Cô gái giúp tìm ra lỗ đen đầu tiên bị dân mạng soi mói, sỉ nhục

Sau khi nổi danh vang dội với việc phát triển thuật toán chụp ảnh hố đen vũ trụ, nữ tiến sỹ 29 tuổi đang phải đối mặt với những tin đồn ác ý, phân biệt giới tính từ mạng xã hội.

Tài khoản MIT CSAIL trên Twitter, tổ chức trực thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) là một trong những người đầu tiên chúc mừng thành công của Katie Bouman. Bài viết đã nhận được hơn 61.000 lượt đăng lại và 145.000 lượt thích.

Nhà báo Flora Graham đã so sánh một bức ảnh của Bouman với một số ổ đĩa cứng được sử dụng trong dự án với hình ảnh của Margaret Hamilton, một nhà khoa học máy tính có đóng góp rất quan trọng đối với các nhiệm vụ đổ bộ lên mặt trăng của Apollo. Sự nổi tiếng của Bouman nhanh chóng tăng lên, nhất là trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Các cộng sự của Katie Bouman đều đánh giá vai trò cực kỳ quan trọng của cô trong việc phát triển thuật toán chụp ảnh hố đen. Ảnh: Facebook.

Chỉ trong vòng vài giờ, cơn bão mạng đã bắt đầu làm đảo lộn cuộc sống của nữ khoa học gia 29 tuổi. Điện thoại của cô nhận được rất nhiều tin nhắn đến nỗi cô phải tắt nó đi. Có người liên tục lập tài khoản Twitter giả mạo dưới tên của cô. The Verge đã tìm đến Bouman để phỏng vấn, nhưng một đại diện của MIT cho biết Bouman không nói chuyện với báo chí vào lúc này.

Để đáp lại sự chú ý, Bouman đã viết trong một bài đăng trên Facebook: "Không có thuật toán hay người nào tạo ra hình ảnh này, nó đòi hỏi tài năng tuyệt vời của một nhóm các nhà khoa học trên toàn cầu và nhiều năm làm việc chăm chỉ để phát triển công cụ, xử lý dữ liệu, phương pháp hình ảnh và các kỹ thuật phân tích cần thiết để thực hiện công việc dường như không thể này. Đó thực sự là một vinh dự, và tôi thật may mắn khi có cơ hội được làm việc với tất cả các bạn".

Internet làm mọi thứ trở nên tồi tệ, nhiều kẻ ác ý bắt đầu đưa ra các bình luận có tính chất phân biệt giới tính, tìm hiểu công việc của Bouman để xem cô thực sự đóng góp công sức thế nào cho dự án Kính thiên văn Event Horizon. Ngay cả đồng nghiệp của Bouman cũng trở thành đối tượng mà những kẻ có ý soi mói nhắm vào.

Họ đăng tải video trên YouTube đồn thổi những điều sai sự thật về công việc của Bouman. Bằng cách nào đó, video có tiêu đề "Người phụ nữ làm 6% công việc nhưng nhận được 100% danh tiếng: Ảnh hố đen", đã xuất hiện ở mục đầu tiên khi tìm kiếm với từ khóa “Katie Bouman” trong nhiều giờ liền. Những kẻ có ý phân biệt giới tính nói rằng không phải Bouman đã tạo ra thuật toán giúp chụp ảnh hố đen vũ trụ mà là một người đàn ông da trắng gốc Do Thái có tên Andrew Chael đã thực hiện công việc.

Đoạn video sai sự thật lan truyền trên YouTube. Ảnh: NBC.

Phản ứng trước tin đồn thất thiệt này, Andrew Chael lên tiếng phản bác trên Twitter. Anh khẳng định đó là một thuyết âm mưu mang tính chất phân biệt giới tính. Chael chỉ tham gia viết khoảng 68.000 dòng mã trong 900.000 dòng mã của phần mềm chụp ảnh hố đen, thay vì 850.000 dòng mã như thông tin do những kẻ cố tình bôi nhọ Bouman đưa ra. Hiện tại đoạn video cung cấp thông tin giả mạo kể trên đã bị gỡ khỏi YouTube.

Những kẻ khó chịu trước thành công của Bouman còn tìm đến Instargram, tạo tài khoản mạo danh cô với tên katieboumanoffficial. Tài khoản này đăng tải một số bức ảnh của Bouman và ảnh chụp màn hình video trên YouTube liên quan đến nhà khoa học này.

Đây không chỉ là một hiện tượng nhất thời trên Internet. Từ trước đến nay phụ nữ không được đối xử công bằng trong khoa học. Họ gặp khó trong việc công bố các nghiên cứu của mình.

Công trình của những nhà khoa học nữ cũng ít được trích dẫn hơn đồng nghiệp nam giới. Mức lương khi làm việc trong ngành vật lý và thiên văn học của nữ cũng thấp hơn 40% so với nam. Đồng thời họ có khả năng đối mặt với hành động quấy rối ở nơi làm việc.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói