Trần Đăng Khoa: Chúng ta có quá nhiều tiến sĩ giấy, thạc sĩ giấy

Nếu cứ chạy theo hình thức, hoặc tuyển người theo kiểu mua danh bán chức thì việc đưa đất nước lên đỉnh cao chỉ có được ở trong mơ.

PV: Thưa ông Trần Đăng Khoa! Có một vấn đề mà ông rất quan tâm. Đó là giáo dục và đào tạo. Nếu tôi nhớ không nhầm thì ông viết rất nhiều bài báo về lĩnh vực này. Nếu bây giờ tập hợp lại chắc sẽ được một cuốn sách dày chừng 500 trang. Gần đây báo Tuổi Trẻ có đưa một thông tin rất đắng đót “Về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân, nhất là lao động trẻ, có một thực tế đáng buồn khi ngành lao động đi khảo sát:

Có em tốt nghiệp trường cao đẳng ra không tìm được việc làm phù hợp phải đi phục vụ ở quán cà phê hay có cử nhân đại học làm ở quán massage. Đây là thực tế có thật khi nhiều em không tìm được việc làm theo ngành nghề được đào tạo”. Ấy là chưa kể có rất nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ còn không kiếm được việc làm, phải đi xuất khẩu lao động. Chúng ta đang chảy máu chất xám rất nghiêm trọng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Trần Đăng Khoa: Tôi nghĩ chúng ta không nên quan trọng hoá vấn đề. Việc bưng bê phục vụ trong các nhà hàng là rất bình thường. Ở các nước trên thế giới, đến Thủ tướng còn đi xe buýt tới công sở. Ngay từ năm 1979, tôi có dịp qua Bungari, nhà thơ nổi tiếng thế giới Blaga Đimitrova, (sau này bà còn là Phó Tổng thống) tiếp tôi trong một quán ăn bình dị.

tran dang khoa chung ta co qua nhieu tien si giay thac si giay

Ảnh minh họa: KT

Một ông bồi bàn comle cà vạt rất lịch sự bê thức ăn đến cho chúng tôi. Qua Blaga, tôi biết ông ấy là Bộ trưởng Bộ Văn hoá, không phải Bộ trưởng về hưu, mà Bộ trường đương kim. Ngày chủ nhật nghỉ, ông ấy làm bồi bàn. Rất vui vẻ. Ông ấy còn tỏ ra vô cùng hãnh diện được làm người phục vụ. Đặc biệt, ông ấy còn cúi rạp đầu xuống để cảm ơn khi khách hàng bo cho một nê va hay mấy xu lẻ. Ở các nước khác họ thế đấy. Còn ở nước mình làm quan rồi thì cứ tưởng mình là vua, nên không xuống làm dân được nữa.

Nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, thậm chí cả cử nhân không phải vua, nhưng nhiều người cũng cứ tưởng mình là vua, nên đi bưng bê nhà hàng, hay đi xuất khẩu, nói theo ngôn ngữ bình dân là làm cu li cho nước ngoài thì lại ca thán là nước mình đang chảy máu chất xám nghiêm trọng. Rằng Nhà nước không biết trọng dụng nhân tài.

Làm bất cứ nghề gì mà có được đồng tiền chân chính cũng đều quý cả. Nhưng điều chúng ta cũng cần bàn cho rành mạch là người có đỗ đạt mà đi làm lao động chân tay có phải là “chảy máu chất xám” không? Có phải Tiến sĩ nào, Thạc sĩ nào, Cử nhân nào, thậm chí đến cả Giáo sư Tiến sĩ nữa cũng đều là “chất xám” cả không? Tôi có thể cay đắng mà nói với bà rằng, chất lượng đào tạo của chúng ta rất kém.

Tôi cũng từng là quản lý, làm giám đốc ở một kênh truyền hình, đã từng tuyển quân, đã nhận các cháu đến thử việc. Nhiều cháu có bằng đỏ, điểm học rất cao, nhưng không phải cháu nào cũng làm được việc. Thậm chí có cháu còn không biết gì. Viết một câu cũng không gãy gọn.

Các cháu đến thử việc ở chỗ tôi, tôi chỉ thấy học sinh tốt nghiệp ở ba trường là biết việc, có cháu rất thạo việc, thạo chứ chưa phải đã giỏi, đó là Học viện Báo chí và Truyên truyền, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh và trường Đại học Sư phạm. Sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm vững hơn. Cả viết và nói. Có cháu dẫn chương trình rất hoạt. Nhưng tôi lại không nhận được. Vì các cháu học Sư phạm.

Trong quy chế, chỉ nhận người có bằng ở trường Báo chí, trường Sân khấu - Điện ảnh và Đại học KHXV và Nhân văn. Quy định thế, đành chịu. Tôi rất tiếc mà không làm khác được. Sau này theo dõi, thấy các cháu giỏi mà bị loại ấy cũng không phải thất nghiệp. Các cháu đều làm cho các công ty nước ngoài. Lương cao hơn. Đời sống cũng dễ chịu hơn. Có cháu khoe: “Chúng cháu rất hạnh phúc vì được là chính mình. Không phải e dè, cũng không phải khôn khéo, giữ kẽ, lấy lòng từ các anh chị tổ trưởng, trưởng phòng trở lên. Tết cũng không phải thăm hỏi quà cáp”.

Các cơ quan nhà nước thường cứng nhắc lại cứ phải chiều như thế. Nhiều cháu vào làm, phải đào tạo lại, mà phải mất mấy năm mới làm được việc. Mà cũng chỉ tầm tầm. Không xuất sắc. Các cơ quan báo chí khác cũng thế. Không phải phóng viên nào cũng thạo việc. Tôi nói thạo việc chứ chưa phải là giỏi. Giỏi hiếm lắm.

Vì thế, tôi rất ngại trả lời phỏng vấn các báo. Không phải mình trốn tránh. Mà mình rất ngại phải ngồi viết lại những điều mình đã nói với phóng viên, khi xem lại bài phỏng vấn. Có cháu, tôi phải bảo, chú không có thời gian đọc lại, nên nói rất chậm để cháu ghi. Thế mà khi đọc lại trên báo, mình vẫn ngượng vì câu cú rất lộn xộn. Ý nọ xọ ý kia. Một tư duy không mạch lạc. Nếu không nói là đầu óc không bình thường. Bài đưa in mà không xem lại thì nguy vô cùng.

Những cháu có bằng Giỏi hay Thạc sĩ mà viết còn như thế thì tất sẽ phải đi bưng bê thôi. Bây giờ vào đâu người ta cũng phải thử việc cả. Không làm được đúng nghề đào tạo thì phải làm nghề khác. …

PV: Nhưng chúng ta cũng rất mừng là chúng ta có rất nhiều người có trình độ cao…

Trần Đăng Khoa: Điều ấy cũng chẳng nói được điều gì cả. Nếu không có thực chất. Hiện nay, chúng ta có quá nhiều Tiến sĩ giấy, Thạc sĩ giấy, Cử nhân giấy. Điều sai lầm này bắt đầu từ quan niệm phải phải phổ cập Tiến sĩ. Thế là Tiến sĩ xuất hiện ùn ùn.

Theo con số thống kê của Bộ Khoa học – Công nghệ, hiện nay cả nước có 24.300 Tiến sĩ và hơn 101.000 Thạc sĩ. Ấy là con số thống kê năm 2006. Bây giờ sau mười năm, chắc con số còn lớn hơn rất nhiều. Với con số học giả lớn như thế nhưng hàng năm số lượng các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng trên thế giới thì chỉ đếm không hết trên 5 đầu ngón tay, còn thấp hơn các nước trong khu vực, thậm chí còn ít hơn số lượng các bài báo khoa học của một trường đại học ở Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Theo ông Nguyễn Khắc Hùng, nguyên chuyên viên đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc gia, thì hiện nay, số người có trình độ Tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản. Nhưng chỉ tính riêng trong ngành công nghiệp, Việt Nam vẫn chưa tự sản xuất ra được một cái đinh ốc. Đến cái kim vẫn chưa làm ra được, phải nhập của nước ngoài. Các lĩnh vực khác cũng thế.

Trong khi hàng ngày, chúng ta vẫn có hàng ngàn sáng chế. Có người làm ra cả máy nông cụ 5 trong 1, rồi rất nhiều máy móc công cụ khác giúp bà con nông dân sản xuất đỡ vất vả, cực nhọc. Có điều tất cả những nhà sáng chế đó, không có ai là Tiến sĩ, Thạc sĩ, hay GS. Tiến sĩ, mà chỉ là những nông dân thất học, có người chỉ lớp 5, lớp 7. Nghĩa là họ còn chưa có cả bằng tốt nghiệp phổ thông. Thế thì chúng ta đào tạo ra quá nhiều Tiến sĩ, Thạc sĩ để làm gì?

Gần đây, có tỉnh còn công bố chiến lược cán bộ công chức với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền có trình độ tiến sĩ. Bây giờ, ông cán bộ nào đưa danh thiếp cũng thấy có chức danh Tiến sĩ. Và Tiến sĩ, theo nghĩa thông thường thì đó là nhà khoa học. Và đã là nhà khoa học thì phải có những phát minh.

Còn ở ta, Tiến sĩ cho dù có đang làm việc gì đi nữa, thì công tác nghiên cứu khoa học đối với họ chắc chắn không phải là việc trọng yếu. Bởi, hiện nay, Việt Nam được xếp vào nước có nhiều Tiến sĩ nhất trong khu vực nhưng nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á.

Chúng ta vẫn thiếu các công trình khoa học có tầm cỡ khu vực và ít các sáng chế. Theo PGS-TS Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho biết: “Số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 ĐH hàng đầu thế giới".

PV: Tại sao lại có hiện trạng đáng buồn như vậy?

Trần Đăng Khoa: Vì chúng ta quá trọng hình thức mà không đi vào thực chất. Ngày xưa, để xây dựng bộ máy nhà nước Phong kiến, các bậc Vua chúa thường tuyển chọn người tài bằng các cuộc thi. Đề thi do Vua ra. Bài làm của các thí sinh đều luận bàn những vấn đề lớn, ở tầm Quốc gia. Rồi căn cứ kết quả của cuộc thi mà chọn ra những Ông Trạng, Ông Nghè, rồi tùy theo tài năng của từng người mà bổ nhiệm các chức sắc.

Bây giờ, giá như chúng ta cũng tuyển chọn những người tài để bổ nhiệm chức vụ cán bộ bằng các cuộc thi như thế. Đề thi cũng là những vấn đề vĩ mô ở tầm Quốc gia. Ví như làm thế nào để chống được tham những. Giải pháp xóa ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông. Những kế sách chấn hưng đất nước. Bảo vệ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Giải quyết những vấn đề phức tạp ở Biển Đông. Rồi đối nội, đối ngoại…Bằng cách làm cổ xưa như trái đất ấy, biết đâu, chúng ta sẽ tìm được rất nhiều người tài vẫn còn lẩn khuất ở trong dân.

PV: Thì chúng ta cũng đã thi công chức đó thôi.

Trần Đăng Khoa: Có thi. Và tôi cũng đã viết bài ca tụng. Nhưng rồi sau mới biết có nơi thi cũng chỉ là hình thức hợp thức hoá việc tuyển chọn đã được định sẵn. Vì thế chất lượng cán bộ vẫn không cao. Bây giờ ở tỉnh nào cũng có đài truyền hình. Nếu muốn chọn được người tài thực chất thì hãy công khai hoá các cuộc thi tuyển công chức trên các kênh truyền hình trực tiếp để dân giám sát, rồi dân sẽ ra tình huống cho các thí sinh xử lý. Có thế mới biết được chính xác người được tuyển chọn thực chất là như thế nào.

Còn nếu cứ chạy theo hình thức, hoặc tuyển người theo kiểu mua danh bán chức vì một lợi ích cỏn con, lợi ích cá nhân của một người hay một nhóm người, thì đất nước không thể khá lên được, cũng không thể thoát được đói nghèo. Việc đưa đất nước lên đỉnh cao chỉ có được ở trong mơ…

Theo Song Yến/VOV

Chủ đề Cải cách hành chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast