Cuộc đua khai thác kim loại quý trên tiểu hành tinh

Khai khoáng kim loại quý hiếm trên tiểu hành tinh có thể giảm bớt gánh nặng đối với tài nguyên trên Trái Đất, thu hút nhiều công ty khởi nghiệp đầu tư.

Tàu vũ trụ NASA đang bay tới tiểu hành tinh giàu kim loại Psyche. Ảnh: NASA
Tàu vũ trụ NASA đang bay tới tiểu hành tinh giàu kim loại Psyche. Ảnh: NASA

Tháng 4/2023, một vệ tinh lớn cỡ chiếc lò vi sóng của công ty AstroForg phóng vào không gian với mục tiêu sẵn sàng khai khoáng tiểu hành tinh. Dù nhiệm vụ gặp sự cố, nó vẫn nằm trong làn sóng mới bao gồm những công ty khai khoáng tiểu hành tinh hy vọng có thể thu lợi từ tài nguyên vũ trụ, theo Popular Science.

Tiểu hành tinh chứa nhiều kim loại như bạch kim và cobalt, dùng trong đồ điện tử và pin xe điện. Dù những vật liệu này có nhiều trên Trái Đất, chúng có thể tập trung trên tiểu hành tinh với mật độ cao hơn ở sườn núi nên dễ khai thác hơn. Hoạt động trong vũ trụ có thể giảm bớt tác động có hại của khai khoáng lên hành tinh. Ngoài ra, các chuyên gia cũng muốn khám phá tiềm năng của nhiều hợp chất khác như có thể dùng băng trong vũ trụ làm nhiên liệu đẩy tàu và tên lửa hay không.

Theo Matt Gialich, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành AstroForge, một công ty khai khoáng tiểu hành tinh rất cần một yếu tố quan trọng để khởi nghiệp là sự lạc quan. Từ sau nhiệm vụ thử nghiệm vào tháng 4/2023, công ty vẫn chưa tiến gần tới mục tiêu khai khoáng. Gialich và cộng sự hy vọng có thể khai thác kim loại nhóm bạch kim, một số được sử dụng trong thiết bị như bộ lọc khí thải. Những kim loại như bạch kim và iridium được dùng trong đồ điện tử. Ngoài ra, các loại pin dựa trên bạch kim có khả năng lưu trữ tốt hơn, có thể trang bị cho xe điện và hệ thống tích trữ năng lượng.

Trong nhiệm vụ thử nghiệm của AstroForge, mọi thứ không theo đúng kế hoạch. Sau khi tàu vũ trụ nhỏ bay vào quỹ đạo, rất khó nhận biết và liên lạc với nó giữa hàng chục vệ tinh mới phóng. Tấm pin quang năng cung cấp điện cho tàu lúc đầu không triển khai. Ban đầu, vệ tinh bị chao đảo làm gián đoạn liên lạc. Kết quả là AstroForge không thể tiến hành mô phỏng khai khoáng. Công ty sẽ sớm thực hiện nhiệm vụ thứ hai với mục tiêu khác là bay qua một tiểu hành tinh và chụp ảnh. Dự án khảo sát đó có thể giúp công ty hiểu rõ những vật liệu quý giá nào tồn tại trên tiểu hành tinh.

Một công ty khác là TransAstra đang bán kính viễn vọng và phần mềm được thiết kế để phát hiện vật thể như tiểu hành tinh di chuyển qua bầu trời. Tập đoàn Trung Quốc Origin Space có một vệ tinh quan sát tiểu hành tinh trên quỹ đạo Trái Đất. Trong khi đó, công ty Karman+ ở Colorado lên kế hoạch bay thẳng tới tiểu hành tinh vào năm 2026 và kiểm tra thiết bị đào đất. Để đạt mục tiêu cuối cùng là khai thác kim loại từ những thiên thể, TransAstra, Karman+, và AstroForge đã thu hút tổng cộng hàng chục triệu USD vốn đầu tư.

Công ty Asteroid Mining Corporation Ltd. cũng có mục tiêu tương tự nhưng không dựa nhiều vào vốn đầu tư bên ngoài trong dài hạn. Năm 2021, công ty này hợp tác với Phòng thí nghiệm robot vũ trụ của Đại học Tohoku, Nhật Bản, để chế tạo robot. Họ tạo ra một robot 6 chân gọi là Space Capable Asteroid Robotic Explorer hay SCAR-E. Thiết kế để hoạt động trong môi trường vi trọng lực, SCAR-E có thể bò quanh bề mặt gồ ghề, thu thập dữ liệu và mẫu vật. Năm 2026, công ty lên kế hoạch tiến hành nhiệm vụ phân tích đất trên Mặt Trăng. Tuy nhiên, hiện nay, SCAR-E vẫn ở trên Trái Đất và phục vụ kiểm tra thân tàu.

Khai thác vật liệu từ vũ trụ cung cấp một biện pháp giảm bớt gánh nặng đối với tài nguyên trên Trái Đất, đặc biệt trong công nghệ năng lượng sạch, ví dụ sản xuất nhiên liệu hydro cần dùng iridium trong khi xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro cần bạch kim. Các kim loại khác như nickel, cobalt, và sắt cũng tập trung nhiều hơn trên tiểu hành tinh. Tuy nhiên, khai khoáng trong vũ trụ cũng tác động tới môi trường. Các vụ phóng tên lửa đóng góp khí nhà kính vào khí quyển. Khai thác những thiên thể sẽ tạo ra rác thải và mảnh vỡ trôi dạt vào chân không vũ trụ. Năm 2021, nhóm nghiên cứu ở Đại học New South Wales, Australia đăng đề xuất chương trình khung nhằm đánh giá dự án khai khoáng vũ trụ tác động tới môi trường như thế nào.

vnexpress.net

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
iPhone SE 4 có gây bất ngờ?

iPhone SE 4 có gây bất ngờ?

Dù chưa có tin đồn xác thực, ảnh chụp mô hình của iPhone SE 4 cho thấy có khả năng mẫu iPhone giá rẻ có thêm phiên bản màn hình lớn với kích thước 6,7 inch.
Giá cước 5G thế nào so với 4G?

Giá cước 5G thế nào so với 4G?

Gói 5G thấp nhất giá 135.000 đồng, cao gần gấp đôi mức 70.000 đồng của gói 4G, nhưng dung lượng nhiều gấp tám lần, kèm nhiều tiện ích.
5G đang thay đổi thế giới ra sao?

5G đang thay đổi thế giới ra sao?

Kể từ khi 5G được vận hành thương mại đầu tiên tại Hàn Quốc và Trung Quốc năm 2019, thế giới đã chi hàng tỷ USD xây dựng và ứng dụng mạng di động này.
Dùng 5G có "tốn" hơn 4G?

Dùng 5G có "tốn" hơn 4G?

Với giá cước cao hơn gấp đôi, đổi lại, tốc độ mạng 5G nhanh hơn nhiều lần so với 4G. Dung lượng nhận được cũng nhiều hơn gấp 8 lần.
Giá cước 5G thế nào so với 4G?

Giá cước 5G thế nào so với 4G?

Gói 5G thấp nhất giá 135.000 đồng, cao gần gấp đôi mức 70.000 đồng của gói 4G, nhưng dung lượng nhiều gấp tám lần, kèm nhiều tiện ích.