Phát triển kinh tế tư nhân là quy luật tất yếu

(Baohatinh.vn) - Trong hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 5 khóa XII, có nhiều nội dung quan trọng bàn về “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Không phải đến bây giờ, kinh tế tư nhân đã được Đảng nhìn nhận là một động lực lớn trong 5 thành phần kinh tế đưa “dân giàu, nước mạnh” ngay từ Đại hội VI.

phat trien kinh te tu nhan la quy luat tat yeu

Ảnh minh họa

Trong quá trình vận động của quy luật khách quan thì sự phát triển đa dạng của các hình thức sở hữu là do sự phát triển của các lực lượng sản xuất. Khi lực lượng sản xuất càng đa dạng, trình độ KT-XH càng phát triển, buộc quan hệ sản xuất phải mở rộng, chính vì thế, vai trò của kinh tế tư nhân mới có vị thế trong dòng chảy của cơ chế thị trường.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ hơn, đánh giá đúng đắn hơn.

Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư và phát triển kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, những bất cập trong công tác quản lý, giám sát hoạt động các thành phần kinh tế nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng vẫn còn những tồn tại, khuyết điểm, gây thất thoát lớn về tiền của và những hệ lụy khác, hội nghị lần này đã thẳng thắn chỉ rõ và chỉ đạo kịp thời chấn chỉnh.

Phát triển kinh tế tư nhân và sớm chuyển các doanh nghiệp đang sở hữu tài sản vốn Nhà nước sang phương thức cổ phần hóa, đó là mục tiêu chiến lược lớn của Đảng ta. Mục tiêu này sẽ được các đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận kỹ và có những giải pháp đúng đắn nhất, phù hợp với tâm nguyện của nhân dân nhất.

Để kinh tế tư nhân phát triển, thực sự bình đẳng, khách quan, trung thực, đòi hỏi các bộ máy công quyền từ Trung ương phải sớm đổi mới về nhận thức, có đủ trình độ kiến thức để tư vấn, giúp đỡ những nội dung khi các doanh nghiệp tư nhân cần ở lĩnh vực mình phụ trách. Hơn ai hết, mọi ngành, mọi cấp, mọi địa phương phải khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để những người đủ đức, đủ tài và tư duy làm ăn mới, năng động, sáng tạo thành lập doanh nghiệp.

Bất cứ mọi hoạt động của thành phần kinh tế nào cũng cần phải đủ yếu tố: Nguồn vốn, nhân lực, tư liệu sản xuất, từ đó mới tạo nên của cải để góp phần tăng trưởng cho xã hội. Kinh tế tư nhân muốn phát triển vừa làm giàu cho doanh nghiệp, làm giàu cho đất nước, nâng cao thu nhập cho người lao động, hoạt động đúng pháp luật, trong thời đại này rất cần những thể chế hết sức cụ thể để đi đúng hướng. Điều quan trọng nữa là sau các thể chế và chính sách mới ban hành, mọi ngành, mọi cấp phải có ý thức và trách nhiệm “tâm sáng, lòng trong”, tránh sự sách nhiễu cá nhân để giúp đỡ các mô hình kinh tế tư nhân làm ăn có hiệu quả.

Phan Thế Cải

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast