Công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tổ chức và hoạt động Nhà nước Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Lịch sử mãi mãi ghi ơn những đóng góp to lớn, vai trò quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tổ chức và hoạt động Nhà nước Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh tư liệu

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sự kiện lịch sử ấy đã khẳng định giá trị của tư tưởng và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nhà nước kiểu mới - Nhà nước dân chủ ở Việt Nam.

Trước hết, Hồ Chí Minh là người lựa chọn và sáng lập ra Nhà nước. Từ những năm đầu của cuộc hành trình tìm đường cứu nước, tư tưởng của Người về một Nhà nước kiểu mới gắn với các quyền tự do, dân chủ các quyền con người đã được hình thành và thể hiện rất rõ trong “Yêu sách tám điểm” năm 1919.

Công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tổ chức và hoạt động Nhà nước Việt Nam

Năm 1919, Nguyễn Tất Thành cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo bản Yêu sách của nhân dân An Nam (bản Yêu sách tám điểm) gửi tới Hội nghị Véc xây. Bản Yêu sách tám điểm của nhân dân An Nam đã lần đầu tiên thể hiện một cách đậm nét hai từ “pháp quyền”. Ảnh tư liệu.

Tư tưởng đó được tiếp tục bổ sung, phát triển và hơn 20 năm sau, năm 1941, trên cơ sở những tìm tòi, khảo cứu của mình, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII của Đảng, Hồ Chí Minh đã đề xuất quan điểm xây dựng Nhà nước Dân chủ nhân dân. Nhà nước đại biểu cho khối đại đoàn kết của toàn thể quốc dân, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đây là một sáng tạo lớn về lý luận và thực tiễn của Hồ Chí Minh.

Sau ngày độc lập, trong gần ¼ thế kỷ, trên cương vị là Chủ tịch nước, nguyên thủ quốc gia, Hồ Chí Minh đã để lại dấu ấn sâu đậm về một phong cách lãnh đạo Nhà nước, trở thành chuẩn mực cho các thế hệ lãnh đạo sau này.

Thứ hai, Hồ Chí Minh là người khơi nguồn cho truyền thống dân chủ hiện đại ở Việt Nam, đã làm cho dân ta được hưởng các quyền tự do, dân chủ và thực hành dân chủ.

Theo Hồ Chí Minh, dân chủ là dân “là chủ” và dân “làm chủ”. Nhà nước là của dân vì dân là chủ, dân là người có địa vị, quyền lực cao nhất: “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Toàn bộ nhà nước được thiết lập là bộ máy thừa hành ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước là “công bộc”, “đầy tớ” của nhân dân. Nhà nước do dân vì dân làm chủ, dân “cử” ra Nhà nước; dân có quyền bãi miễn; có quyền phê bình, kiểm soát…

Đặc biệt, dân phải phát huy được năng lực, bổn phận của mình: “Công việc đổi mới và xây dựng là trách nhiệm của nhân dân”. Đây chính là sự thống nhất biện chứng của cả quyền và nghĩa vụ làm chủ; đồng thời thể hiện bản chất dân chủ triệt để của Nhà nước kiểu mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ ba, Hồ Chí Minh đã xác lập các cơ sở, nền móng pháp lý tổ chức, hoạt động của Nhà nước ta. Một trong sáu nhiệm vụ cấp bách mà Hồ Chí Minh đề ra với Chính phủ sau ngày thành lập là: “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm, càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”.

Công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tổ chức và hoạt động Nhà nước Việt Nam

Hiến pháp năm 1946. Ảnh tư liệu.

Trên cương vị là Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp 1959, đã ký công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật, trong đó có 243 sắc lệnh quy định về tổ chức nhà nước, qua đó hình thành một thể chế bộ máy nhà nước có nhiều nhân tố cơ bản của một nhà nước pháp quyền kiểu mới.

Điều trăn trở của Hồ Chí Minh là làm thế nào để nhà nước pháp quyền trong sạch, vững mạnh, hiệu quả và thực sự vì dân. Người yêu cầu luật pháp phải dựa hẳn vào lực lượng nhân dân làm nền tảng. Pháp luật là phương tiện đi đến mục đích cuối cùng là hiệu quả quản lý xã hội, làm cho đất nước ngày càng ổn định và phát triển, đời sống nhân dân ngày càng cao.

Trong thực thi pháp luật, phải đảm bảo tính khách quan, công bằng, bình đẳng; phải kết hợp chặt chẽ giữa “đức trị” và “pháp trị”,… Muốn vậy, Nhà nước phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Người khẳng định: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Nhưng “Đảng cầm quyền” chứ không phải đảng trị, do đó, mọi cán bộ, đảng viên phải biết tôn trọng Nhà nước; phải vừa có đức, có tài, tận tâm, tận lực suốt đời phục vụ nhân dân, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước…

Công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tổ chức và hoạt động Nhà nước Việt Nam

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013, Chủ tịch nước công bố ngày 08/12/2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. (Ảnh: Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Ảnh: TTXVN)

75 năm đã qua kể từ ngày Hồ Chí Minh khai sinh ra Nhà nước. Từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, nội dung nhiệm vụ của Nhà nước tuy có sự khác nhau, song bản chất vẫn là Nhà nước của dân, do dân, vì dân mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Trong giai đoạn lịch sử mới, sự nghiệp đổi mới ở nước ta ngày càng đi vào chiều sâu, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang được đẩy mạnh. Để tranh thủ nắm lấy vận hội, vượt qua nguy cơ, thách thức đưa sự nghiệp xây dựng đất nước giành thắng lợi theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước ta phải không ngừng hoàn thiện, thực sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, hiệu lực.

Năm tháng trôi qua, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân còn sống mãi. Lịch sử đã, đang và mãi mãi ghi ơn những đóng góp to lớn, vai trò quan trọng của Người đối với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trường Chính trị Trần Phú - Hà Tĩnh

Chủ đề CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.