Công điện vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành yêu cầu các địa phương cùng ngành chức năng tiếp tục triển khai, thực hiện quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Đặc biệt, thời gian gần đây, số lượng lợn mua bán, vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào và đi qua Hà Tĩnh có xu hướng gia tăng dẫn đến nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh trên địa bàn thời gian tới rất cao.
Để chủ động phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành chức năng tiếp tục triển khai, thực hiện quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Theo đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn tốt; vệ sinh chuồng, trại sạch sẽ, phun thuốc sát trùng ít nhất 2 lần/tuần; không mua lợn bệnh hoặc lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; không cho phương tiện vận chuyên thức ăn, vận chuyển lợn tiếp xúc với khu vực chăn nuôi; không đưa thịt lợn, sản phẩm từ lợn chưa qua chế biến chín và không cho lái buôn, người không có phận sự vào chuồng trại, khu vực chăn nuôi.
Làm hố sát trùng, phun thuốc khử trùng để đảm bảo tất cả người, phương tiện, thức ăn, dụng cụ chăn nuôi không mang theo mầm bệnh vào chuồng trại, khu vực chăn nuôi; phải sát trùng thật kỹ dụng cụ chăn nuôi, dụng cụ thú y, vật dụng liên quan trước khi sử dụng; ngăn chặn các nguồn lây nhiễm gián tiếp.
Khi có lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân phải báo ngay cho nhân viên thú y, UBND cấp xã hoặc cơ quan thú y gần nhất.
Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn lợn; vệ sinh chuồng, trại sạch sẽ, phun thuốc sát trùng ít nhất 2 lần/tuần là những biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch
Rà soát tổng đàn lợn thực tế hiện có trên địa bàn, khuyến cáo người chăn nuôi chủ động giảm đàn và không nên tăng đàn, tái đàn tại thời điểm, tại những nơi có nguy cơ bùng phát dịch cao; chỉ tổ chức chăn nuôi lợn khi đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kiến thức chuyên môn, nguồn lực tài chính và cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cán bộ thú y.
Các địa phương thành lập ngay các đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống dịch, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật; các huyện: Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân tiếp tục thành lập, duy trì các chốt kiểm dịch tại trục đường giao thông chính giáp với tỉnh Nghệ An để kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển động vật, sản phẩm từ động vật không đảm bảo an toàn vào địa bàn; các địa phương khác tùy vào tình hình thực tế để thành lập và duy trì các chốt để kiểm soát, ngăn chặn nguồmdịch.
Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2019 đạt chỉ tiêu, kế hoạch UBND tỉnh giao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật, hành nghề thú y; theo dõi nắm chắc số lượng giết mổ, nguồn gốc đưa vào giết mổ đối với lợn hằng ngày; xử lý nghiêm các xã, phường, thị trấn thường xuyên để người hành nghề giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà trái quy định.
Tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, để dịch xảy ra và lây lan sang địa phương khác.
Giám đốc Sở NN&PTNT tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp động phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương để tham mưu, chỉ đạo, bổ cứu kịp thời; phối hợp với các sở, ngành chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm của lợn sai quy định.
Chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở; đồng thời cung ứng đầy đủ, đảm bảo chất lượng các loại vắc xin, hóa chất phục vụ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nói chung và bệnh dịch tả lợn Châu Phi nói riêng...