Dịch vụ lưu trữ CO2 thương mại đầu tiên trên thế giới

Na Uy hôm 26/9 khánh thành "cổng vào" một kho chứa CO2 khổng lồ, tiến tới việc mở dịch vụ thương mại vận chuyển và lưu trữ CO2 đầu tiên.

Cơ sở vận chuyển và lưu trữ CO2 trên đảo Oygarden. Ảnh: Jonathan Nackstrand/AFP
Cơ sở vận chuyển và lưu trữ CO2 trên đảo Oygarden. Ảnh: Jonathan Nackstrand/AFP

Dự án vận chuyển và lưu trữ CO2 thương mại tại Na Uy mang tên Northern Lights, hướng tới thu giữ khí thải CO2 từ những ống khói nhà máy ở châu Âu và bơm xuống các hồ chứa địa chất dưới đáy biển. Mục đích của dự án là ngăn khí thải bay vào khí quyển, nhờ đó giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu.

"Cổng vào" vừa khánh thành thực chất là một cơ sở trên đảo Oygarden với 12 bồn chứa khổng lồ sáng bóng. Có nhiều đường ống chạy quanh các bồn chứa, trong đó một đường ống dẫn xuống Biển Bắc. CO2 từ bồn chứa sẽ đi qua 110 km đường ống trước khi được bơm xuống đáy biển, ở độ sâu khoảng 2,6 km, để lưu trữ vĩnh viễn. Biển Bắc, với nhiều mỏ dầu và khí đã cạn kiệt cùng mạng lưới đường ống khổng lồ, là nơi lý tưởng để chôn lấp khí nhà kính.

Cơ sở trên đảo Oygarden do các tập đoàn Equinor (Na Uy), Shell (Anh - Hà Lan) và TotalEnergies (Pháp) phối hợp vận hành, dự kiến chôn lấp lô CO2 đầu tiên vào năm 2025. Cơ sở sẽ có công suất ban đầu là 1,5 triệu tấn CO2 mỗi năm, sau đó tăng lên 5 triệu tấn trong giai đoạn hai nếu thị trường có nhu cầu lớn.

"Northern Lights là dự án trình diễn cho thấy việc thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) là một giải pháp khả thi về mặt kỹ thuật", giám đốc dự án Tim Heijn nhận định. Ông cũng cho biết, đây là một công cụ có thể giúp chống lại biến đổi khí hậu.

Công nghệ CCS phức tạp và tốn kém nhưng đã được Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc (UN) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ủng hộ, đặc biệt là để giúp giảm lượng phát thải CO2 của các ngành công nghiệp như xi măng và thép, vốn khó khử carbon.

Công suất thu giữ CO2 toàn cầu hiện chỉ là 50,5 triệu tấn, chiếm khoảng 0,1% tổng lượng phát thải hàng năm của thế giới, theo IEA. Để giới hạn sự ấm lên toàn cầu chỉ tăng ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đến năm 2030, CCS sẽ phải ngăn ít nhất một tỷ tấn CO2 thải vào khí quyển mỗi năm. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và phát triển chậm do chi phí cao. Chính phủ Na Uy đã tài trợ 80% tổng chi phí của dự án Northern Lights.

vnexpress.net

Đọc thêm

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.