Không có chuyện “Có tiền mua tiên cũng được”!
Đây là thời kỳ hàng hoá tất tật được phân phối theo chế độ tem phiếu, bởi việc quản lý thị trường vô cùng nghiêm ngặt, làm gì được mua bán tự do. Vả lại, ngoài Nhà nước và các tổ chức tập thể, người dân không được phép vận tải hàng hóa, mua bán, trao đổi từ địa phương này sang địa phương khác. Có tiền cũng đành chịu, không mua được gì ngoại trừ các mặt hàng thuộc diện phân phối của Nhà nước.
Thời bao cấp, để mua được những mặt hàng này phải có tem phiếu. Ảnh internet
Hồi đó, tem phiếu là bộ phận quan trọng nhất của chế độ phân phối. Nó có tính quyết định cuộc sống của gia đình cán bộ, công nhân, viên chức trong cả một năm. Vì thế, nó có tên gọi khá đặc biệt là nhu yếu phẩm. Mỗi loại nhu yếu phẩm có một loại tem phiếu riêng như gạo, thịt, rau, vải, chất đốt… Mỗi gia đình được cấp một sổ mua gạo, có ghi rõ khẩu phần hàng tháng của các thành viên. Tất cả những cái đó, mà tối quan trọng, quyết định sự sống của cả nhà là cuốn sổ mua gạo. Nó đóng vai trò đặc biệt như vậy, nên sổ gạo lúc bấy giờ được chủ nhà bọc dán kỹ bằng bao ni-lông, giữ gìn như báu vật, chả khác gì cuốn sổ đỏ bây giờ.
Chao ôi, mỗi lần đến kỳ đong gạo tháng mới vui làm sao! Nhà nhà, người người ôm khư khư cuốn sổ gạo trong người, 3 hoặc 4 giờ sáng đã có mặt trước quầy lương thực xếp hàng chờ đến lượt. Tất cả các loại như nón, mũ, gạch, đá… đều được người ta xếp nối nhau thành hàng để thay thế chủ nhân khi có việc cần ra ngoài. Vì thế mới có cảnh cãi vã nhau chí chóe khi bị người sau vứt bỏ để thế chỗ, xí phần. Nhìn chồng sổ cao chất ngất, xa dần, lòng như lửa đốt, thấp thỏm lo sổ nhà mình bị thất lạc. Câu nói: “Buồn như mất sổ gạo” xuất xứ từ đó. Tôi đã không ít lần chứng kiến người bị mất sổ gạo, trông họ mới thảm hại, đáng thương làm sao. Bởi không có nó, cả nhà lấy gì mà sống. Chưa nói đến cảnh, cả tháng ròng phải chạy ngược chạy xuôi, với biết bao giấy tờ chứng nhận để được ngành lương thực tạm cấp, trước khi làm lại được sổ mới.
Tết là nỗi lo thường trực của các bậc cha mẹ. Bởi định mức hàng hóa trên tem phiếu vẫn vậy, có chăng chỉ được thêm vài chai rượu màu do địa phương sản xuất, mang nhãn mác “Rượu Cam”, “Rượu Chanh”, dăm ba gói kẹo bột được gói trong loại giấy xỉn màu. Vì vậy nên gia đình nào cũng lo chạy hết quầy lương thực, sang quầy thực phẩm, quầy bách hóa cố mua cho hết tiêu chuẩn để dùng ba ngày tết.
Tết cận kề là những đêm không ngủ của các bà nội trợ. Vợ tôi phải đánh thức các con dậy lúc nửa đêm, mỗi đứa cầm trên tay một loại tem phiếu cùng mọi người ra xếp hàng, đặt chỗ trong cơn ngái ngủ. Chen lấn, xô đẩy suốt cả buổi để rồi mỗi người cũng có được hộp mứt thập cẩm, vài lạng đậu xanh, bánh pháo tép, gói trà Ba Đình… Chỉ chừng ấy thôi cũng khiến mọi nhà, mọi người rộn ràng, háo hức.
Không khí làng quê những ngày giáp Tết mới đáng nhớ biết bao. Nhà nhà lo dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đường sá, xin đào, xin mận về cắm trên bàn thờ. Người đi làm xa về tụ họp với gia đình râm ran tiếng chào hỏi. Hai bên bờ sông đông vui, tấp nập người đãi nếp, đãi đỗ, rửa lá dong, dường như chẳng mấy ai quan tâm tới cái rét căm căm của những ngày đông lạnh giá.
Tết của nhà báo tỉnh lẻ
Bây giờ Tết đến nhẹ “như lông hồng”, chả phải lo lắng gì. Chỉ cần đánh xe đi một vòng là có tất tần tật. Những năm bao cấp, gần đến Tết là một nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai của CBCNVC. Với các nhà báo tỉnh lẻ như chúng tôi, để có một cái Tết tạm gọi là tươm tất, phải lên kế hoạch trước đó hàng mấy tháng trời.
Cảnh mua hàng Tết thời bao cấp. Ảnh internet
Đến hẹn lại lên, sau kỳ thu hoạch vụ đông xuân hàng năm, đồng chí Chủ tịch Công đoàn Báo Nghệ Tĩnh, nơi chúng tôi công tác, đã dặn dò các phóng viên phụ trách mảng nông nghiệp: “Các cô cậu nhớ đặt vấn đề trước với lãnh đạo huyện và chủ nhiệm HTX giải quyết cho Báo vài tấn lúa giống quá vụ, 1-2 con lợn ngoài kế hoạch. Gần tết, Công đoàn sẽ xuống chở về tòa soạn làm thịt lợn và chia lúa cho anh em”.
Được cái hồi đó báo chí còn ít. Mỗi tỉnh, ngoài báo Đảng bộ, đài PT-TH ra chỉ có 1 tổ (phân xã) phóng viên TTXVN, 1 phóng viên Báo Nhân Dân thường trú. Anh em chẳng phân biệt ai là báo địa phương, ai là báo Trung ương. Yêu thương, gắn bó, đi đâu cũng có nhau, xuống cơ sở rất được lãnh đạo và bà con trọng vọng. Vì thế, dù thiếu thốn, khó khăn đến mấy, các anh cơ sở cũng cố go ghép, giúp báo, đài có thêm cân gạo, cân thịt cho phóng viên ăn tết.
Có lẽ vui và hào hứng nhất là cuối năm được đi dự họp báo (gặp mặt báo chí) của các sở, ngành, doanh nghiệp. Đã họp báo là có bữa ăn tươi ngon, có bia, có rượu; cuối buổi còn được tặng phong bì, chiếc lốp xe đạp hoặc chai rượu của công ty dược phẩm mang tên “Bổ huyết trừ phong” mà mọi người thường gọi đùa là “Bổ huyết trừ lương” mang về.
Do mọi cái đều phải mua, trừ trong tiêu chuẩn tem phiếu, nay cuối năm có thêm một vài thứ nhu yếu phẩm ngoài kế hoạch thế này, cánh báo chí tỉnh lẻ quá vui, có ngày “chạy sô” đạp xe đi dự 2, 3 cuộc họp báo. Cả năm sống đạm bạc, thiếu thốn đủ đường, nay được bữa bia rượu, trên xe đạp lủng lẳng quà tặng lốp xe, rượu thuốc, mì chính… nhìn các nhà báo phởn phơ, vui tươi ra mặt.
Những quầy hàng tết xưa. Ảnh internet
Làm báo thời bao cấp có lắm chuyện vui. Tôi còn nhớ, đó là năm 1981, vào dịp gần Tết, tôi cùng 2 anh bạn thân là anh Thanh Phong - phóng viên Báo Nhân Dân thường trú Nghệ Tĩnh và anh Hoàng Song Bảng - phóng viên Đài PT-TH Nghệ Tĩnh đi công tác ở Nghĩa Đàn. Đây là huyện miền núi, “thủ phủ của cà phê”. Cả ba chúng tôi, nhất là anh Thanh Phong rất nghiền cà phê. Vì hồi đó cà phê không bán tự do, nên cuối năm chúng tôi phải vi hành một chuyến để vừa làm bài tết vừa “ngoại giao” vài ký cà phê hạt của các nông trường về uống tết. Xong việc, cả ba anh em đạp xe vào bến xe huyện để mua vé về Vinh. Tôi và anh Thanh Phong đưa thẻ nhà báo ra, cô bán vé liếc qua và giải quyết ngay 2 vé. Đến lượt Song Bảng thì bỗng gặp “sự cố”. Cô bán vé đọc đi đọc lại thẻ nhà báo, trả lại cho Song Bảng và phán một câu xanh rờn: “Trong quy định chỉ có thẻ nhà báo được ưu tiên, còn anh đây “thẻ nhà đài” không giải quyết!”.
Trời đã về chiều, chuyến xe này là cuối cùng, vé chỉ còn vài ba chiếc, đường về Vinh còn những 95 km, chúng tôi lo toát mồ hôi. Giải thích thế nào, cô bán vé cũng không thông (chỉ vì trong thẻ ghi: Phóng viên Đài PT-TH Nghệ Tĩnh) cuối cùng chúng tôi phải cầu viện đến anh Kỷ - Chủ tịch huyện, trực tiếp điện ra cho Trưởng ban quản lý Bến xe mới có vé về được Vinh đêm đó.
Một mùa xuân mới lại về. Cái cảm giác đất trời se lạnh, mưa phùn giăng mắc ngoài sân, hơi ấm từ ngọn lửa nồi bánh chưng đang lục bục sôi như muốn nói lên nhiều điều. Giờ đây, tất cả những câu chuyện bi hài của thời bao cấp đã trở thành quá vãng. Song cũng nhờ nó mà ta càng quý mến, trân trọng hơn những con người đã đi đầu, làm nên sự nghiệp đổi mới vẻ vang, giải phóng cho một dân tộc ra khỏi đêm dài bao cấp.