Cựu chiến binh Đức Thọ: "Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình"

(Baohatinh.vn) - Cựu chiến binh trên địa bàn huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đang từng ngày gương mẫu xung kích, thể hiện bản lĩnh người lính cụ Hồ trên mặt trận kinh tế, giảm nghèo bền vững.

bqbht_br_1.jpg
CCB Nguyễn ĐÌnh Hợp là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố Tân Định, thị trấn Đức Thọ luôn đi đầu trong phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho các hội viên.

Năm 1978, khi vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Đình Hợp (SN 1958, thôn Tân Định, xã Đức Yên, nay là tổ dân phố Tân Định, thị trấn Đức Thọ) tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc tại chiến trường Campuchia. Năm 1982, ông xuất ngũ trở về, được địa phương tin tưởng giao nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh cho đến bây giờ.

Tổ dân phố Tân Định là đơn vị giáo dân toàn tòng, trong đó Chi hội Cựu chiến binh của tổ dân phố có 13 hội viên. Hầu hết đời sống thành viên gặp nhiều khó khăn do thu nhập chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trên cương vị là chi hội trưởng, cựu chiến binh Nguyễn Đình Hợp đã tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế, từ đó tạo động lực cho hội viên vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông Nguyễn Đình Hợp chia sẻ: “Thời điểm đó, cả đất nước đều khó khăn. Nhận nhiệm vụ tại địa phương sau xuất ngũ, tôi mong muốn tập hợp, đoàn kết các hội viên cùng giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo và nâng cao đời sống. Đã là người lính cụ Hồ thì phải luôn dám đương đầu với khó khăn thử thách, tôi đã đầu tư phát triển nghề mộc truyền thống mà cha ông để lại ngay tại gia đình. Trong nhiều năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình gặp thuận lợi, ngày càng phát triển. Nhờ đó, không chỉ nâng cao thu nhập mà tôi còn có thể giúp đỡ nhiều hội viên khác vào làm việc để cùng nhau tạo dựng kinh tế tốt hơn".

Hiện nay, xưởng gỗ của ông tạo việc làm thường xuyên cho 8 hội viên cựu chiến binh, thu nhập bình quân từ 8-12 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trần Hài - Hội viên Chi hội Cựu chiến binh TDP Tân Định phấn khởi: “Sau khi xuất ngũ, tôi cũng bôn ba xa quê, làm thuê ở tận tỉnh Đắk Lắc nhưng thu nhập cũng không ổn định. Sau đó, tôi quyết định về quê và vào làm tại xưởng gỗ của CCB Nguyễn Đình Hợp. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của anh Hợp, chúng tôi cũng cố gắng làm việc chăm chỉ nên có thu nhập tốt, ổn định”.

bqbht_br_3.jpg
Xưởng mộc của CCB Nguyễn Đình Hợp đã tạo công ăn việc làm cho 8 hội viên Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố Tân Định.

Còn với cựu chiến binh Phan Văn Mai, thôn Châu Tùng, xã Tùng Ảnh, tinh thần không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm của người lính Cụ Hồ luôn là động lực để ông không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Năm 1984, sau những năm tháng cầm súng chiến đấu trên các chiến trường, trở về quê hương, ông tiếp tục vào học Trường Trung cấp đường sắt, rồi trở thành nhân viên Tổng Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh. Năm 2011, ông nghỉ hưu theo chế độ.

bqbht_br_2.jpg
Mô hình chăn nuôi lợn của CCB Phan Văn Mai, thôn Châu Tùng, xã Tùng Ảnh cho thu nhập cao.

Nghỉ hưu nhưng ý chí, phẩm chất không "hưu", ông tập trung phát triển kinh tế bằng việc xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn nái và lợn thịt, cho thu nhập mỗi năm từ 150 - 200 triệu đồng.

CCB Phan Văn Mai cho hay: “Mặc dù đã hết tuổi lao động nhưng tôi tâm niệm còn sức là còn tham gia phát triển kinh tế, tôi đã tận dụng 200 m2 đất vườn xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Mô hình của gia đình tôi luôn duy trì đàn lợn nái và lợn thịt từ 40 - 45 con/lứa, vừa nguồn vui tuổi già, vừa tạo thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống”.

bqbht_br_4.jpg
Mặc dù đã đến tuổi nghỉ ngơi nhưng các hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Đức Thọ vẫn hăng say lao động sản xuất tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Hội Cựu chiến binh huyện Đức Thọ hiện có gần 7.000 hội viên, sinh hoạt tại 155 chi hội cơ sở. Để đồng hành với các hội viên trên mặt trận phát triển kinh tế, những năm qua, hội CCB Đức Thọ đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu", đặc biệt là phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế giỏi”. Hội Cựu chiến binh từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khuyến khích hội viên mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo hướng hàng hóa như: sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; nhân rộng các mô hình liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị.

Ông Phạm Quang Hiệp – Thường trực Hội Cựu chiến binh huyện Đức Thọ cho biết: “Phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế giỏi” luôn là điểm nhấn nổi bật trong hoạt động của lực lượng cựu chiến binh ở Đức Thọ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 120 mô hình kinh tế do cựu chiến binh làm chủ, hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực, trong đó có 12 mô hình đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh. Cũng nhờ thực hiện tốt phong trào thi đua nên từ năm 2019 đến nay, tỷ lệ gia đình hội viên khá và giàu đạt trên 60%; hội viên nghèo, cận nghèo giảm xuống dưới 0,94%”.

Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình, hội viên cựu chiến binh huyện Đức Thọ đã và đang phát huy tốt phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ, tiên phong trên mặt trận mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Đọc thêm

Nhiều điểm mới trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi

Nhiều điểm mới trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi

Phạm vi hưởng BHYT được mở rộng với hình thức khám chữa bệnh tại nhà; xóa bỏ địa giới hành chính trong khám chữa bệnh, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng tuyến trên là những điểm mới trong Luật BHYT.
Lịch nghỉ lễ Tết năm 2025

Lịch nghỉ lễ Tết năm 2025

Năm 2025, người lao động được nghỉ tổng cộng 22 ngày dịp lễ Tết, gồm 11 ngày chính thức và 11 ngày nghỉ hàng tuần, hoán đổi.