Giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến: Những rào cản khó qua!

(Baohatinh.vn) - Dù đã đưa vào vận hành hơn 2.100 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (cho phép người sử dụng thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng), tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến trên toàn tỉnh chỉ mới đạt 373 hồ sơ.

Kết quả khiêm tốn

Thực hiện kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 của UBND tỉnh, đến nay Hà Tĩnh đã đưa vào vận hành 2.144 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại Cổng dịch vụ công của tỉnh. Trong số đó có 35 DVCTT mức độ 3 cho mỗi đơn vị cấp xã. Cùng với đó, tỉnh còn quy định trách nhiệm của các cơ quan trong cùng cấp, khai thác, chủ động tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân sử dụng DVCTT.

Giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến: Những rào cản khó qua!

Kết quả số lượng thủ tục hành chính thực hiện trên phần mềm trực tuyến của tỉnh còn hết sức hạn chế.

Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh - Hoàng Tùng Phong cho biết: Dù số lượng DVCTT mức độ 3 đưa vào lớn như vậy nhưng số lượng thủ tục hành chính thực hiện trên phần mềm trực tuyến của tỉnh còn hết sức hạn chế. Trong 6 tháng đầu năm tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết qua trung tâm đạt 29.649 hồ sơ; tuy nhiên, số lượng thủ tục hành chính mức độ 3, 4 thực hiện trên phần mềm DVCTT chỉ được 211 hồ sơ.

Đối với cấp huyện, thành phố, thị xã, Thạch Hà là huyện thành lập trung tâm hành chính công sớm nhất, hoạt động có hiệu quả với số lượng hồ sơ thủ tục giao dịch lớn nhất. Tuy nhiên, số thủ tục hành chính mức độ 3 giao dịch trực tuyến cũng đang hạn chế. Huyện đã đưa hơn 150 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 vào giao dịch, tuy nhiên cho đến nay chỉ mới có khoảng trên 100 hồ sơ được người dân và doanh nghiệp thực hiện trên phần mềm DVCTT.

Ngay như Trung tâm Hành chính công TP Hà Tĩnh, dù đã đưa vào hơn 113 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, nhưng việc khai thác, sử dụng còn gặp nhiều khó khăn. Gần như đến nay, Trung tâm hành chính công thành phố chưa phát sinh thủ tục hành chính mức độ 3 nào giao dịch trực tuyến.

Giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến: Những rào cản khó qua!

Người dân thường có thói quen đến giao dịch trực tiếp tại trung tâm thì mới sự yên tâm (ảnh: Thành Chung)

Theo số liệu từ Sở TT&TT, từ đầu năm đến nay, tổng số hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến qua các DVCTT mức độ 3 là 373 hồ sơ. Trong khi đó, tổng số hồ sơ của các DVCTT mức độ 3 mà được người dân, doanh nghiệp gửi xử lý trực tiếp (hồ sơ không trực tuyến) là 27.148.

Người dân đang thiếu cả kỹ năng lẫn thiết bị

Có thể nói, kết quả khiêm tốn từ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến qua các DVCTT mức độ 3 xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan trong thực tế.

Theo anh Hoàng Tùng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh, các thủ tục hành chính mức độ 3,4 thực hiện qua DVCTT đạt kết quả thấp có thể là do thói quen và tâm lý người dân, doanh nghiệp vẫn muốn đến giao dịch trực tiếp mới yên tâm. Hơn nữa, hiện nay các bộ, ngành đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, nên nhiều ngành cấp tỉnh như: Tài chính, Thuế, BHXH đã tiếp nhận, xử lý hồ sơ bằng phần mềm chuyên ngành của họ, không phản ánh được trong thống kê của tỉnh" - anh Phong lý giải.

Giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến: Những rào cản khó qua!

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến là giải pháp quan trọng để tạo thói quen cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giao dịch thủ tục hành chính.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Văn Dũng - Trưởng phòng CN-TT (Sở TT&TT) cho biết thêm, hiện nay, người dân và kể cả doanh nghiệp vẫn chưa có đủ thiết bị số hóa ở nhà để thực hiện việc giao dịch qua phần mềm trực tuyến. Hơn nữa, việc thao tác trên các thiết bị, phần mềm đòi hỏi những kỹ năng nhất định về CNTT. Đây là những rào cản lớn khiến cho người dân, doanh nghiệp chưa mạnh dạn thực hiện việc giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến.

Chia sẻ về các giải pháp nâng cao tỷ lệ sử dụng DVCTT, ông Dũng cho biết: "Trước mắt, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa ứng dụng CNTT trong cộng đồng, không ngừng hoàn thiện hệ thống xử lý trên phần mềm để người dân dễ dàng thực hiện các thao tác. Mặt khác, tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân sử dụng các tiện ích của DVCTT. Về lâu dài, các cấp, ngành cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành như: đất đai, quy hoạch, nhà ở, con người... để nâng cao hiệu quả quản lý của DVCTT".

Chủ đề Cải cách hành chính

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast