Lý Tự Trọng - Hành động dũng cảm, ý chí sắt đá!

(Baohatinh.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 1 năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định tổ chức một đợt tuyên truyền tố cáo tội ác của thực dân Pháp và kêu gọi quần chúng đấu tranh...

Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh anh hùng Lý Tự Trọng (20/10/1914 – 20/10/2014)

Ngày 8/2/1931, nhân lúc bà con tập trung rất đông xem bóng đá ở sân vận động Sài Gòn, các chiến sỹ cách mạng đã tổ chức một cuộc mít tinh chớp nhoáng. Cờ đỏ búa liềm giương cao. Đồng chí Phan Bôi đứng lên diễn thuyết kêu gọi quần chúng đánh đổ thực dân Pháp và tay sai. Đồng chí dõng dạc tố cáo chế độ cai trị hà khắc, tàn bạo của bọn thực dân, nêu cao lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân, kêu gọi bà con đứng lên chống áp bức bóc lột, ủng hộ Liên bang Xô-viết - nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới… Tiếng nói của Đảng dưới lá cờ đỏ búa liềm được quần chúng hoan nghênh nhiệt liệt.

Đón hài cốt anh hùng Lý Tự Trọng về quê nhà Việt Xuyên. Ảnh: internet

Đón hài cốt anh hùng Lý Tự Trọng về quê nhà Việt Xuyên. Ảnh: internet

Bỗng tiếng còi inh ỏi của cảnh sát nổi lên và một tên thực dân cao to đang lao tới cố bắt cho được người vừa diễn thuyết. Không hề lưỡng lự, Trọng rút súng nhả đạn về phía tên giặc. Hắn gục xuống chết ngay. Đó chính là tên thanh tra mật thám Lơ-gơ-răng khét tiếng hung ác. Bọn cảnh sát, mật thám theo sau hắn ào tới bao vây. Trọng không thể nào thoát được nhưng anh biết hai đồng chí của ta đã an toàn trong sự che chở của đồng bào.

Kẻ thù thực hiện tra tấn Lý Tự Trọng ngay trên đường phố. Chúng đánh anh tới tấp bằng dùi cui, bằng những quả đấm túi bụi vào đầu, vào mặt, chẳng khác nào những con dã thú đang xâu xé miếng mồi. Trọng nghiến răng không trả lời bất kỳ một câu hỏi nào của chúng, mặc dầu lúc này mặt anh bắt đầu tím bầm, miệng tóe máu tươi… Anh bị trói tay, trói chân ném lên xe cảnh sát đưa về bót Catina. Tại đây, anh tiếp tục chịu đựng trọn một đêm đòn roi khủng khiếp nữa cho đến sáng hôm sau thì không còn ai nhận ra đó là Lý Tự Trọng nữa.

Lệnh của tên chánh mật thám Sài Gòn là: “Cho dùng mọi cực hình, nhưng không để nó chết, bắt nó khai bằng được”. Cái lệnh này thật vô cùng độc địa bởi nó bắt anh phải vượt qua những sự đau đớn tột cùng. Một tên mật thám hỏi anh: “Mày không có tên à?” Chúng đưa những người cùng bị bắt hôm đó ra nhận diện. Bà con kể lại rằng, anh nhìn thẳng vào tên mật thám nói tiếng Việt lơ lớ có biệt danh là “Tây nước mắm” với đôi mắt sưng húp nhưng chẳng có vẻ gì sợ sệt cả: “Sao lại không có tên, tên tao là Nguyễn Huy”. Hắn hỏi những người bị bắt: “Phải “dậy” không?”. Mọi người lắc đầu vì quả thật trong số bà con đi xem đá banh hôm đó không ai biết anh. Tên mật thám ghi vào bản cung hai chữ “Nguyễn Hui” (chữ y thành chữ i), do vậy, sau này cứ theo đó chúng gọi anh là Hui, họ Nguyễn.

Sau mấy ngày tra tấn dữ dội mà Trọng vẫn cứ im lặng, chỉ nói ra cái tên của mình, tên trong sổ lương ở sở than Bến Cảng. Bọn tra tấn ở bót Catina cảm thấy bất lực. Chúng bẩm báo lên trên cho mời bọn chuyên nghề đánh người có hạng ở Sài Gòn đến cùng “hội đòn”. Đó là chủ bót Pô-lô nằm trên đường Ga-li-ê-ni gần Chợ Lớn và những tên khác khét tiếng man rợ mà các chiến sĩ cộng sản và những người cách mạng Việt Nam đã từng nếm đòn của chúng như Coóc-ni (Corny), Mác-tanh (Martin), v.v…

Cuộc “hội đòn” lần này thực sự là một thử thách lớn đối với Trọng. Mỗi đứa một kiểu, mỗi đứa một cách trả thù hèn hạ nhất, vì ngoài cái nghề đánh đập chuyên nghiệp, chúng còn có mối hận cá nhân bởi cái chết của quan thầy Lơ-gơ-răng của chúng. Hôm đó Na-đô (Nadaud), chánh mật thám Nam Kỳ cũng có mặt. Hắn đặt rất nhiều hy vọng, song từ các kiểu “lộn mề gà”, trói quặt tay ra sau lưng kéo lên xà nhà, đấm bị bông, cắt gan bàn chân dí điện, rút móng tay… nghĩa là còn hơn cả thời trung cổ, chỉ thiếu ném đá vào đầu cho đến chết vì theo lệnh cấp trên “tra khảo bao nhiêu cũng được để bắt nó khai, không để nó chết”.

Thân hình của Trọng nhũn ra nhưng như có một sức mạnh kỳ lạ thiêng liêng nào đó làm cho tinh thần của anh cứ trơ như đá, vững như đồng không một phút giây dao động. Chúng đưa một tên phản bội đến đối chất với Trọng. Anh khinh bỉ quay mặt đi không thèm nhìn. Tên phản bội nói với bọn mật thám tên anh là “Trọng con”, làm công tác liên lạc rất quan trọng cho Đảng Cộng sản. Na-đô cho đưa những người bị bắt và cả tên phản bội xếp hàng, bắt một tên mật thám cao to dìu anh đi để nhận mặt và trả lời hai câu hỏi: Ai xui mày bắn? Súng ai đưa cho mày?

Thật vậy, thực hiện xong cái gọi là nhận mặt để bọn mật thám coi như là thật, Trọng chỉ nói có hai câu ngắn sau thời gian chờ đợi căng thẳng và hy vọng của chúng:

Không ai xui ta làm việc gì cả.

Người đưa súng cho ta không có mặt ở đây.

Tức khắc, chúng quật anh ra giữa nền nhà rồi cùng nhau ra đòn tới tấp. Máu ở những vết thương cũ và mới tóe ra đỏ cả nền xi măng. Các đồng chí ta thương xót Trọng vô cùng và cũng tự hào về anh vô hạn. Sau này, Ăng-đơ-rê Vi-ô-lít miêu tả lại trong “Đông Dương kêu cứu” như sau: … “mặt anh đẫm máu, hai mắt rũ xuống, máu còn ứ ra mồm, ra tai, vậy mà một mực không nói nửa lời. Thật can đảm lạ lùng…”.

(Theo “Lý Tự Trọng - sống mãi tên Anh” Nhà xuất bản Thanh Niên năm 2013)

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast