Cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh của các siêu cường

Bay với vận tốc ít nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5), vũ khí tấn công siêu thanh được giới chuyên gia quân sự nhận định có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa ở thời điểm hiện tại. Trên thế giới, không chỉ có Mỹ thực hiện chương trình phát triển vũ khí tấn công siêu thanh, mà Nga và Trung Quốc cũng đang theo đuổi chương trình đầy tham vọng và tốn kém này.

Căn cứ vào khái niệm đã được xác định, vũ khí siêu thanh được phân chia thành hai nhánh: Đầu đạn cơ động siêu thanh lắp trên các dòng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình siêu thanh. Từ các thông tin công khai, Nga dường như đang có lợi thế, nhưng kết quả ai sẽ là người có ưu thế trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh vẫn chưa được xác định.

cuoc dua phat trien vu khi sieu thanh cua cac sieu cuong

Ảnh minh họa/Rian.

Đầu đạn cơ động siêu thanh

Thực tế, đầu đạn cơ động siêu thanh là phương tiện lượn khí động siêu thanh được thu nhỏ đủ để lắp đặt trong tên lửa đạn đạo. Nguyên tắc hoạt động của nó dựa vào khả năng cơ động ở tầng cao trong bầu khí quyển Trái đất làm hệ thống phòng thủ tên lửa mất dấu và vượt qua nó.

“Mỗi tên lửa đạn đạo tương lai có thể mang 1 hoặc nhiều đầu đạn cơ động siêu thanh. Đây cũng là vũ khí có thể được trang bị trên thế hệ máy bay ném bom vũ trụ trong tương lai”, chuyên gia quân sự Nga Konstantin Bogdanov nhận định.

Đầu đạn cơ động siêu thanh có thể cài đặt thuốc nổ thông thường hoặc hạt nhân, tùy vào mức độ công nghệ và mục đích sử dụng của quốc gia sở hữu. Khái niệm về dòng vũ khí này vài năm gần đây thường được biết tới với tên gọi Vũ khí tấn công nhanh toàn cầu - Prompt Global Strike do Mỹ khởi xướng. Washington kỳ vọng đầu đạn tấn công siêu thanh sẽ cho phép Quân đội Mỹ tấn công chính xác bất kỳ địa điểm nào trên Trái đất trong vòng 1 giờ.

Để hoàn thiện các công nghệ liên quan, Cơ quan phụ trách Các dự án tương lai (DAPRA) thuộc Lầu Năm góc đã giới thiệu dự án Falcon. Đây là dự án hợp tác với Không quân Mỹ phát triển phương tiện lượn siêu thanh không người lái trên quỹ đạo thấp của Trái đất. Quá trình thử nghiệm các nguyên mẫu với tên gọi Hypersonic Technology Vehicle 2 (HTV-2) đã được thực hiện trong các năm 2010 và 2011, nhưng chưa đạt được thành công đáng kể.

Bên cạnh dự án Falcon, năm 2011, Lầu Năm góc cũng khởi động dự án vũ khí siêu thanh khác do Lục quân Mỹ chỉ đạo với tên gọi Advanced Hypersonic Weapon (AHW). Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin gì về kết quả thử nghiệm của AHW.

Cùng với Mỹ, Nga cũng tham gia phát triển đầu đạn lượn siêu thanh vào cuối những năm 1990. Phụ trách chương trình này là Tổ hợp chế tạo máy mang tên Reutov. Thiết bị lượn siêu thanh mới của Nga được phát triển dựa trên nguyên mẫu công nghệ tên lửa siêu thanh Albatros. Kết quả của chương trình này được biết công khai rộng rãi gần đây đó là “sản phẩm 4202”, dự kiến trang bị trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat. “Sản phẩm 4202” được giới chức quốc phòng Nga công nhận đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đề ra trong các vụ phóng thử gần đây. Cụ thể, trong tháng 10-2016, nguyên mẫu “sản phẩm 4202” đã được thử nghiệm trên ICBM Satan và đạt tốc độ bay tới Mach 5 (7km/giây) khi tiếp cận tầng thấp của khí quyển Trái đất. Mọi thông số của vụ phóng được công nhận thành công.

Kín tiếng hơn Nga và Mỹ, Trung Quốc cũng theo đuổi chương trình vũ khí siêu thanh nội địa. Theo nhiều nguồn tin, từ năm 2014 tới nay, Trung Quốc đã tiến hành 7 vụ thử ICBM thế hệ mới DF-ZF được trang bị công nghệ đầu đạn cơ động siêu thanh. Tuy nhiên, thông tin về các vụ thử không được tiết lộ.

Theo giới phân tích quân sự Mỹ, thế hệ đầu đạn siêu thanh Trung Quốc phát triển có thể phù hợp trang bị trên cả ICBM lẫn IRBM. “Vũ khí chiến lược” này được trang bị công nghệ cho phép tấn công với độ chính xác cao, kể cả khi cơ động ở tốc độ siêu thanh. Nhiều khả năng, đây sẽ là hướng đi phát triển vũ khí diệt nhóm tàu sân bay của Trung Quốc.

Tên lửa hành trình siêu thanh

Ở lĩnh vực này, các thông tin về chương trình phát triển tên lửa hành trình mới của Mỹ rất rõ ràng. Trong vài năm qua, Mỹ đã theo đuổi việc phát triển tên lửa X-51 Waverider với lời quảng cáo có khả năng đạt vận tốc Mach 5+. Tuy nhiên, vận tốc này chỉ đạt được ở độ cao 1.100km. X-51 có thể phù hợp trang bị trên máy bay ném bom B-2 và máy bay chiến đấu F-35. Lầu Năm góc dự tính, X-51 có thể được đưa vào trang bị vào đầu những năm 2020.

Tên lửa hành trình siêu thanh có thể nói là lĩnh vực Nga có nhiều kinh nghiệm phát triển hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, các dự án phát triển tên lửa siêu thanh mới của Nga dù có nhiều tính năng nổi bật, nhưng lại rất ít thông tin công khai.

“Hiện tại, rất khó có thể nói Nga đang dẫn trước Mỹ trong lĩnh vực tên lửa hành trình siêu thanh thế hệ mới. Có thể thấy rõ, họ cũng đang trong quá trình phát triển sản phẩm và vũ khí này chỉ được trang bị không trước những năm giữa thập kỷ 2020. Ngoài ra, sự khan hiếm thông tin liên quan cũng là rào cản để đưa ra đánh giá Nga đang ưu thế hơn”, chuyên gia Konstantin Bogdanov bình luận.

Mới đây, Nga đã công bố thông tin về thế hệ tên lửa hành trình siêu thanh mới mang tên Zircon, nhưng nhiều thông tin cụ thể liên quan tới dòng vũ khí này không được tiết lộ.

“Zircon vẫn đang trong quá trình phát triển. Quân đội Nga dự kiến sẽ hoàn thiện nó vào cuối thập kỷ này và trang bị trước tiên trên các tuần dương hạm nguyên tử thuộc Đồ án 1144”, ông K. Bogdanov nói.

Liên quan tới lĩnh vực này, hiện không có bất kỳ thông tin nào liên quan tới chương trình phát triển tên lửa hành trình mới của Trung Quốc được công bố. Tuy nhiên, giới thạo tin nhận định, Bắc Kinh đang âm thầm phát triển dòng vũ khí của tương lai này.

Theo TUẤN SƠN/QĐND

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.