Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh và Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu chủ trì hội nghị
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP tỉnh, hoạt động thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành được thực hiện thường xuyên. Trong năm 2018, toàn tỉnh đã thanh tra, kiểm tra 13.177 lượt cơ sở, phát hiện 1.930 lượt cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 14,6%); xử phạt hành chính 1.278 lượt cơ sở với số tiền gần 2 tỷ đồng,...
Đặc biệt là tiêu hủy lượng hàng hóa vi phạm về ATVSTP có giá trị trên 600 triệu đồng gồm: 21.250 viên thực phẩm bảo vệ sức khỏe An Tĩnh Mạch có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố, 600 kg ruốc không đảm bảo chất lượng, 17.280 quả trứng gà, 2.500 kg đường, 75 kg mỳ chính, 127 lít rượu, hơn 200 gói (hộp) bánh kẹo và nhiều hàng hóa khác do không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Ngô Văn Tân: Công tác quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng.
Ngoài ra, ngành NN&PTN đã tiến hành kiểm tra, đánh giá xếp loại các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và kinh doanh nông, lâm, thủy sản theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT. Lũy kế đến tháng 12/2018, ngành đã kiểm tra 2.126 lượt cơ sở, trong đó, 848 cơ sở đạt loại A (chiếm 40%), 1.216 cơ sở đạt loại B (chiếm 57%) và 62 cơ sở đạt loại C (chiếm 3%).
Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Hà Tĩnh (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) Phan Văn Dũng: Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn gặp khó bởi cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ sản xuất cá thể chưa chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm tới thị trường và người tiêu dùng.
Năm 2018, toàn tỉnh đã cấp 813 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 2.259 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; 12 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP; 5 giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Nguyễn Đình Lộc: Công tác quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến ATTP vẫn chưa cao. Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn đối với lĩnh vực ATVSTP tại các chợ, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, đồng thời gắn việc công tác hậu kiểm sau xử lý vi phạm liên quan đến ATTP.
Bên cạnh đó, công tác quản lý giết mổ được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả. Ý thức về vệ sinh thú y, ATTP, bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh giết mổ của người hành nghề giết mổ đã được nâng lên đáng kể.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhuần: Cần phải công bố cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cho rằng, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, nhận thức của chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân đối với vấn đề ATTP được nâng cao. Trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, dẫn đến tử vong.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đối với lĩnh vực ATTP, biểu dương những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm làm tốt, đồng thời xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm ATTP và công bố trên phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh vấn đề quản lý ATVSTP vẫn còn những hạn chế như: Công tác giết mổ gia súc, gia cầm tập trung vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ; một bộ phận cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng vẫn còn coi nhẹ vấn đề ATVSTP; một số cơ quan chức năng, địa phương vẫn chưa vào cuộc quyết liệt; kinh doanh thực phẩm "bẩn” còn diễn phức tạp…
Thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đề nghị, các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đối với lĩnh vực ATTP, biểu dương những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm làm tốt, đồng thời xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm ATTP và công bố trên phương tiện thông tin đại chúng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các địa phương chuẩn bị tốt điều kiện để thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành ATTP; các huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần quyết liệt.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP sẽ được thực hiện tại TP Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh và huyện Thạch Hà với 12 xã, phường, thị trấn. Thời gian thực hiện được chia làm 2 giai đoạn: Gian đoạn chuẩn bị được thực hiện từ 10/1 - 9/7/2019; giai đoạn thí điểm thanh tra chuyên ngành thực hiện từ 10/7/2019 - 10/7/2020. |