Lãnh đạo huyện Nghi Xuân trao giải nhất cuộc thi cho cô giáo Đặng Thị Hoài Thương
Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Nghi Xuân, cô giáo Đặng Thị Hoài Thương (SN 1983) được trời phú cho đôi bàn tay khéo léo. Cũng bởi vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, Thương vào học tại Trường Văn hóa nghệ thuật Hà Tĩnh chuyên ngành âm nhạc - mỹ thuật. Tốt nghiệp năm 2004, Thương về nhận công tác tại Trường Tiểu học Thịnh Lộc (Lộc Hà). Năm 2008, cô là giáo viên mỹ thuật - âm nhạc tại Trường Tiểu học Xuân Phổ (Nghi Xuân).
Từ năm 2008 đến nay, Thương là giáo viên mỹ thuật âm nhạc tại Trường Tiểu học Xuân Phổ
Xinh xắn, thanh tú cùng tác phong nhanh nhẹn, thí sinh mang số báo danh 44 - Đặng Thị Hoài Thương đã để lại những ấn tượng sâu sắc tại Cuộc thi thư pháp được tổ chức vào ngày 24/2 tại Khu di tích Nguyễn Du. Với phong thái tự tin và nét bút bay bổng, Thương “múa” đôi tay trên 2 tờ giấy để hoàn tất bài thi trong khoảng thời gian chưa đầy 30 phút, khi tiếng trống hết giờ chưa điểm.
Trống chưa điểm hết giờ, Hoài Thương - số báo danh 44 đã hoàn tất phần thi gồm viết 1 chữ tự chọn và câu đối có từ 5 - 9 từ
Với màn thể hiện đó, ít ai biết được khoảng thời gian cô giáo Thương làm quen với bộ môn này rất ngắn. Tháng 12/2017, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phổ Trần Thị Ngọc Xuyến (nay là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiên Điền) bắt đầu đưa bộ môn thư pháp vào chương trình trải nghiệm Hội chợ tuổi thơ cho học sinh bậc tiểu học.
Dù là môn học mới mẻ đối với nhà trường và bản thân, nhưng Đặng Thị Hoài Thương vẫn được “chọn mặt gửi vàng”, học cấp tốc để dạy cho học sinh.
"Vạn sự khởi đầu nan”, nhà trường cũng kỳ vọng rất lớn vào việc đưa thư pháp vào Hội chợ tuổi thơ nên em phải quyết tâm” - Hoài Thương trải lòng.
Tranh thủ ngoài giờ lên lớp, Hoài Thương thường xuyên tra cứu, tìm tòi trên mạng Internet, tìm kiếm các video clip hướng dẫn cách đặt bút, hành bút và kết thúc. "Ngoài sự đam mê, kiên trì, khó nhất là định hình cho mình những bộ nét. Có nghĩa là cách chọn phông chữ cứng hoặc mềm. Quan trọng nhất là phải đạt được “văn dĩ tải đạo". Hay nói cách khác là thông qua chữ viết, có thể diễn đạt được tâm tư tình cảm của mình", Thương tâm đắc chia sẻ.
Theo cô giáo Hoài Thương, khó nhất là định hình cho mình những bộ nét
Sau chưa đầy 3 tháng làm quen, thành quả đã đến khi cô đạt giải khuyến khích trong kỳ thi viết thư pháp đầu tiên do huyện Nghi Xuân tổ chức vào đầu tháng 3/2018. Kết quả bước đầu đã tiếp thêm động lực cho Hoài Thương trong việc chinh phục đỉnh cao ở bộ môn còn mới mẻ này.
Không dừng lại ở việc tự học theo hướng dẫn trên mạng, Hoài Thương còn kết nối và học theo sự chỉ dẫn của một số nghệ nhân ở các tỉnh thành khác. Đam mê kiên trì học hỏi, rèn luyện và sự tự tin ở cuộc thi lần 2, cô giáo Thương đã giành giải nhất cuộc thi một cách thuyết phục.
Bài thi tự chọn gồm 1 câu đối 5 - 9 từ và 1 chữ tự chọn
“Hoài Thương là cô giáo trẻ nhiệt huyết, trách nhiệm, đa tài, đặc biệt có năng khiếu bộ môn vẽ, từng tham gia thi tỉnh và đạt giải cao ở bộ môn vẽ tranh cát. Ngoài ra, cô giáo Thương còn có thế mạnh khác về các môn cầu lông (nhất cụm giáo viên 5 xã: Xuân Hải, Xuân Phổ, Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Hội) và môn bóng chuyền” – nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phổ Trần Thị Ngọc Xuyến tự hào khi nói về đồng nghiệp trẻ của mình.