Chủ tịch Hồ Chí Minh và những điều thú vị về tài năng “lẩy Kiều”

(Baohatinh.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới là người hiểu sâu sắc Truyện Kiều, đã nhiều lần “lẩy Kiều”, “tập Kiều” một cách sáng tạo, hợp tình, hợp cảnh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tác văn học của mình. Việc “lẩy Kiều” ở Bác thường bất ngờ và thú vị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và những điều thú vị về tài năng “lẩy Kiều”

Truyện Kiều với rất nhiều giá trị đã được Bác Hồ ứng dụng trong nhiều tình huống của cuộc sống.

Có lần ở Việt Bắc, Người từng giải thích cái hay của Truyện Kiều với một cán bộ: “Thể thơ Việt Nam được dân ta ưa thích, phải kể có lục bát. Chú hãy xem, không người nào không nhớ một câu Kiều. Chú có rõ Kiều hay như thế nào không?... Chính vì, không ai đọc là không thấy tình cảm của mình ít nhiều trong đó, do đó, Truyện Kiều hấp dẫn người đọc”.

Ông Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, kể rằng: Lần nào đi công tác nước ngoài Bác cũng nhắc đem theo một quyển Kiều. Tuy nhiên, lịch làm việc ở nước ngoài thường rất căng nên không bao giờ thấy Bác đọc Truyện Kiều vào ban ngày, có thể Bác chỉ tranh thủ đọc trước khi đi ngủ.

Những năm cuối đời ở nhà sàn Hà Nội, ông thấy Bác hay đọc Kiều vào ban ngày, đọc to thành tiếng. Đó là Bác luyện giọng để khi đọc lời kêu gọi hay thơ chúc tết các chiến sĩ ở mặt trận, đồng bào miền Nam ở xa nghe được tiếng của Bác vẫn chuẩn xác, ấm áp thì khỏi lo lắng về sức khỏe của Người.

Thế đó, nhờ thường xuyên đọc, nghiên cứu Truyện Kiều nên việc “lẩy Kiều”, “tập Kiều” và phỏng thơ Kiều của Người rất nhuần nhuyễn, linh hoạt. Còn nhớ, nhân dịp Tết năm Bính Tuất (1946), nữ sĩ Ngân Giang tặng Bác bức trướng bằng lụa màu phớt hồng rất đẹp.

Trên mặt trướng có thêu bài thơ của nữ sĩ bằng chỉ kim tuyến: “Ta say uy vũ Trần Hưng Đạo/ Ta say sự nghiệp Hồ Chí Minh/ Nhật nguyệt soi ngời cung Thúy Lĩnh/ Hoa hương chầu ngát đất Mê Linh/ Dải Lam Sơn treo gương hào kiệt/ Gò Đống Đa hằn gót viễn chinh/ Mấy thuở không phai hồn chủng tộc/ Muôn năm cờ đỏ dựng thanh bình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và những điều thú vị về tài năng “lẩy Kiều”

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào năm 1954. Ảnh Tư liệu

Nhận được món quà của nữ sĩ do đồng chí cận vệ mang vào, Bác đọc xong, cảm động, viết thư cảm ơn nữ sĩ bằng đôi câu thơ lẩy Kiều: “Mấy lời cảm tạ Ngân Giang/ Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu” là mượn ý câu Kiều thứ 1316. Hiếm có lời khen thơ nào lại khéo và hợp tình đến vậy!

Cũng tết năm ấy, nữ sĩ Hằng Phương (vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan) tìm mua cam làng Giang (Thanh Hóa) nổi tiếng thơm ngon, mang lên chúc tết Bác. Ngoài cam, nữ sĩ còn gửi tặng Bác một bài thơ, nguyên văn như sau: “Cam ngon Thanh Hóa vốn dòng/ Kính dâng Chủ tịch - tỏ lòng mến yêu/ Đắng cay, Cụ nếm đã nhiều/ Ngọt bùi trời trả đủ điều từ đây/ Cùng quốc dân hưởng những ngày/ Tự do độc lập tràn đầy trời Nam/ Anh hùng mở mặt giang san/ Lưu danh thiên cổ vẻ vang giống nòi”.

Khi viết thư cảm ơn, Bác cũng dùng phương thức “lẩy Kiều”, lần này là câu Kiều thứ 3210 (Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai): “Cảm ơn bà biếu gói cam/ Nhận thì không đúng, từ làm sao đây?/ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai”.

Câu “lẩy Kiều” này của Bác độc đáo ở chỗ vừa tỏ lòng cảm ơn chân tình đối với người tặng quà, vừa là niềm lạc quan vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc.

Năm 1949, trong bài“ Đi thuyền trên sông Đáy”, từ hai câu Kiều thứ 711 và 712 “Nỗi riêng riêng những bàn hoàn/ Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn”, Bác đã viết nên hai câu thơ: “Lòng riêng riêng những bàn hoàn/ Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng”.

Nguyên văn thi phẩm: “Dòng sông lặng ngắt như tờ/ Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo/ Bốn bề phong cảnh vắng teo/ Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan. Lòng riêng, riêng những bàn hoàn/ Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng/ Thuyền về trời đã rạng đông/ Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi”. Bài thơ trở thành một tuyệt tác của Hồ Chí Minh, của văn học Việt Nam, đi cùng năm tháng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và những điều thú vị về tài năng “lẩy Kiều”

Trong thời gian ở Việt Bắc, lúc làm việc căng thẳng hay hành quân vất vả, Bác thường lấy Truyện Kiều để xua tan đi mọi gian nan. Ảnh tư liệu

Trong cảnh thơ mộng, yên tĩnh của sông nước, trăng sao là niềm lạc quan cách mạng, niềm tin vào thắng lợi. Từ câu thơ Kiều, Người đã nói được nỗi niềm mong ước, khát vọng lớn lao với dân tộc, với Nhân dân. Cách vận dụng câu thơ Kiều của Người thật tài tình, linh hoạt.

Cũng những năm ở Chiến khu Việt Bắc, Bác luôn phải chuyển chỗ ở để đề phòng kẻ địch và tiện cho việc lãnh đạo chính quyền cách mạng non trẻ. Có lần, Bác và các đồng chí phải đi xuyên rừng trong đêm để giữ bí mật. Vừa đi, Bác vừa đọc hai câu Kiều thứ 2213 và 2214: “Nửa năm hương lửa đương nồng/ Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”.

Bác đọc hai câu thơ đến ba lần rồi hỏi: “Truyện Kiều có 3254 câu, tại sao Bác chọn và đọc hai câu này?”. Thấy mọi người ấp úng mãi, Bác nói: “Các chú cứ suy nghĩ kỹ đi, từ đây đến chỗ ở mới, đường còn dài, nên thời gian còn nhiều, ta vui vẻ với nhau bằng Truyện Kiều”. Nhiều đồng chí nghe ba từ “chỗ ở mới” liền xin phát biểu. Bác vui vẻ bảo chú dẫn đường nói trước. Chú này nói: “Thưa Bác, vì chỗ ở cũ, Bác cháu ta mới sống được sáu tháng ạ. Và Bác lưu luyến nơi ở cũ ạ”. Bác nói: “Đúng! Chú giỏi lắm! Bây giờ, chúng ta mạnh bước trên đường tiếp...”.

Rồi Bác đọc to và diễn cảm hai câu Kiều tiếp theo, cả đoàn đồng thanh đọc theo Bác trong đêm: “Trông vời trời bể mênh mang/ Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng rong”. Những câu thơ Kiều cứ thế vang lên và cung đường như ngắn lại.

Đầu năm 1953, Hội đồng Chính phủ họp, phân công ông Lê Văn Hiến làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Công thương. Hai bộ có trách nhiệm chuẩn bị tiền, gạo… cho kháng chiến, cho những trận chiến quan trọng sắp tới.

Trước lúc bế mạc hội nghị, Bác nhắc ông Phan Anh đọc thơ cho vui. Ông Phan Anh đứng lên đọc to: “Con cò lặn lội bờ sông/ Thóc thuế gánh gồng, tiếng hát véo von/ Mấy lời Bác dạy sắt son/ Mấy sông cũng lội, mấy nguồn cũng qua/ Diệt thù giải phóng quê ta/ Ấy là tình nặng, ấy là ân sâu”.

Nghe xong, mọi người vỗ tay không ngớt. Bác liền tiếp thêm hai câu Kiều thứ 2227 và 2228 vào cuối bài thơ của ông Phan Anh làm câu kết: “Đành lòng chờ đó ít lâu/ Chầy chăng là một năm sau vội gì”. Hai câu Kiều ấy là dự báo thiên tài của Bác về chiến thắng cuối cùng của quân dân ta với thực dân Pháp xâm lược. Quả nhiên đến tháng 5/1954, sau hơn 1 năm hội nghị của Chính phủ diễn ra, chúng ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Vận dụng “lẩy Kiều”, “tập Kiều”, “phỏng Kiều” ở Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mang nội dung mới, thông điệp mới. Nhiều bài thơ của Bác được viết hay được dịch ra thể thơ lục bát của dân tộc đọc lên nghe phảng phất bóng dáng câu Kiều luôn lý thú, dễ hiểu, dễ nhớ và đi vào lòng người. Việc gìn giữ, kế thừa di sản tinh hoa văn hóa của ông cha ở vị lãnh tụ thiên tài, nhà văn hóa kiệt xuất Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lan tỏa và có sức lôi cuốn lạ thường.

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

'Săn' mai anh đào nở sớm

'Săn' mai anh đào nở sớm

Thời điểm này, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người dân và du khách đã bày tỏ sự vui mừng khi hoa mai anh đào đã bắt đầu nở rộ tại khắp các vùng ngoại ô TP Đà Lạt.
Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Theo bảng phân vai "Táo quân 2025" được NSƯT Chí Trung đăng tải, buổi chầu năm nay của các Táo sẽ thay bằng hình thức cuộc thi.
Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Tim tôi như đứng lặng trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba...
VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

Mới đây, chương trình "VTV Kết nối" đã thực hiện phóng sự đột nhập phòng tập "Táo quân" lúc nửa đêm. Các nghệ sĩ Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng có những chia sẻ đầu tiên về chương trình.
Podcast tản văn: Mùi của tết

Podcast tản văn: Mùi của tết

Những ngày cuối đông, tiết trời hao hao rét. Giữa khung cảnh ngược xuôi tấp nập của phố phường, ta thoảng nghe trong gió lạnh một mùi vị rất quen thuộc...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...