngoại góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh TTXVN

Về các nhiệm vụ trong năm 2023, ngành ngoại giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại. Trọng tâm là xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế, giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế; xây dựng đoàn kết, đồng thuận trong triển khai đối ngoại dưới sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước; tăng cường nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ trong ngành ngoại giao…

Hoạt động đối ngoại của tỉnh Hà Tĩnh trong năm 2022 diễn ra tích cực, chủ động, thích ứng năng động, đạt nhiều điểm nổi bật; tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh. Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc với đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; tham gia các diễn đàn quốc tế do Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài; tích cực thúc đẩy các hoạt động toàn diện trong khuôn khổ hợp tác với các thành viên của Hiệp hội các tỉnh 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan có sử dụng đường 8, đường 12 và các tỉnh, các nước trong hành lang kinh tế Đông - Tây, tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; chủ động thiết lập quan hệ với các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán các nước tại Việt Nam…

Tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận, gợi mở những phương hướng, giải pháp cụ thể, thiết thực về cơ chế, chính sách để thực hiện công tác ngoại giao phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả nổi bật của hoạt động đối ngoại trong năm 2022, qua đó, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần tiếp tục cụ thể hóa đường lối đối ngoại chung làm căn cứ để góp phần xây dựng, phát triển kinh tế trong thời kỳ mới; nắm chắc diễn biến tình hình, đánh giá đúng bản chất các vấn đề, tham mưu cho Đảng, Nhà nước các đường lối, chính sách đối ngoại phù hợp với từng đối tác, đối tượng trong những bối cảnh, giai đoạn khác nhau.

Tiếp tục cụ thể hóa đường lối đối ngoại góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh TTXVN

Đồng thời, Bộ Ngoại giao tăng cường nghiên cứu, đánh giá, tổ chức hội nghị tổng kết để rút ra bài học, tầm nhìn chiến lược giúp Đảng, Nhà nước luôn giữ thế chủ động trước diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình thế giới; xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế, giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế.

Các đại sự quán của Việt Nam ở nước ngoài tăng cường giới thiệu về đất nước, văn hóa, con người của Việt Nam, trọng tâm là nêu bật những thành tự phát triển kinh tế - xã hội, đường lối đối ngoại “Việt Nam là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương để thực hiện tốt công tác ngoại giao đa phương, đảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, tôn trọng luật pháp quốc tế đồng thời linh hoạt, đổi mới, sáng tạo trong sách lược, thích ứng với tình hình mới.

Cán bộ hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao cần phải thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nâng cao hiểu biết nhằm đáp ứng được yêu cầu của công tác đối ngoại trong thời kỳ mới; tăng cường công tác truyền thông đối ngoại để bạn bè quốc tế thêm hiểu biết về văn hóa, lịch sử, con người đất nước Việt Nam, đấu tranh hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast