“Cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân…”

“Hôm nay, sáng mồng 2 tháng 9, thủ đô hoa vàng…” hình ảnh Quảng trường Ba Đình của 67 năm về trước và những lời tuyên ngôn Bác Hồ đọc vẫn như còn nguyên vẹn. Những hình ảnh ấy đã, đang và sẽ làm rộn vang tiếng hát trái tim của bao thế hệ người Việt. Để rồi, mỗi năm, cứ đến ngày Quốc khánh, nhân dân cả nước lại cùng hân hoan, háo hức đón chào ngày lễ Độc lập của tổ quốc. Và trong mỗi một người đều lâng lâng cảm xúc khó tả.

Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (2/9/1945)

Năm nay, nhân dịp đón Quốc khánh mồng 2 tháng 9, triệu triệu người Việt Nam lại được mang thêm một niềm cảm xúc đặc biệt: lời chia sẻ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Không có gì đáng bàn nếu như những lời chia sẻ ấy chỉ là những cảm xúc tự hào, ý chí và tinh thần trách nhiệm của những người con hôm nay. Trái lại, từng câu, từng chữ của vị Chủ tịch nước đã “gieo” vào lòng mỗi người nghe, người đọc nỗi niềm suy tư, trăn trở về thời cuộc. “Cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân?!”, bức thông điệp được phát đi đã như một chiếc đinh ốc vít sâu vào suy nghĩ mỗi người.

Vậy tại sao chúng ta lại cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân khi chúng ta đang là những thế hệ nối tiếp lịch sử? Trở về lịch sử của 67 năm về trước, cách mạng tháng 8 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Một chính quyền non trẻ nhưng vừa ra đời đã phải đối mặt với 3 thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, cả giặc trong xen lẫn giặc ngoài. Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, vậy nhưng Đảng cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng, tất cả vì mục tiêu độc lập dân tộc, cơm no áo ấm, được học hành của nhân dân nên đã vượt qua tất cả, không những đã tổ chức tổng tuyển cử thành công mà liên tục sau đó đã dẫn cách mạng của chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Non sông thống nhất, chúng ta tiếp tục sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội, hướng đến mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Và trên con đường đang đi ấy, chúng ta đã làm nên không ít điều kỳ diệu. “Đến bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt nam hôm nay, ta cũng bắt gặp những đổi thay theo hướng tiến bộ, khắp nơi đều là những công trình xây dựng, diện mạo thành thị, nông thôn bao trùm một sức sống mới”… Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta vẫn còn nhiều bất cập, vấn nạn mà mỗi khi nghĩ đến lại thấy nhức nhối trong lòng.

“Tự hào với những gì đã làm được nhưng chúng ta cũng cần phải biết hổ thẹn với tiền nhân, với những bậc tiên liệt về những yếu kém, khuyết điểm của mình đã cản trở bước đi lên của dân tộc”

. Nghị quyết số 12/TƯ đã nêu rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Xét về chiều sâu lịch sử hoạt động của Đảng ta, giai đoạn hiện nay Đảng đang đứng trước sự suy giảm lòng tin của những đảng viên chân chính và nhân dân. Mà niềm tin ấy lại là tố chất làm nên sức mạnh của dân tộc.

Nghị quyết số 12/TƯ “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ra đời là một vũ khí từng bước làm cho trong Đảng không còn “một bộ phận không nhỏ” ấy nữa, nhằm củng cố, xây dựng Đảng ta trong sạch hơn, vững mạnh hơn, đạo đức hơn, văn minh hơn, vừa là kế sách củng cố niềm tin nơi đảng viên và nhân dân. Vì vậy, để không phải “hổ thẹn với tiền nhân”, trước tiên chúng ta nên nghiêm túc triển khai nghị quyết, triển khai một cách thực chất, từ trên xuống. Mà trước hết là phê bình và tự phê. Đặc biệt, đối với những người thuộc “một bộ phận không nhỏ” phải biết tự giác kiểm điểm theo tinh thần nghị quyết này. Phải dựa vào dân để chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh. Có như vậy chúng ta mới đủ sức mạnh để ngăn chặn “những cản trở bước đi lên của dân tộc”, để “tiếp tục hoàn thiện cổ xe chưa hoàn thiện”, để viết tiếp những trang sử mới đầy tự hào với các bậc tiền nhân với tư thế vững vàng, khí phách hiên ngang vốn là truyền thống dân tộc, góp phần làm cho đất nước ta phát triển và trường tồn mãi mãi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast