Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, nâng cao vị thế và uy tín đất nước

Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào ngày 14/12, tại Thủ đô Hà Nội. Trước thềm Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã trả lời báo chí về những thành tựu của đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế cũng như những phương hướng triển khai công tác đối ngoại thời gian tới.

Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, nâng cao vị thế và uy tín đất nước

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

-Xin Phó Thủ tướng Thường trực cho biết những thành tựu của đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế?

Trong 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công tác đối ngoại.

Thứ nhất, trên cơ sở đánh giá đúng tình hình quốc tế và trong nước, Đảng ta đã xác định hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ đó có những chủ trương, chỉ đạo đúng đắn cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trên tất cả các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 22-NQ/TW về Hội nhập quốc tế, quyết định chuyển từ hội nhập kinh tế quốc tế sang hội nhập toàn diện; Chỉ thị 32-CT/TW về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại Đảng trong tình hình mới. Ban Bí thư cũng đã có Chỉ thị 04-CT/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã thông qua Nghị quyết 06-NQ/TW về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Nhà nước, Quốc hội cũng đã xây dựng và ban hành Luật Điều ước quốc tế, Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Chính phủ đã có nhiều Nghị định hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các bộ, ban, ngành, địa phương đã xây dựng nhiều đề án, chương trình hành động để thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, đối ngoại đã góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả các thành viên ASEAN. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.

Thứ ba, hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều đột phá, qua đó đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác; 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Chúng ta đã tham gia và có quan hệ tốt đẹp với nhiều tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế-phát triển hàng đầu như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA “thế hệ mới” như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Thứ tư, vị thế quốc tế của đất nước không ngừng được nâng cao thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương và đảm nhận thành công nhiều trọng trách quốc tế quan trọng. Đến nay, Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã 2 lần làm Chủ tịch ASEAN (2010, 2020); làm Chủ tịch Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO, 2002), Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) (2010, 2020), 2 lần trúng cử với số phiếu ủng hộ rất cao để trở thành Ủy viên không thường trực Hộ đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021), 2 lần là nước chủ nhà APEC (2006 và 2017); đăng cai thành công Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018; tổ chức tốt cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 (2019).

Việt Nam cũng tích cực tham gia các diễn đàn đa phương chính đảng như: Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân (IMWCP), Ủy ban thường trực Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP); tích cực thúc đẩy hợp tác qua các kênh ngoại giao nghị viện như: Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); tham gia tích cực Diễn đàn Nhân dân ASEAN. Việt Nam cũng tích cực tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Thứ năm, đối ngoại đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng ta đã cơ bản xây dựng được đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng. Trên biển, chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng của đất nước; kiên trì giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Thứ sáu, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện rõ chủ trương đại đoàn kết dân tộc cũng như tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng và phát huy mạnh mẽ nguồn lực của kiều bào. Công tác bảo hộ công dân được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Năm năm qua, chúng ta đã triển khai công tác bảo hộ đối với trên 50.000 công dân, trên 600 vụ việc/1.000 tàu/với gần 10.000 ngư dân; tổ chức gần 800 chuyến bay đưa trên 200.000 công dân về nước an toàn trong đại dịch COVID-19.

Thứ bảy, 2 năm qua, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, chúng ta đã triển khai công tác ngoại giao y tế/ngoại giao vaccine rất kịp thời và hiệu quả, đến nay đã nhận được trên 151 triệu liều vaccine và nhiều trang thiết bị y tế, góp phần quan trọng cho công tác phòng, chống dịch đi đôi với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng đã viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, thể hiện rõ vai trò “thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế.

-Xin Phó Thủ tướng Thường trực cho biết những phương hướng triển khai công tác đối ngoại trong thời gian tới?

Trong 5-10 năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta. Trong điều kiện đó, sự lãnh đạo của Đảng, thế và lực của đất nước được củng cố sau 35 năm đổi mới tiếp tục là nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của công tác đối ngoại.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Đại hội XIII đã chỉ rõ cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Cùng với đó, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương.

Để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau: Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, không ngừng đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác quan trọng và các nước bạn bè truyền thống, trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đồng thời, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Chủ động, tích cực phát huy vai trò, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương; phát huy vai trò tại ASEAN, Liên hợp quốc, các cơ chế hợp tác liên nghị viện quốc tế và khu vực (như AIPA, IPU), APEC, hợp tác tiểu vùng Mekong...; phối hợp chặt chẽ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân; giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, thu hút mạnh mẽ nguồn lực bên ngoài để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, đồng thời nâng cao chất lượng hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, du lịch… Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong triển khai công tác hội nhập quốc tế; không ngừng củng cố bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.

-Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng Thường trực!

Theo TTXVN

Đọc thêm

Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2025

Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2025

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2025 với yêu cầu phải tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Sáp nhập liên đoàn lao động cấp huyện

Sáp nhập liên đoàn lao động cấp huyện

Việc sáp nhập Liên đoàn Lao động huyện Lộc Hà (cũ) và Liên đoàn Lao động huyện Thạch Hà nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng Công đoàn Hà Tĩnh vững mạnh.
Thạch Hà kiện toàn chức danh chủ chốt HĐND và UBND huyện

Thạch Hà kiện toàn chức danh chủ chốt HĐND và UBND huyện

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thạch Hà được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND huyện Thạch Hà; ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, nhiệm kỳ 2021-2026.
Không ngừng đổi mới, sáng tạo, bắt kịp xu thế báo chí hiện đại

Không ngừng đổi mới, sáng tạo, bắt kịp xu thế báo chí hiện đại

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị Đảng ủy - Ban Biên tập và đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh tiếp tục nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, giữ vững vị trí tốp đầu hệ thống báo Đảng toàn quốc, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà.
TP Hà Tĩnh công bố Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính

TP Hà Tĩnh công bố Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính

Lãnh đạo tỉnh đề nghị TP Hà Tĩnh triển khai kịp thời việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm các điều kiện để thành phố và các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp nhanh chóng ổn định tổ chức, hoạt động nền nếp và phát huy hiệu quả.
Vững tin bước vào kỷ nguyên của thịnh vượng và phát triển

Vững tin bước vào kỷ nguyên của thịnh vượng và phát triển

Năm 2025 về trong niềm tin và kỳ vọng! Cùng cả nước bước vào năm mới, một năm với nhiều sự kiện trọng đại; đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, Hà Tĩnh quyết tâm vượt mọi khó khăn; đổi mới, sáng tạo, bứt phá mạnh mẽ, thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025; tiếp tục thắp sáng khát vọng vươn xa trên hành trình mới.
Khát vọng vươn mình, tạo đột phá mới

Khát vọng vươn mình, tạo đột phá mới

Hà Tĩnh khép lại năm 2024 với nhiều thành quả đáng tự hào, kết tinh từ sự nỗ lực trong bộn bề khó khăn của cả hệ thống chính trị. Đón năm 2025 bằng khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục nỗ lực, phấn đấu tạo đột phá mới.
Đường lớn mở rạng rỡ ánh xuân

Đường lớn mở rạng rỡ ánh xuân

Trước ngưỡng cửa mùa xuân, chim én lại bay về chấp chới trên bầu trời lồng lộng bao la. Và đào mai lại nở tươi sắc thắm, đón chào đất nước vững tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
TP Hà Tĩnh công bố các quyết định về công tác cán bộ

TP Hà Tĩnh công bố các quyết định về công tác cán bộ

Thành ủy Hà Tĩnh tổ chức công bố chủ trương, quyết định của BTV Thành ủy về công tác cán bộ; gặp mặt cán bộ lãnh đạo quản lý dự kiến nghỉ công tác trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp xã.