Công nghệ trong cuộc chiến chống Covid-19

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, việc ứng dụng công nghệ hiệu quả đã trở thành một trong những yếu tố giúp nhiều quốc gia có thể khống chế được dịch bệnh.

Van thở từ công nghệ in 3D được sử dụng tại Italy

Công nghệ giám sát, theo dõi

Công nghệ đã sớm được triển khai khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc. Trong số đó có hệ thống giám sát, tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt và phần mềm đo nhiệt độ của SenseTime để xác định người có khả năng bị bệnh, dùng dữ liệu lớn (Big Data) để xác định người dân bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thông qua phân tích dữ liệu lịch sử đi lại.

Người dân nước này buộc phải cài phần mềm có tên Ant-Alipay vào điện thoại, mỗi người sẽ được cấp một mã vạch theo màu xanh, vàng hoặc đỏ tùy theo tình trạng sức khỏe. Mã xanh cho phép người dân có thể tự do di chuyển, mã vàng buộc phải cách ly 7 ngày, 2 tuần là mã đỏ. Một đội kiểm soát tại những nơi công cộng sẽ có trách nhiệm quét mã QR trên điện thoại từng người để phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm.

Để đảm bảo nguồn cung cấp thiết bị y tế tại nơi cần thiết trong thời gian dịch bệnh và hạn chế rủi ro lây nhiễm, Trung Quốc đã sử dụng drone (máy bay không người lái). Drone cũng được dùng để tuần tra các không gian công cộng, theo dõi việc những ai không tuân thủ yêu cầu cách ly và kiểm tra hình ảnh thân nhiệt của người đi đường. Ngoài drone, robot cũng được sử dụng khá nhiều. Robot đã được triển khai ở 40 bệnh viện để làm sạch, khử trùng, cung cấp thực phẩm và thuốc men nhằm giảm sự tiếp xúc giữa người với người xuống mức thấp nhất.

Nhằm đảm bảo việc cách ly thực hiện đúng quy trình, Bộ Hành chính và An toàn Hàn Quốc đã phát triển ứng dụng bảo vệ an toàn người tự cách ly tại nhà. Ứng dụng này được phát triển làm 2 loại, một loại dành cho người tự cách ly tại nhà, một loại dùng cho nhân viên phụ trách. Bộ này cho biết, tương tự các ứng dụng định vị khác, thông tin về vị trí của người tự cách ly có thể sai lệch do hạn chế kỹ thuật.

Tuy nhiên, ứng dụng này sẽ giúp ích cho chính quyền các địa phương hơn phương thức quản lý người cách ly hiện nay. Thông tin vị trí sẽ được sử dụng sau khi có sự đồng ý của người tự cách ly. Ứng dụng hỗ trợ 3 ngôn ngữ: Hàn, Anh và Trung. Các dữ liệu liên quan đến vị trí, tọa độ phải được các công ty dịch vụ điện thoại chuyển thẳng cho Trung tâm Quản lý khủng hoảng, được lưu trữ trong các công cụ không thuộc nhà nước và phải được xóa bỏ sau khi khủng hoảng chấm dứt. Những ai vô tình tiếp xúc hoặc đứng gần với người bệnh sẽ được báo động và có thể xin xét nghiệm ngay lập tức đồng thời tự cách ly nếu cần. Nhờ đó, các ổ dịch sẽ bị dập tắt trước khi bùng lên.

Singapore cũng đang áp dụng chính sách nghiêm ngặt để giảm số ca nhiễm. Bệnh nhân mắc Covid-19 được Bộ Y tế Singapore theo dõi bằng ứng dụng chuyên dụng Trace Together. Nhờ tín hiệu Bluetooth khoảng cách ngắn được trao đổi giữa các điện thoại thông minh, Trace Together có thể xác định những người đã tiếp xúc với bệnh nhân mắc Covid-19 trong vòng 2m trong khoảng thời gian ít nhất là 30 phút. Chính phủ Singapore muốn biến ứng dụng thành nguồn mở. Do đó, mã nguồn cho Trace Together được cung cấp cho các nhà phát triển trên toàn thế giới, các nước có thể sử dụng và sửa đổi nó để tạo một ứng dụng ở quốc gia của họ.

Một số quốc gia khác thậm chí mạnh tay hơn. Chẳng hạn, chính quyền Bulgaria sẽ có quyền truy tìm siêu dữ liệu, gồm lưu lượng điện thoại di động, vị trí và danh bạ Internet mà không cần lệnh của tòa án để theo dõi những người bị cách ly hoặc có các nguy cơ nhiễm virus gây bệnh Covid-19 triệt để hơn.

Israel còn đưa vào hệ thống giám sát để theo dõi vị trí thực tế của tất cả người dùng điện thoại trong nước, bao gồm vị trí, cuộc gọi và tin nhắn, thậm chí có khả năng truy cập máy ảnh và tai nghe của công dân. Cách thức này từng được Israel áp dụng để chống khủng bố, nhưng bị các nhà hoạt động nhân quyền lên án do vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng.

Nền tảng AI, in 3DTrung Quốc là quốc gia đi đầu trong việc áp dụng camera tích hợp AI để truy tìm nguồn gốc người bị mắc Covid-19. Thông qua mạng lưới rộng khắp và các công nghệ nhận diện khuôn mặt đi kèm, hệ thống có thể phát hiện được một người từng đến những địa điểm nào, tiếp xúc với ai, thời gian bao lâu… kể cả khi họ mang khẩu trang. Từ đó đưa ra phương án cách ly.

Tại Hàn Quốc, yếu tố then chốt giúp nước này có thể ngăn chặn tốc độ lây lan nhanh của Covid-19 là có tỷ lệ xét nghiệm theo bình quân đầu người cao hơn mọi quốc gia khác trên thế giới nhờ vào việc áp dụng công nghệ. Theo CNN, khi chuẩn bị làm những bộ xét nghiệm để chẩn đoán Covid-19, hãng công nghệ sinh học của Hàn Quốc Seegene đã sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn hoạt động trên nền tảng AI. Nếu không có những siêu máy tính, việc phát triển một bộ xét nghiệm phải mất từ 2-3 tháng. Nhưng Seegene làm được chỉ trong 3 tuần.

Công nghệ AI đã được giới khoa học Australia ứng dụng để phát triển thành công một công cụ chẩn đoán hình ảnh gọi là CovED, cho phép nhân viên y tế xác định chính xác người mắc Covid-19 thông qua phương pháp phân tích hình ảnh chụp cộng hưởng từ (CT) phổi của bệnh nhân. Kết quả sẽ có sau khoảng một giờ đồng hồ. Công nghệ CovED sẽ thay thế bác sĩ X-quang, cung cấp những phân tích cần thiết trong tình huống có quá nhiều bệnh nhân và không đủ nhân viên y tế, để xác định chính xác tổn thương phổi do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Bệnh viện đa khoa Tampa ở Florida, Mỹ, cũng đã kết hợp AI trong chiến lược phòng chống Covid-19. Một phần mềm được phát triển bởi Care.ai, với sự hỗ trợ của AI, đã được triển khai để giảm nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện. Phần mềm có khả năng thực hiện quét khuôn mặt để xác định bệnh nhân bị sốt, có thể giảm 75% nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện.

Bên cạnh đó, công nghệ in 3D cũng đã được áp dụng tại tâm dịch Italy và Tây Ban Nha trong việc cung cấp thiết bị điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Thiết bị van khuếch tán, một bộ phận quan trọng của máy trợ thở được sản xuất nhờ công nghệ in 3D đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân tại Italy. Tại Tây Ban Nha, một nhóm gồm 100 kỹ sư sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất từ 50-100 máy trợ thở/ngày cho các bệnh nhân mắc Covid-19, trước khi mở rộng sản xuất đến 300 máy/ngày. Những chiếc máy này có thể được sản xuất nhanh chóng do ít phức tạp hơn so với loại được dùng tại phòng điều trị tích cực, giúp bệnh nhân có thể hít thở dưới áp lực ổn định trong 3-4 ngày.

Trước tình hình số ca lây nhiễm đang tăng cao, các đại gia trong lĩnh vực sản xuất ô tô như Tesla, General Motors và Ford tại Mỹ cũng tham gia sản xuất máy trợ thở. Các công ty này có lợi thế là đã ứng dụng công nghệ in 3D từ lâu nên tiến độ sản xuất linh kiện cho máy trợ thở rất nhanh và năng suất cao.

Giải pháp trực tuyến

Xử lý công việc tại nhà được xem là giải pháp khả thi trong thời điểm dịch bệnh bùng phát nhằm bảo đảm giãn cách xã hội. Theo Reuters, từ đầu năm cho đến nay, số lượt tải các ứng dụng làm việc bao gồm Slack, Microsoft Teams, Zoom, Tencent Conference và WeChatWork trên toàn cầu đã tăng gần 5 lần. Ngoài ra còn có các ứng dụng video hội nghị như Zoom và Google Hangouts Meet. Một số dịch vụ mới như Rumii và Spatial cho phép người dùng tham dự các cuộc họp có thể tương tác theo hình thức 3D với đồng nghiệp.

Hình thức làm việc từ xa lần lượt được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Trung Quốc, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người đã chuyển sang chế độ làm việc trực tuyến, chủ yếu thông qua ứng dụng WeChatWork do Tập đoàn Tencent Holding phát triển. Cùng với WeChatWork, các ứng dụng làm việc thông minh như DingTalk do Tập đoàn Alibaba phát triển hay phần mềm làm việc từ xa WeLink của Tập đoàn Huawei Technologies cũng thu hút lượng người dùng có thể coi là lớn nhất từ trước tới nay.

Giáo dục trực tuyến cũng được xem là giải pháp hiệu quả khi học sinh buộc phải ở nhà trong thời dịch bệnh. Nhiều nước trên thế giới đã đưa vào triển khai hoặc nâng cấp quy mô giảng dạy từ xa trên cơ sở tận dụng nhiều phương tiện công nghệ để cung cấp các nền tảng học online như Argentina, Croatia, Trung Quốc, Cyprus, Ai Cập, Pháp, Hy Lạp, Italy, Nhật Bản, Mexico, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Saudi Arabia, UAE và Mỹ. Nhiều nước cũng chọn cách phổ biến bài giảng qua truyền hình như Costa Rica, Iran, Hàn Quốc, Mexico, Senegal, Tây Ban Nha, Peru, Thái Lan. Các lớp học online cũng tạo cơ hội để học sinh có những tương tác xã hội, dù là qua mạng. Tại nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Mỹ còn có thêm đội ngũ chuyên gia hỗ trợ tâm lý cho những học sinh cần giúp đỡ; nền tảng liên lạc và các ứng dụng giúp phụ huynh, giáo viên chia sẻ, cùng xây dựng quá trình học tập cho học sinh.

Theo SGGP

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói