Đoàn chủ tọa kỳ họp
Vì sao chậm chuyển đổi mô hình quản lý chợ?
Trả lời cử tri về việc xây dựng, chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ ở một số địa phương còn chậm, ông Hoàng Văn Quảng – Giám đốc Sở Công thương cho biết, từ năm 2014 đến nay đã có 110 chợ thực hiện chuyển đổi mô hình từ Ban quản lý sang doanh nghiệp/hợp tác xã quản lý thành công (đạt 85,93% so với kế hoạch); hiện còn 18 chợ chậm chuyển đổi so với kế hoạch.
Theo ông Quảng, nguyên nhân của tình trạng này là do một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và vai trò của công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân và các hộ tiểu thương về chủ trương xã hội hóa đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn hạn chế. Đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh, khai thác chợ là lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, nhiều kinh nghiệm quản lý trong khi thời gian thu hồi vốn chậm nên khó thu hút doanh nghiệp/HTX tham gia.
Đại biểu Trần Văn Kỳ - Tổ đại biểu Kỳ Anh đề nghị làm rõ trách nhiệm của Sở Công thương trong quản lý chuyển đổi mô hình chợ còn chậm. Lý do vì sao còn 10% chưa chuyển đổi và 90% đã chuyển đổi vẫn còn những tồn tại, chưa hiệu quả? Trách nhiệm, giải pháp của Sở trước những tồn tại hạn chế này như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu
Đại biểu Nguyễn Trọng Nhiệu đề nghị giải thích rõ hơn việc sau khi chuyển đổi sang loại hình quản lý mới bà con tiểu thương phải đóng phí cao hơn. Làm sao để đạt mục tiêu hài hòa lợi ích doanh nghiệp và bà con tiểu thương?
Trả lời chất vấn các đại biểu, Giám đốc Sở Công thương thẳng thắn nhìn nhận một phần trách nhiệm của ngành trong việc để chậm chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Theo ông Quảng, ngành đã rất nỗ lực trong công tác tham mưu UBND tỉnh về quy hoạch, kế hoạch quản lý chợ... Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực sự vào cuộc, đồng hành tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích chuyển đổi. Đầu quý 1/2018, ngành sẽ tổng kết đánh giá lại những để có giải pháp mạnh hơn, nhằm giải quyết dứt điểm mô hình quản lý.
Về ý kiến sau khi chuyển đổi sang loại hình quản lý mới bà con tiểu thương phải đóng phí cao hơn, ông Quảng cho rằng khi đầu tư chợ mới doanh nghiệp phải đầu tư kinh phí lớn và điều kiện kinh doanh ở chợ mới cũng đảm bảo tốt hơn, do đó phải cháp nhận mức phí cao hơn. Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý của ngành thì phải kiểm soát mức giá phù hợp suất đầu tư cũng như mặt bằng kinh doanh tại địa phương đó.
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga chất vấn Giám đốc Sở Công thương
Về vấn đề đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga quan tâm việc đấu thầu chợ có nơi chưa công khai minh bạch dẫn đến khiếu kiện, ông Quảng cho rằng trách nhiệm này thuộc các địa phương, nhưng ngành đã có tham mưu cho các địa phương để từng bước hạn chế tình trạng này.
Làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến chuyển đổi chợ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cho rằng, hiện trên địa bàn Hà Tĩnh chủ yếu chuyển đổi chợ cấp 2, cấp 3 và đều có phương án kỹ càng trước khi thực hiện chuyển đổi.
Trong quá trình chuyển đổi chợ cũ sang chợ mới đối với một số chợ, chủ đầu tư đã phối hợp tích cực với chính quyền các địa phương để bàn bạc, thống nhất và đưa ra chính sách hỗ trợ đối với các hộ kinh doanh. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen buôn bán lâu năm không phải là điều dễ dàng; vì vậy, mới nảy sinh các vấn đề khiếu kiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng
Việc đánh giá xây dựng chợ mới của một số địa phương vẫn còn sơ sài chính, do đó phải có tổng kết, đánh giá và sát sao hơn đối với vấn đề chuyển đổi chợ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu thực tế, một số chợ không thuận lợi về kinh doanh nên không hấp dẫn được các nhà đầu tư; vì vậy, các địa phương cần quyết liệt hơn trong kêu gọi đầu tư nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của bà con tiểu thương.
Chốt lại vấn đề chuyển đổi mô hình quản lý chợ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành công thương và các địa phương sơ kết đánh giá làm rõ những vấn đề được, chưa được sau chuyển đổi làm sao có hiệu quả thiết thực, đảm bảo quyền lợi cho bà con tiểu thương.
"Việc chuyển đổi phải đánh giá kỹ. Đổi mới phải thiết thực. Vấn đề là phải xác định được tài sản trước khi chuyển đổi thuộc quản lý của ai, của nhà nước hay của người dân đóng góp? Những vấn đề này cần được công khai, minh bạch để người dân biết và phải được giải quyết đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và tiểu thương" – Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu.
Ngập lụt đô thị chưa dễ xử lý
Tại phần trả lời chất vấn của HĐND tỉnh về giải pháp xử lý đối với thực trạng hệ thống thoát nước các khu đô thị kém và không đồng bộ, hễ có mưa là bị ngập lụt (nhất là ở thành phố), Giám đốc Sở Xây dựng Trần Xuân Tiến nêu rõ các giải pháp về công tác quy hoạch, huy động nguồn lực, ban hành cơ chế chính sách và tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng, người dân.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Xuân Tiến
Chấn vấn Giám đốc Sở Xây dựng, đại biểu Đỗ Khoa Văn - Tổ đại biểu Vũ Quang cho rằng cốt xây dựng (cao trình xây dựng) là công cụ quan trọng trong quản lý cao độ xây dựng các công trình; đảm bảo tiêu thoát lũ cho các tuyến đường, khu dân cư. Tuy nhiên hiện nay, việc xác lập và quản lý, sử dụng hệ thống các mốc cốt chưa thực sự được coi trọng đúng mức, là một trong những nguyên nhân gây ngập lụt các tuyến phố hiện nay. Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng đưa ra những giải pháp cụ thể.
Đại biểu Đỗ Khoa Văn
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Bùi Nhân Sâm - Tổ đại biểu huyện Can Lộc cho rằng sau chất vấn phiên họp trước, Sở đã có văn bản hướng dẫn thực hiện cốt xây dựng đối với công trình nhà ở dân cư, tuy nhiên về lâu dài ngành chức năng sẽ có giải pháp như thế nào để đảm bảo quy hoạch đô thị, mỹ quan đô thị.
Đại biểu Bùi Nhân Sâm
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Xây dựng thông tin, hiện nay các đô thị lớn của tỉnh đã có lưới cốt quy định đối với các công trình xây dựng. Đối với những công trình nhà nước hay cá nhân thẩm định qua Sở đều đã thực hiện đúng cốt. Tuy nhiên, một số công trình ở các địa phương, do quản lý của chính quyền lỏng lẻo nên khi xây dựng không đảm bảo cốt công trình theo quy định. Cũng chính thực trạng chênh cốt các công trình đã góp phần làm cho tình trạng ngập lụt nặng nề thêm.
Ông Trần Xuân Tiến cho biết, về lâu dài Sở đang xây dựng đề tài khoa học về việc số hóa cốt công trình trên địa bàn, đề nghị tỉnh và các cấp ngành liên quan chấp thuận, bố trí kinh phí để thực hiện trong thời gian tới.
Làm rõ thêm về trách nhiệm cấp phép các công trình xây dựng trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh – Hà Văn Trọng giải trình thêm, trên cơ sở lưới cốt theo quy định của ngành Xây dựng, Thành phố đã tiến hành cấp phép và thanh tra, kiểm tra sau cấp phép. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố cũng thừa nhận, tình trạng vi phạm sau cấp phép khá lớn, chiếm 25-30%.
“UBND thành phố đã chỉ đạo điều chỉnh cốt xây dựng theo đúng quy định đối với với 90% số công trình vi phạm cốt xây dựng. Có công trình đã xây dựng dở dang nhưng vẫn phải cưỡng chế làm lại. Thành phố cũng đã xử lý một số cán bộ đô thị và lãnh đạo chính quyền cơ sở để xảy ra những vi phạm này” - Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng, để giải quyết vấn đề cấp nước vốn đã khó, tìm ra lời giải cho bài toán thoát nước lại càng gian nan gấp bội. Đặc biệt là khi việc đầu tư cho hạ tầng thoát nước vẫn chưa được chú trọng; ý thức của người dân chưa cao trong khi biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.
Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, tư lệnh ngành xây dựng cần nhìn thẳng vào thực tế. Ngập lụt đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế - xã hội và môi trường. Tình trạng ngập úng diễn ra ngày càng nặng cho thấy các giải pháp của ngành đưa ra chưa thực sự hiệu quả.
“Khi nêu các giải pháp phải xem xét tính thực tiễn và tổ chức thực hiện, ngành Xây dựng cần giám sát thường xuyên hơn việc thực hiện các giải pháp”, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nêu những băn khoăn đối với thực trạng quy hoạch và cấp phép quy hoạch đối với các công trình xây dựng theo đúng quy định về cốt xây dựng ở các địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Tĩnh. Cần nâng cao trách nhiệm quản lý quy hoạch đối với chính quyền địa phương, không vì lợi ích trước mắt mà băm nát quy hoạch.