Chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 1

Người dân không cần xuất trình sổ hộ khẩu khi làm thủ tục hành chính; tăng mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/1/2023.

Người dân không cần xuất trình sổ hộ khẩu

Nghị định số 104/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, có hiệu lực từ ngày 1/1.

Theo đó, nhiều thủ tục sẽ không cần xuất trình sổ hộ khẩu, như: Hỗ trợ tạo việc làm; bảo hiểm y tế; hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; phát triển giáo dục mầm non; quản lý học phí với cơ sở giáo dục công lập; miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ lĩnh vực giáo dục, đào tạo; điện lực; nhà ở; đất đai; y tế...

Khi thực hiện thủ tục ở các lĩnh vực nói trên, người dân chỉ cần trình một trong các loại giấy tờ sau: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy tờ xác nhận thông tin về cư trú (văn bản ghi nhận thông tin cư trú do cơ quan có thẩm quyền cấp), giấy thông báo số định danh cá nhân, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 1

Cán bộ công an kiểm tra thông tin trên căn cước công dân tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 9/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Các phương thức khai thác thông tin về cư trú của công dân gồm: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tài khoản định danh điện tử của công dân hiển thị trong ứng dụng VNEID; sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân gắn chip.

Nếu không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu trên, cán bộ có thể yêu cầu người dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong số giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.

Tăng lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở

Quyết định 2081/2022 của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 1/1, áp dụng mức lãi suất mới đối với vay hỗ trợ nhà ở. Theo đó, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư số 11/2013, 32/2014 và 25/2016 của Ngân hàng Nhà nước là 5%/năm (tăng 0,2%).

Trước đó, các ngân hàng thương mại cho vay từ năm 2013 với mức lãi suất 6%/năm, năm 2019 giảm xuống còn 5%/năm. Và từ năm 2021 đến nay, mức lãi suất ở duy trì ở 4,8%/năm.

Theo Thông tư số 11/2013 của Ngân hàng Nhà nước, đối tượng vay vốn gồm người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kỳ.

Ngoài ra, đối tượng vay vốn còn có cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng.

Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 có hiệu lực

Luật Cảnh sát cơ động năm 2022, có hiệu lực từ 1/1, quy định hàng loạt hành vi bị nghiêm cấm gồm: Chống đối, cản trở hoạt động của cảnh sát cơ động; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ cảnh sát cơ động trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ.

Ngoài ra, còn có các hành vi nghiêm cấm sau: Chiếm đoạt, hủy hoạt, cố ý làm hư hỏng, tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cảnh sát cơ động; mua chuộc, hối lộ hoặc có hành vi ép buộc cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động làm trái với nhiệm vụ, quyền hạn được giao; giả danh cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động; giả mạo phương tiện, làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, phù hiệu, con dấu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của cảnh sát cơ động.

Chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 1

Cảnh sát cơ động diễn tập biểu diễn, tháng 7/2022. Ảnh: Giang Huy

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 4 tổng cục

Theo Nghị định 105/2022 (hiệu lực từ ngày 15/1), Tổng cục Lâm nghiệp được tổ chức lại thành Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm; Tổng cục Thủy sản được tổ chức lại thành Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư; Tổng cục Thủy lợi thành Cục Thủy lợi; Tổng cục Phòng, chống thiên tai thành Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.

Ngoài ra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sáp nhập với Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản thành Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị trực thuộc bộ. Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc 4 tổng cục trên tiếp tục hoạt động cho đến khi có quyết định kiện toàn, sắp xếp lại của cấp có thẩm quyền.

Theo Sơn Hà/VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast