Cách đây 75 năm, ngày 6/1/1946 là ngày đầu tiên người dân Việt Nam được đi bầu cử với tư cách là công dân của một nước độc lập. Trong ảnh: Nhân dân lao động Thủ đô cổ động cho ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Ảnh tư liệu
“Đất nước hôm nay đang vui mừng chào ngày hội lớn. Ngày toàn dân làm nhiệm vụ thiêng liêng...". Lời bài hát “Ngày hội non sông” cất lên từ loa phát thanh tổ dân phố Trung Đình khiến cụ ông Trần Hữu Bính như sống lại bao ký ức hào hùng của lịch sử. 75 năm trước, trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946, chàng thanh niên trẻ Trần Hữu Bính cùng hơn 20 vạn cử tri Hà Tĩnh nô nức đi bầu 7 đại biểu vào Quốc hội khóa I.
Cụ Trần Hữu Bính - người đã bỏ phiếu bầu ĐBQH từ khóa I đến khóa XIV. Cụ cũng sẽ lựa chọn ra người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình vào ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5 sắp tới.
Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu thực sự là ngày hội lớn của đất nước. Cả thị xã Hà Tĩnh khi ấy rực rỡ cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ tưng bừng chào mừng. Ở đâu người dân cũng bàn về quyền công dân, quyền dân chủ... Thanh niên, trẻ em, phụ nữ cầm cờ, gõ trống, thậm chí có người còn mang xoong, nồi ra gõ cổ động bầu cử. Đoàn cổ động đi khắp đường làng, ngõ xóm hô vang khẩu hiệu “Nước Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Hồ Chủ Tịch muôn năm”... Đoàn đi đến đâu, người ra theo đến đấy.
Gia đình ông Bính có tất cả 3 người đủ tiêu chuẩn được phát giấy chứng nhận đại biểu (nay là thẻ cử tri) gồm ông và cha, mẹ. Trên “tấm vé” thực hiện quyền làm chủ của mỗi cử tri có ghi tên của các ứng cử viên gồm: Hồ Chủ Tịch, ông Võ Nguyên Giáp, ông Phạm Văn Đồng... Lần đầu tiên được cầm trên tay lá phiếu của niềm tin, đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng rất đỗi thiêng liêng đối với mỗi người con nước Việt!
Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I. Ảnh tư liệu
Toàn xã Trung Tiết (nơi ở của gia đình ông Bính) có tất cả 11 thôn nhưng chỉ có duy nhất 1 đơn vị bầu cử. Địa điểm bỏ phiếu được ấn định là tại đình Trung (nay là đền Chùa, tổ dân phố Trung Đình). Do phần lớn người dân chưa thông thạo chữ viết nên mỗi thôn đã phân công, cắt cử 1 người biết chữ trực tại khu vực bỏ phiếu. Những người này có nhiệm vụ đọc tên các ứng cử viên và viết tên người được cử tri lựa chọn lên phiếu bầu, sau đó cẩn thận đọc, trao lại cho cử tri để họ tự tay bỏ vào hòm phiếu.
Nhân dân khí thế sục sôi và bầu cử nghiêm túc. Mặc dù phần lớn cử tri đều không biết chữ nhưng nhờ công tác tuyên truyền, vận động tích cực, mỗi người dân đều ý thức rất cao về việc bầu ra những đại biểu ưu tú, xứng đáng “chọn mặt gửi vàng”. Nhiều người lần đầu tiên được thực hiện quyền dân chủ, đã rơi nước mắt vì hạnh phúc.
75 năm đã trôi qua và đã trải qua 14 lần đi bỏ phiếu bầu cử tại nhiều nơi, nhiều bối cảnh lịch sử khác nhau nhưng cảm xúc về lần đi bầu cử đầu tiên, cũng là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước vẫn là những kỷ niệm đẹp không bao giờ phai trong tâm trí cụ Trần Hữu Bính.
Cụ Trần Hữu Bính sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng.
Cụ Trần Hữu Bính sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha của cụ Bính là cụ Trần Hữu Kỉnh từng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; mẹ cụ tên là Võ Thị Lan, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
Kế thừa và phát huy truyền thống của gia đình, cụ Bính nhập ngũ vào năm 1950. Sau khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, từ tháng 2/1966, cụ trực tiếp phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn, trong Bộ Tư lệnh đoàn 500 thuộc Tổng cục Hậu cần. Dù liên tục bám trụ trên tuyến đường chiến lược tại những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch nhưng cụ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: Từ trợ lý cầu đường cấp trung đoàn, đến kho trưởng, quyền phân trạm trưởng tiểu đoàn, rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn vận tải Sông Gianh (Cục Vận tải - Tổng cục Hậu cần)...
Cụ Bính luôn nâng niu, giữ gìn những kỷ vật liên quan đến các hoạt động của mình.
Năm 1976, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, muốn dành thời gian phụng dưỡng cha mẹ già và giúp đỡ vợ con, cụ Bính nghỉ hưu với quân hàm thượng uý. Ghi nhận công lao của cụ, Nhà nước và quân đội đã dành tặng những phần thưởng cao quý như: Huy chương Chiến thắng hạng Nhất (chống Pháp); 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Giải phóng hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba.
Cụ Bính tự hào với những tấm huân huy chương do Nhà nước trao tặng.
Trở về với cuộc sống đời thường, cụ Trần Hữu Bính là thành viên tích cực của hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi, hội khuyến học, hội làm vườn... và là Bí thư Chi bộ tổ dân phố Trung Đình liên tục 4 nhiệm kỳ.
70 năm tuổi Đảng, 94 tuổi đời, cụ Bính luôn nguyện sống thật tốt để làm gương cho mọi người. Trong câu chuyện với chúng tôi, “cây đại thụ” mẫu mực ấy không nói nhiều về thành tích bản thân nhưng hàng loạt bằng khen, giấy khen về thành tích phát triển kinh tế; các danh hiệu “Tuổi cao – gương sáng”, “Gia đình văn hóa” và “Gia đình văn hóa tiêu biểu” cùng tình cảm, sự tin tưởng của bà con lối xóm là minh chứng cho sự ghi nhận của chính quyền và người dân với những đóng góp to lớn của cụ.
Cụ Bính vẫn giữ thói quen ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình trước ngày trọng đại của đất nước..
Chỉ ít ngày nữa, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ diễn ra trong sự mong chờ của tất cả cử tri Hà Tĩnh. Đây cũng là lần thứ 15, cụ Trần Hữu Bính thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng trong cuộc đời.
Chiếc đài radio trở thành “tuyên truyền viên” để cụ cập nhật mọi thông tin về bầu cử.
Tuổi đã cao, mắt đã mờ nên chiếc đài radio trở thành “tuyên truyền viên” để cụ cập nhật mọi thông tin về bầu cử. Trong vòng tay quây quần của cháu con, cụ thường kể lại kỷ niệm về mỗi lần tham gia bỏ phiếu. Cụ luôn căn dặn con cháu phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với ngày hội lớn của toàn dân tộc, bởi đó là niềm vinh dự, tự hào và là bổn phận của mỗi công dân nước Việt Nam.
“Ngày 23/5 tới đây, tôi muốn được tự tay mình bỏ lá phiếu, trực tiếp lựa chọn ra những đại biểu đủ đức, đủ tài để xây dựng đất nước, ổn định cuộc sống của người dân, xã hội yên bình, no ấm, hạnh phúc. Đây cũng là kỳ bầu cử đặc biệt trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh nhưng càng khó khăn, tôi tin thành công sẽ càng lớn” - cụ Bính xúc động nói.
Mọi công tác chuẩn bị bầu cử ở khu vực bỏ phiếu số 5 (phường Thạch Quý) đã hoàn tất.
Theo ông Trần Hữu Tần - Bí thư Chi bộ tổ dân phố Trung Đình kiêm Tổ trưởng Tổ bầu cử số 5 (phường Thạch Quý), tổ dân phố có gần 1.200 cử tri sẽ tham gia bỏ phiếu. Những ngày “nước rút”, ngoài việc chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, tổ dân phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua loa phát thanh, “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động người dân đi bỏ phiếu với tỷ lệ cao nhất. Tổ bầu cử số 5 cũng đã hoàn tất việc phát thẻ cử tri, rà soát lại các thông tin để kịp thời điều chỉnh số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân.
Tất cả đã sẵn sàng cho ngày hội lớn.
“Trải qua 75 năm, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội nước ta không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cuộc bầu cử vào ngày 23/5 tới đây tiếp tục đánh dấu sự phát triển của cơ quan dân cử trong việc quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, chăm lo tốt hơn đến đời sống dân sinh như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn” - lời cụ Bính gửi gắm khiến tôi cảm nhận rõ hơn sự thiêng liêng khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.
thiết kế: công ngọc