"BIG 5" TRIỆT TIÊU LẪN NHAU
Nếu Anh tận dụng tốt hơn cơ hội ghi bàn trước Slovakia, nếu Tây Ban Nha không chủ quan trước Croatia. Cần nhiều chữ “nếu” cho một kịch bản thuận lợi với các ông lớn. Song như người Pháp thường nói “với chữ nếu có thể nhét cả Paris vào trong cái chai”, cuộc sống phải có những ngã rẽ bất ngờ buộc người ta phải hối tiếc.
Để thua trước Croatia, Tây Ban Nha phải chạm trán đại kình địch Italia ngay vòng 1/8. Bị Slovakia cầm hòa, Anh cũng rơi vào nhánh thi đấu rất “xương”. Hậu quả lớn hơn của việc TBN và Anh xếp nhì bảng: toàn bộ 5 đại gia của châu Âu gồm Anh, Pháp, Italia, Đức và Tây Ban Nha đều rơi chung vào một nhánh trên đường đến chung kết. Điều đó có nghĩa chỉ một trong 5 ông lớn này được phép góp mặt trong trận đấu cuối cùng tại Stade de France vào ngày 11/7.
Đó sẽ là những cuộc tranh hùng đáng xem nhưng cũng nhiều tiếc nuối. Italia và Tây Ban Nha, chỉ có một đội vượt qua vòng 1/8. Và kẻ đứng chờ đội thắng của cặp Italia - Tây Ban Nha tại tứ kết rất có thể là Đức. Tương tự, nếu Anh và Pháp không mắc sai lầm nào với các đối thủ dưới cơ, họ sẽ đối đầu nhau tại tứ kết. Năm đại gia sẽ triệt tiêu lẫn nhau để chọn ra một lọt vào chung kết.
LOẠN THẾ, XUẤT ANH HÙNG
Vậy suất còn lại cho trận chung kết sẽ thuộc về ai? Đừng ngạc nhiên nếu đó là Croatia, Thụy Sỹ hay thậm chí Xứ Wales. Khi mà cả 5 đội bóng lớn nhất châu Âu dồn về một nhánh, nhánh còn lại chỉ toàn những gương mặt “hạng hai”. Hãy hình dung con đường sắp tới của Thụy Sỹ hoàn toàn có thể như sau: gặp Ba Lan ở vòng 1/8, chạm trán Croatia ở vòng tứ kết và đối đầu với Xứ Wales ở bán kết. Với những thử thách đó, đội bóng xứ đồng hồ nếu vào chung kết cũng là chuyện dễ hiểu.
Đó không phải hệ quả của việc sắp xếp nhánh thi đấu, cũng không phải “lỗi” của Tây Ban Nha và Anh. Suy cho cùng, Euro 2016 phản ánh chính xác mặt bằng bóng đá châu Âu hiện nay, khi khoảng cách giữa các nền bóng đá được thu hẹp tối đa. Pháp muốn thắng Romania cũng phải trầy da tróc vẩy, Đức đã bất lực trước Ba Lan tương tự cách người Anh bế tắc với Nga. Hàng công tốt nhất tính đến sau loạt trận rạng sáng 22/6 là Xứ Wales chứ không phải ông lớn nào khác, với 6 bàn thắng.
EURO vì thế, không có nhiều sự khác biệt giữa 16 và 24 đội. Một đội lần đầu dự EURO như Xứ Wales cũng có thể vùi dập Nga 3-0 và leo lên dẫn đầu bảng đấu có Anh. Hiện tượng nở rộ các bàn thắng muộn cũng phản ánh sự cân bằng và khó lường của các trận đấu, mà thắng bại chỉ ngã ngũ ở những phút cuối cùng. Những nghi ngại về việc số lượng 24 đội làm giải đấu “loãng” hơn thực tế đã không diễn ra trên các sân cỏ nước Pháp.
Thậm chí số lượng đội bóng nhiều hơn, càng tiềm ẩn nhiều bất ngờ hơn. Như lúc này, cả Croatia, Xứ Wales, Thụy Sỹ và Ba Lan đều có thể hình dung con đường đưa họ tới trận chung kết. Ngược lại, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Italia biết rõ chặng đường gập ghềnh nếu muốn đi tới trận đấu cuối cùng.
Kể từ vòng 1/8, EURO 2016 sẽ chuyển sang sử dụng trái bóng mới “Fracas” thay cho “Beau Jeu”. “Fracas” trong tiếng Pháp là “tiếng ầm”. Nói cách khác, trái bóng mới truyền tải thông điệp về một giải đấu đầy rẫy bất ngờ với những “tiếng nổ” lớn gây chấn động. Rất có thể điều đó sẽ xảy ra khi các đại gia triệt tiêu lẫn nhau trên đường vào chung kết. Để rồi một nhân vật mới sẽ xuất hiện tại Stade de France vào ngày 11/7. Câu chuyện cổ tích của Hy Lạp năm 2004 sẽ lặp lại sau 12 năm?
Pháp sút trúng khung gỗ nhiều nhất Pháp là đội kém may mắn nhất tại vòng bảng EURO 2016. Các học trò của HLV Didier Deschamps có tổng cộng 4 lần dứt điểm trúng khung gỗ. Đứng thứ hai là Đức và Croatia, cả hai đều có 3 lần bóng tìm đến xà ngang và cột dọc. Trong khi đó, Anh là đội chịu khó bắn phá khung thành đối phương nhất với 65 pha dứt điểm nhưng chưa một lần trúng khung gỗ. |