Viêng Chăn ấm vòng tay bè bạn

(Baohatinh.vn) - Trong số các bài hát về đất nước Lào, tôi thích nhất bài hát “Hà Nội - Viêng Chăn”. Bài hát mở đầu bằng câu: “Hà Nội - Viêng chăn, hau hắc pheng căn, hau xả mắc khi” (nghĩa là: Hà Nội - Viêng chăn - ta yêu thương nhau, ta đoàn kết”. Lần này trở lại Viêng chăn, tôi càng thấm thía hơn câu ca ấy.

Vừa bên ni Trường Sơn nắng nồng gay gắt, vượt đỉnh Keo Nưa, chúng tôi đã gặp ngay cái se lạnh vào mùa mưa rất đặc trưng của nước bạn Lào. Những cơn mưa về chiều và đêm đã làm ẩm ướt những cánh rừng, những khu vườn, trang trại. Hai bên quốc lộ 13 dẫn tới Thủ đô Viêng Chăn, cảnh vật không thay đổi nhiều.

Viêng Chăn ấm vòng tay bè bạn

Toàn cảnh cửa khẩu Cầu Treo. Ảnh: Hương Thành

Chở chúng tôi đi thăm một vòng toàn TP Viêng Chăn, Thượng tá Sythat Thavong, nguyên Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Bộ Công an Lào giới thiệu về những con phố, những tòa nhà, những cửa hàng cửa hiệu, khu du lịch bắt đầu phục hồi sau khi dịch COVID-19 bị đẩy lùi.

Thatluang, Patuxay (tượng đài chiến thắng) bảo tàng quân đội, bảo tàng Cay-xỏn Phôm-vi-­hản, tòa nhà Chính phủ… vẫn thâm nghiêm, đường bệ ở trung tâm thành phố. Tòa nhà Quốc hội Lào - quà tặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam; Tàlạt xao (chợ sáng) vừa xây lại đã đi vào hoạt động. Hai bên bờ sông Mê Kông ở vùng ngoại ô, nhiều khu du lịch với phong cách hiện đại đã đón bước chân du khách…

Viêng Chăn ấm vòng tay bè bạn

Khu du lịch River Moon bên bờ sông Mê Kông nhộn nhịp trở lại sau khi Lào mở cửa du lịch.

Sythat có thể coi như một người Việt Nam “chính hiệu” bởi từ ngôn ngữ, phong tục tập quán đến món ăn… của Việt Nam anh đều rành rẽ, y như mọi thứ đã ngấm vào máu thịt. Thậm chí, anh còn hiểu về chính trị, văn hóa, đời sống xã hội hơn một số người Việt khác. Anh yêu thích dân ca Việt Nam, nhất là quan họ Bắc Ninh. Khi nào nhớ Việt Nam, anh lại mở bài hát Việt ra nghe. Anh quan tâm đến chính trị, nhất là cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam. Nhiều lần anh gật gù: “Bác Trọng (ý nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) chống tham nhũng quyết liệt thế là rất hay. Từ tình yêu của mình với đất nước và con người Việt Nam, anh đã nhanh chóng trở thành bạn thân của chúng tôi hơn chục năm qua.

Viêng Chăn ấm vòng tay bè bạn

Ông Sythat (ngoài cùng bên trái), bà Khăm Bua (thứ 2 từ phải sang).

Sythat sinh năm 1959 ở Xiêng Khoảng. Năm 8 tuổi, anh được Chính phủ Lào cử sang Việt Nam học phổ thông theo chính sách của Việt Nam hỗ trợ đào tạo 800 con em Lào để sau này về phục vụ đất nước. Anh được học ở Trường phổ thông miền núi số 4 tại Thọ Xuân - Thanh Hóa. Lúc sang, anh chưa được học chữ nên bắt đầu học vỡ lòng với bảng chữ cái tiếng Việt song song với tiếng Lào. Năm 1976, anh trở về Lào học tiếp cấp 3 và năm 1977 sang lại Việt Nam học ngành công an, được 2 năm thì cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Tự xem mình là công dân Việt Nam, anh và các bạn viết đơn tình nguyện đi chiến đấu nhưng vì nhiều lý do, các anh không được vào bộ đội. 41 năm gắn bó với mảnh đất và con người Việt Nam, Sythat luôn coi những người bạn Việt Nam, nhất là các doanh nhân Hà Tĩnh là người thân của mình. Anh luôn sẵn lòng giúp đỡ, ngôi nhà anh luôn rộng mở để đón các bạn Việt Nam đến chơi.

Video: Thượng tá Sythat Thavong (Lào) chia sẻ kỷ niệm về Việt Nam.

Nếu Sythat với chúng tôi là một người bạn thân thì gia đình anh chị Bua Khăm Thiphavong - Khămmun Thiphavong lại là những người chị, người anh đáng kính luôn yêu thương những người em của mình như ruột thịt. Chị Bua Khăm sinh năm 1957 ở Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn. Thuở nhỏ, chị học cấp 1, 2 ở trường làng. Đến năm cuối cấp 3, chị được gửi sang Việt Nam học tập và sinh hoạt ở Trường Hữu Nghị T78 dành cho con em của nước bạn Lào. Học hết cấp 3, từ năm 1984-1990, chị vào đại học, tốt nghiệp cử nhân chính trị. Ra trường, chị trở về quê hương làm việc. Năm 1995, chị trở lại Việt Nam học thạc sĩ, rồi làm luận án tiến sĩ ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho đến năm 2001.

Trở về nước, chị làm Phó Giám đốc Sở KH&ĐT thành phố Viêng Chăn. Chị đã kêu gọi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) nước ngoài, trong đó có DN Hà Tĩnh vào đầu tư tại Lào. Với chị, các DN Việt Nam đầu tư tại Lào như là anh em ruột thịt. Ai khó khăn chị hết lòng giúp đỡ, đối xử thân tình như người trong nhà. Ngoài thời gian công việc, chị tự lái xe đưa một số chủ DN đi tham quan phong cảnh ở Viêng Chăn, đến thăm cơ sở vật chất của DN. Từ đây, những mối tình chị em, anh em bạn bè đã gắn bó chung thủy hàng chục năm trời. Gia đình tôi trở thành thành viên của gia đình chị như ruột rà. Với tôi, trở lại Viêng Chăn là trở về trong vòng tay yêu thương của người chị, người bạn lớn mà tôi luôn yêu mến và kính trọng.

Video: Bà Bua Khăm Thiphavong bày tỏ tình cảm về đất nước Việt Nam.

Sau thời gian làm Giám đốc Sở KH&ĐT Hủa Phăn, rồi Vụ trưởng Vụ Đối ngoại thuộc Cục Thương mại nội địa, Bộ Công thương Lào, tháng 4/2011, chị được bầu vào Quốc hội Lào, giữ các chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Kế hoạch - Tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào cho đến lúc nghỉ hưu. Gia đình chị có 4 người từng theo học và làm việc tại Việt Nam. Anh Khămmun, chồng chị từng là tùy viên quân sự của Lào tại Việt Nam, học ở Trường Quân sự Sơn Tây - Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Con gái Maluni của chị học thạc sĩ ngành bưu chính ở Việt Nam, nay công tác ở Bộ Thông tin - Truyền thông. Con rể Xupbachay theo học ngành thiết kế công trình xây dựng ở Việt Nam. Nói về tình cảm với đất nước Việt Nam, nhiều lần chị tâm sự: “Tôi coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Việt Nam - Lào có mối tình sâu nặng, không thể nào chia cắt. Nó được kết tinh bằng truyền thống, lịch sử của 2 dân tộc, 2 nước. Mong sao mối tình của 2 nước ngày càng bền chặt như câu hát: Xong xa hau mi, te đức đăm phăn. Huộm dải Phu Luong, huôm Mê Kông... Nghĩa là: Hai nước chúng ta, tình nghĩa sâu đậm như dãy Trường Sơn, như dòng Mê Kông”.

Đất nước Lào không chỉ gắn bó lâu đời với Việt Nam trong lịch sử mà hiện nay mối tình keo sơn ấy vẫn được thế hệ trẻ gìn giữ. Biểu hiện sinh động nhất là mỗi khi Việt Nam đá các trận chung kết bóng đá châu Á, cổ động viên Lào cổ vũ nhiệt tình như của đội nhà. Nhiều bạn trẻ Lào tâm sự: “Việt Nam là “đội nhà mình đó”. Tình cảm ấy thật ấm áp.

Viêng Chăn ấm vòng tay bè bạn

Tiết mục văn nghệ thể hiện tình hữu nghị thắm thiết Việt Nam - Lào tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào vừa diễn ra tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thiên Vỹ

Lào cũng là nơi mà số lượng Việt kiều học tập, sinh sống và làm việc khá lớn. Ông Lê Anh Đức - Phó Chủ tịch Thường trực Hội người Việt Nam tại Thủ đô Viêng Chăn cho biết: Hiện tại, Thủ đô Viêng Chăn có gần 40.000/100.000 Việt kiều trên toàn đất nước; hơn 200 DN Việt Nam đầu tư tại Lào, trong đó có Công ty Vilaco của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh.

Viêng Chăn ấm vòng tay bè bạn

Ông Lê Anh Đức - Phó Chủ tịch Thường trực Hội người Việt Nam tại Thủ đô Viêng Chăn

Những năm qua, Hội người Việt tại Lào và Thủ đô Viêng Chăn đã tuyên truyền, vận động bà con chấp hành pháp luật nước sở tại. Tới đây, hội sẽ phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào nâng cấp chương trình giảng dạy tiếng Việt tại Lào, tổ chức các hoạt động hưởng ứng năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào…

Tạm biệt nước Lào, vượt dãy Trường Sơn, nhìn dòng Mê Kông cuộn đỏ phù sa mải miết trôi về xuôi, câu hát của chị Bua Khăm mãi ngân vang trong tôi suốt dọc hành trình.

Viêng Chăn, tháng 7/2022

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast