Khắc phục tình trạng người nghèo ỷ lại, trông chờ hỗ trợ

Thảo luận về công tác giảm nghèo, nhiều đại biểu cho rằng, nhiều người nghèo không chịu lao động sản xuất và “sợ” thoát nghèo

Sáng 7/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 và thảo luận về nội dung này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh tham gia thảo luận và giải trình thêm về chính sách giảm nghèo (Ảnh: Dân trí)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh tham gia thảo luận và giải trình thêm về chính sách giảm nghèo (Ảnh: Dân trí)

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, từ năm 2005 đến 2012, Nhà nước đã dành nguồn ngân sách lớn cho công tác xóa đói, giảm nghèo với khoảng 860.000 tỷ đồng, đã có 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn và các hộ nghèo trong cả nước đã được hưởng đầy đủ chính sách an sinh xã hội. Chính sách pháp luật về giảm nghèo đã đạt được những thành tựu cơ bản. Nếu năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 22% thì đến năm 2012 chỉ còn 9,5% theo chuẩn nghèo mới.

Tuy nhiên, quá trình giảm nghèo còn có những hạn chế nhất định. Tổng nguồn vốn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, manh mún nên chưa phát huy được sức mạnh chung, bên cạnh đó hạn mức cho vay vốn còn thấp, chưa linh hoạt, việc cho vay sản xuất kinh doanh chưa gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, dẫn tới chưa phù hợp, chưa phát huy được hiệu quả… Chính sách giảm nghèo chưa phân hóa địa bàn đối tượng, một số chính sách mang tính chất cho không gây tâm lý ỷ lại. Số hộ nghèo tuy giảm nhanh, nhưng nguy cơ tái nghèo còn cao…

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc Đảng nhà nước dành một nguồn lực lớn cho công tác xóa đói giảm nghèo dù điều kiện kinh tế của đất nước những năm qua còn khó khăn. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, cần có chính sách mới cho công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 để sát với thực tế và đảm bảo giảm nghèo bền vững.

Về công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, đại biểu Nguyễn Thu Anh, đoàn Lâm Đồng, cho rằng thời gian qua các chính sách về bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, cận nghèo ngày càng được quan tâm hơn. Tuy nhiên ở các vùng khó khăn, việc chăm sóc sức khỏe người nghèo còn nhiều bất cập, do thiếu cơ sở vật chất, phương tiện, thiếu bác sỹ. Do vậy người bệnh phần lớn phải chuyển lên tuyến trên gây thêm gánh nặng tốn kém.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Anh đề nghị: “Để thu hút và duy trì bác sỹ tại các huyện nghèo trên cả nước, trước hết đề nghị Chính phủ bổ sung kinh phí để đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cho các huyện nghèo, đặc biệt là các trạm y tế xã, y tế vùng thôn bản để tạo điều kiện cho người dân nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được với dịch vụ y tế một cách thuận lợi hơn đồng thời giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe cho người dân”.

Nhiều đại biểu đánh giá các chương trình hỗ trợ về tín dụng cho người nghèo trong phát triển kinh tế, tạo việc làm và hỗ trợ học tập thời gian qua đã đảm bảo tính kịp thời, phát huy hiệu quả tốt, tỷ lệ quá hạn thấp, khả năng thu hồi vốn an toàn… Tuy nhiên một số ý kiến cũng cho rằng, hạn mức cho vay còn ngắn chưa phù hợp với những vùng người nghèo chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, nguồn vốn cho vay còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Võ Kim Cự, đoàn Hà Tĩnh đề nghị: “Tăng vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách, bởi trong 4 năm vừa rồi, từ 2010 đến nay chưa được tăng vốn điều lệ, đây là một yêu cầu lớn nhất, cung cầu rất mất cân đối. Ví dụ chúng ta có thể tăng khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng mà giải quyết được hàng vạn, chục vạn hộ và hàng triệu người giảm nghèo thì việc tăng này là cần thiết và rất đúng đắn. Hà Tĩnh chúng tôi cũng rất khó khăn nhưng đã bổ sung thêm được vài chục tỷ và sẽ bổ sung thêm nữa. Tôi cho rằng đây là một nhu cầu rất cần thiết và đề nghị Quốc hội quan tâm”.

Đánh giá về nguồn lực cho công tác giảm nghèo, đại biểu Thân Đức Nam, đoàn Đà Nẵng cho rằng tỷ lệ hộ nghèo chủ yếu tập trung ở nông thôn, vì vậy cần có chính sách khuyến khích phát triển kinh doanh trong nông nghiệp vừa để tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập người dân, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn.

Đại biểu Thân Đức Nam nói: “Tôi đề nghị sớm ban hành đạo luật hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo nhiều việc làm cho khu vực nông thôn, tạo điều kiện hàng năm chuyển khoảng nửa triệu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Đây là một giải pháp căn cơ để giảm nghèo ở nông thôn. Cần thay đổi cách đầu tư và tổ chức dạy nghề ở khu vực nông thôn, việc đầu tư các trung tâm dạy nghề cần có trọng điểm, trọng tâm, tránh dàn trải huyện nào cũng có trung tâm dạy nghề nhưng thiếu giáo viên, thiếu thiết bị dạy nghề, không thu hút được người học”.

Nhiều đại biểu cũng chỉ ra, hiện nay chính sách giảm nghèo còn quá dàn trải, nhiều đầu mối dẫn tới kém hiệu quả. Bên cạnh đó còn nhiều chính sách hỗ trợ theo kiểu cho không khiến cho người nghèo ỉ lại. Đại biểu Ngô Thị Minh, đoàn Quảng Ninh, cũng như nhiều đại biểu khác nêu thực tế có nhiều người nghèo không chịu lao động sản xuất chỉ trông chờ vào hỗ trợ và “sợ” thoát nghèo. Đại biểu Ngô Thị Minh cho rằng, chính sách hỗ trợ cần phải có điều kiện để người hưởng có động lực thoát nghèo.

“Phải kiên quyết cắt bỏ chính sách hỗ trợ giảm nghèo khi hộ nghèo và người nghèo không chấp hành các điều kiện nhà nước nêu ra và không có ý thức thoát nghèo. Để đạt được điều này cử tri đề nghị chính phủ cần xem xét kỹ các điều kiện đặt ra với người nghèo và hộ nghèo phải chấp hành khi hưởng chính sách giảm nghèo trong điều kiện nhất định, khắc phục tình trạng chính sách giảm nghèo manh mún như hiện nay”, đại biểu Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Tham gia thảo luận và giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá cao chất lượng báo cáo giám sát. Đồng thời phân tích dù điều kiện kinh tế khó khăn, từ năm 2008 xảy ra lạm phát cao nhưng trong hoàn cảnh đó Đảng, Nhà nước vẫn danh nguồn lực rất lớn cho giảm nghèo.

Bộ trưởng cho biết, để tránh tình trạng dàn trải trong các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đã đồng ý giao cho địa phương chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ, sử dụng nguồn vốn điều phối chương trình để sát với tình hình; đồng thời sẽ thu gọn các chương trình mục tiêu từ 16 chương trình giảm xuống còn 2 chương trình là giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trong nhiệm kỳ 2016-2020.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast