Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững là một trong những nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2009-2019.

Ngày 19/5/2009, Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009 – 2015 định hướng năm 2020” đề ra mục tiêu chung là: “Phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại, bền vững; hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung; đẩy mạnh cơ giới hoá, điện khí hoá và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả. Xây dựng nông thôn mới theo hướng truyền thống, văn minh, hiện đại, có kết cấu hạ tầng phù hợp với quy hoạch không gian làng, xã, quy hoạch kinh tế - xã hội của ngành và địa phương…

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững ở Hà Tĩnh

Vụ lúa hè thu 2020 sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh nên khả năng năng suất sẽ đạt khá. Ảnh tư liệu

Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh lần thứ XVII khẳng định: “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, hàng hóa, có kỹ thuật, năng suất cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ”; “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển”. Đại hội Đảng bộ Hà Tĩnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) xác định mục tiêu: “phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, gắn với nền nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Thực hiện chủ trương đó, Đảng bộ Hà Tĩnh “tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt các mục tiêu tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết 4 nhà phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh tạo bước chuyển toàn diện về phát triển nông nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững ở Hà Tĩnh

Với nhiều chính sách hỗ trợ, nông dân Hà Tĩnh đã đầu tư trồng dưa lưới trong nhà màng, mang lại thu nhập cao

Trong những năm 2009- 2019, cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người của Hà Tĩnh đã đạt kết quả cao. Năm 2009 đạt 7,62% (bình quân giai đoạn 2011- 2015 đạt trên 18%), năm 2019 đạt 10,99%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt trên 39 triệu đồng (tăng gấp 4 lần so với năm 2008), năm 2019 đạt 62,1 triệu đồng.

Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách và giải pháp pháp về tái cơ cấu ngành nên sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh liên tục tăng trưởng cao. Cơ cấu sản xuất ngành, lĩnh vực và nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có bước chuyển dịch theo hướng tích cực: Tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi từ 32,28% (năm 2008) lên trên 52,8% (năm 2018); tăng nhanh tỷ trọng cơ cấu giá trị sản xuất ngành hàng, sản phẩm có lợi thế phát triển, giá trị gia tăng cao (như cam, bưởi Phúc Trạch, rau củ quả, chè xuất khẩu, bò, lợn, hươu, tôm); phát huy lợi thế các vùng sinh thái. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp đã có sự phát triển tích cực như:

Về trồng trọt, từ việc thay đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu bộ giống, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và các chính sách hỗ trợ về giống, phân bón kịp thời, hiệu quả đã góp phần tích cực làm cho kết quả sản xuất tăng lên phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững ở Hà Tĩnh

Nông nghiệp Hà Tĩnh đang tăng nhanh tỷ trọng cơ cấu giá trị sản xuất ngành hàng, sản phẩm có lợi thế phát triển, giá trị gia tăng cao

Về chăn nuôi, đã có sự thay đổi rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển mạnh từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi gia trại, trang trại lớn, nuôi công nghiệp, nuôi liên kết phát triển với nhiều vùng chăn nuôi tập trung, tỷ trọng, quy mô chăn nuôi công nghiệp tăng.

Về lâm nghiệp đã chuyển dần từ khai thác sang tập trung gây dựng vốn rừng với nhiều chương trình, dự án trồng rừng tập trung và đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng ổn định lâu dài cho các hộ gia đình. Diện tích rừng và độ che phủ rừng đã tăng lên đáng kể. Trong 5 năm (2011 - 2015), mỗi năm giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân là 11,86%/năm. Năm 2018, Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo phát triển rừng sản xuất theo hướng quy hoạch tập trung, quản lý giống cây theo chuỗi hành trình. Năm 2019, toàn tỉnh trồng mới và trồng lại sau khai thác được 4.860 ha rừng tập trung (300 ha rừng phòng hộ và 4.560 ha rừng sản xuất), 2,5 triệu cây phân tán, khai thác gỗ rừng trồng ước đạt trên 287.811m3

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững ở Hà Tĩnh

Mô hình “Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm thẻ chân trắng” do Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai trong vụ xuân hè 2020 tại xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) và xã Đan Trường (Nghi Xuân) cho lợi nhuận cao.

Về thủy sản, tỉnh đã phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, công nghệ cao, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi, liên kết theo chuỗi giá trị; chấn chỉnh quản lý quy hoạch các vùng nuôi, nhất là tôm trên cát, đảm bảo môi trường, an toàn dịch bệnh, phát triển bền vững. Bình quân giai đoạn (2011 - 2015) tăng 6,78%/năm. Năm 2019 tổng sản lượng thủy sản đạt trên 51.360 tấn (tăng 12,7% so với năm 2018).

Từ thực tiễn chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp toàn diện theo hướng bề vững thời gian qua, có thể cho thấy những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Hà Tĩnh về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp:

Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các ngành, đoàn thể quán triệt sâu sắc nội dung các nghị quyết, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức trong triển khai thực hiện; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Thứ hai, vận dụng sáng tạo nghị quyết của Trung ương sát với thực tiễn địa phương; ban hành các chủ trương, cơ chế chính sách đồng bộ, sát đúng; ưu tiên thỏa đáng cho thu hút đầu tư, tích tụ và tập trung ruộng đất, chuyển giao khoa học công nghệ, khai thác lợi thế vùng miền, tạo sự đột phá cho phát triển sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn tiến tới sản xuất nông nghiệp hiện đại, vừa đảm bảo tính sản xuất trên diện rộng, an sinh xã hội; huy đông nguồn lực và trao quyền đầy đủ cho người dân, cộng đồng với vai trò chủ thể thực hiện.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững ở Hà Tĩnh

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, sự chung tay của người dân, Hà Tĩnh đã xây dựng nên nhiều miền quê đáng sống

Thứ ba, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chủ động, sáng tạo, quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, sâu sát cơ sở, đôn đốc, nhắc nhở, nắm bắt ý kiến, nguyện vọng, khó khăn của người dân, doanh nghiệp, tập trung chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy phát triển sản xuất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Thứ tư, cán bộ là nhân tố quyết định trong tổ chức thực hiện đưa nghị quyết vào cuộc sống; phát huy vai trò, tâm huyết, gắn trách nhiệm với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tổ chức; thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, thôn, xóm.

Trường Chính trị Trần Phú

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast