Khu nhà trọ 13 phòng và 1 ki-ốt của gia đình chị Dương ở phường Mỹ Phước (thị xã Bến Cát - Bình Dương) cho thu nhập 15 triệu đồng mỗi tháng.
Phường Mỹ Phước (thị xã Bến Cát – Bình Bương) được nhiều người gọi là “làng Cương Gián” vì có hơn 30 hộ dân Cương Gián đang sinh sống lập nghiệp. Có những khu vực như Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, cách vài ba căn nhà lại có một hộ dân là người Cương Gián. Trong đó, cả những người trẻ ở độ tuổi 30 tìm đến vùng đất mới lập nghiệp, có những người trung tuổi sau khi đi xuất khẩu lao động về vào Bình Dương với mong muốn sinh lời cho số tiền có được từ xứ người.
Với đặc trưng là nơi có nhiều khu công nghiệp, số lượng công nhân đông, đa số người dân Cương Gián vào đây đầu tư xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê. Ngoài ra, các huyện, thị xã như Bàu Bàng, Tân Uyên, Dĩ An, thành phố mới Bình Dương cũng là nơi được nhiều người Cương Gián chọn lập nghiệp.
Chị Lê Thị Dương (SN 1978, thôn Nam Mới, xã Cương Gián) đã trở thành cư dân Mỹ Phước được 2 năm nay. Chị Dương cho biết, khi chỉ còn mấy tháng nữa là chồng ở Hàn Quốc về sau gần 20 năm lao động ở xứ người, 2 vợ chồng bàn nhau vào Bình Dương làm ăn. Chị vào trước, mua đất, xây nhà. Đầu tư 3 tỷ đồng, chị xây căn nhà cho gia đình ở và làm khu nhà trọ 13 phòng cùng 1 ki-ốt cho thuê, mỗi tháng cho thu nhập 15 triệu đồng.
Căn nhà chị Dương được xây dựng khang trang, mỗi ngày 2 vợ chồng buôn bán hàng tạp hóa, cho thuê phòng trọ
Thời gian đầu, chị đi đi về về Mỹ Phước – Cương Gián vì con cái còn đi học ở quê. Khi chồng về nước, vợ chồng và 2 đứa con chuyển hẳn vào Bình Dương sinh sống. Hiện, ngoài thu nhập từ khu nhà trọ, gia đình anh chị còn mở cửa hàng tạp hóa buôn bán.
Cách nhà chị Dương không xa là khu trọ của chị Hoàng Thị Tâm (trước đây ở thôn Ngư Tịnh, xã Cương Gián). Ngoài 2 dãy nhà trọ với 20 phòng cho công nhân thuê, chị Tâm cùng chồng là anh Trần Quang Đạt mở tiệm sản xuất nhôm kính. Cách đây 7 năm, lúc mới vào chưa có nhiều vốn, gia đình chị xây dãy trọ 7 phòng cho thuê, 3 năm sau mua thêm dãy nhà trọ 13 phòng ở huyện Tân Uyên (Bình Dương).
Hình thành cộng đồng người xa quê để hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi khó khăn, Hội Đồng hương Cương Gián tại Mỹ Phước thường xuyên tổ chức gặp mặt, liên hoan vào các dịp lễ, tết. Những đứa trẻ chuyển từ ngoài quê vào Bình Dương học tập, khi chưa quen với môi trường mới cũng đỡ lạ lẫm hơn khi có những người bạn, anh chị có cùng giọng nói giống mình.
Rời quê hương, vợ chồng chị Tâm - anh Đạt vào Bình Dương làm chủ nhà trọ và cơ sở nhôm kính
Chị Tâm chia sẻ: “Ở đây người dân khắp nơi đến lập nghiệp nhưng cũng đông người ngoài quê, khi nhà nào có việc bận, có thể gửi con sang nhà người khác trông hộ hay khi có việc cần đều có những người đồng hương giúp đỡ. Giờ nhiều người vào đây vì ở quê nếu xây nhà để ở thì tiền “chết”, tìm công việc khó, đi xuất khẩu lao động về cũng không biết làm gì. Vào đây tuy xa quê nhưng trong này người quê mình nhiều nên rất tình cảm, gắn bó”.
Không chỉ ở Mỹ Phước, huyện Bàu Bàng cũng là nơi có người dân Cương Gián vào sinh sống đông đúc với khoảng 30 hộ. Sinh sống ở thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng 5 năm nay, anh Lê Văn Việt (48 tuổi, người thôn Tân Thượng – Cương Gián) cho biết, sau khi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc về, cả gia đình 4 người vào Bàu Bàng mua đất xây 15 phòng trọ cho thuê và mở cửa hàng bán gas.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết, hiện có khoảng gần 100 hộ dân địa phương chuyển vào Bình Dương sinh sống, lập nghiệp. Họ chủ yếu làm việc cho các công ty, xây nhà trọ, đầu tư bất động sản, buôn bán để phát triển kinh tế...