Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu nhân sĩ trí thức Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam (17/1/1967). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5 (giờ địa phương), phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc phối hợp cùng các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ và Hội sinh viên Việt Nam tại New York và Boston tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp Hồ Chí Minh.”
Sự kiện có sự tham dự của gần 100 đại diện cán bộ, đảng viên các cơ quan đại diện và sinh viên Việt Nam tại thủ đô Washington DC và hai thành phố New York và Boston nhằm tìm hiểu và chia sẻ thông tin về vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng trên thế giới trong việc chấm dứt chủ nghĩa thực dân cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển của các dân tộc độc lập non trẻ sau này.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc , đồng thời cũng là một học giả có nhiều năm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc tọa đàm, chia sẻ rất nhiều thông tin bổ ích về tư tưởng, cuộc đời cũng như sự nghiệp của Người.
Theo Đại sứ Đặng Đình Quý , Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại rất nhiều di sản quý báu cho các thế hệ mai sau, nhưng di sản lớn lao nhất chính là sự cống hiến của người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.
Lịch sử đã nhìn nhận nếu không có Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giành được độc lập bằng sức mạnh của dân tộc mình thì cũng sẽ khó có phong trào các nước vùng lên giành độc lập và buộc Pháp và các nước thực dân khác trao trả lại thuộc địa.
Chính nhờ tầm ảnh hưởng lớn lao của Người mà sau khi đất nước giành được độc lập, tự do năm 1945, nhiều nhân sĩ, trí thức Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới đã quyết định trở về Việt Nam chung tay chấn hưng đất nước.
Di sản lớn thứ hai chính là tư tưởng của Người trong nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực ngoại giao, tư tưởng của Người rất rõ ràng và phong phú. Thế giới quan Hồ Chí Minh chính là cách Người luôn nhìn thế giới theo những dòng chảy, xu hướng lớn, đánh giá đúng vai trò của các nước và ứng xử tôn trọng các nước.
Đại sứ Đặng Đình Quý chia sẻ điều ông tâm đắc nhất trong quá trình nghiên cứu về Bác Hồ, đó là Bác Hồ có khả năng dự báo rất tài tình.
Theo ông, một trong những lý do khiến Người có được khả năng đó là bởi Người đã thấm nhuần cách tư duy Ngũ chi của phương Đông (biết người, biết ta, biết thời thế, biết dừng và biết biến).
Tư duy của Người - khi thời thế thay đổi, đối tác thay đổi thì mình cũng phải thay đổi - là những điều hết sức giản dị, đúng đắn và còn nguyên giá trị áp dụng vào các lĩnh vực của đời sống hiện tại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người luôn chú trọng phát huy sức mạnh dân tộc, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, đưa nước ta đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác.
Là một nhà hoạt động ngoại giao đa phương tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định ông thấy khó có lãnh đạo của nước nào hy sinh vì lợi ích dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh . Cả cuộc đời của Người cống hiến hoàn toàn vì dân tộc Việt Nam, không hề có một chút lợi ích riêng tư dù nhỏ nhất.
Đại sứ Đặng Đình Quý cũng chia sẻ những bằng chứng lịch sử thuyết phục để các sinh viên Việt Nam học tập ở nước ngoài hiểu hơn về Bác Hồ, những văn kiện, tài liệu, và tác phẩm văn thơ của Bác để các em có được thông tin chuẩn xác và tự mình có thể chia sẻ với bạn bè quốc tế hoặc phản bác lại những thông tin sai lệch thiếu kiểm chứng từ trên mạng xã hội.
Ông cũng giải đáp nhiều câu hỏi của các sinh viên Việt Nam liên quan vấn đề vận dụng tư tưởng của Bác trong định hướng đối ngoại của Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Sinh viên báo chí Nguyễn Thanh Hoa thuộc trường Đại học Philip Merrill cho biết cô thấy cuộc trao đổi rất giàu thông tin bổ ích và hấp dẫn.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc khẳng định những phân tích của Đại sứ Đặng Đình Quý cho thấy cách tiếp cận rất khoa học, rất sâu và toàn diện, giúp cho các cán bộ, học sinh, sinh viên đang làm việc và học tập tại Mỹ nói riêng và người Việt Nam nói chung có thêm kiến thức tìm hiểu và học theo những di sản của Bác Hồ.
Ông cho rằng những bài học đối ngoại của Bác Hồ rất gần gũi và những cán bộ Việt Nam làm việc tại nước ngoài có thể vận dụng một cách thiết thực vào công việc của mình./.
Theo Hải Vân-Hữu Thanh (TTXVN/Vietnam+)